Tinh thần cùng tiến từ bình dân học vụ
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng của nền giáo dục Việt Nam.
Diệt “giặc dốt”
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó chiến dịch diệt “giặc dốt” đóng vai trò quan trọng thứ hai sau diệt “giặc đói”. Khi dân trí được nâng cao sẽ tạo tiền đề, mở lối cho những tư tưởng cách mạng thấm nhuần vào quần chúng, tôn thêm nền móng vững chãi để chính quyền non trẻ vượt qua những thử thách sống còn.
Ông Nguyễn Thìn Xuân nhớ rõ kỷ niệm vui mà nhiều người vẫn truyền cho nhau nghe. Có lần, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đi xem tình hình các lớp bình dân học vụ. Người của đội kiểm tra không biết Bộ trưởng, kiên quyết giữ ông lại hỏi xem thuộc chữ hay chưa. Cần vụ định nhắc nhở người thanh niên kia, nhưng Bộ trưởng chỉ cười ngăn lại, trả lời trôi chảy rồi mới đi qua.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 17 thành lập Nha Bình dân học vụ và đặt ra quy định bình dân học vụ trên toàn đất nước; Sắc lệnh số 19 quy định mọi làng phải mở lớp học bình dân, trong đó thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 nêu rõ việc học chữ Quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”.
Đầu tháng 10/1945, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Lời kêu gọi của Bác đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Nha Bình dân học vụ, một phong trào thi đua diệt “giặc dốt” được phát động rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược.
Dạy học có các thầy, cô giáo, nhưng chủ yếu theo phương châm người biết chữ tham gia dạy, người chưa biết chữ thì học, người biết ít vừa dạy cho người chưa biết vừa học những người biết nhiều hơn. Mọi người dân đều nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc học.
Lớp học được tổ chức khắp nơi, chủ yếu là các đình làng, nhà thờ họ, nhiều chỗ tận dụng thêm lều quán, bến nước, gốc cây, mượn thêm nhà ở hay con đò để dạy học. Vách nhà, sân phơi, cửa ra vào đều trở thành bảng để dạy và học. Thiếu phấn, người dân sáng tạo bằng cách lấy đá trắng hay than củi để thay thế. Khi tự học, thiếu giấy bút thì dùng que viết chữ lên mặt đất.
Để bắt buộc mọi người tham gia học tập, các địa phương đều có biện pháp mạnh như: Những ai không chịu đi học đều bị chế giễu, khắp đường của các thôn hay cổng vào chợ đều có trạm kiểm tra bằng cách dựng cổng chào với hình thức đẹp, trên có bảng chữ đề sẵn, đến nơi ai đọc được thì đi qua cổng chính, ai không đọc được thì phải quay về hoặc luồn qua một nách tre thấp, hẹp bên cổng lớn.
Phong trào Bình dân học vụ đã trở thành một phần của phong trào Thi đua kháng chiến kiến quốc, góp phần quan trọng vào công cuộc diệt giặc dốt. Chỉ trong khoảng thời gian hơn một năm tuyên bố độc lập, phong trào Bình dân học vụ cả nước đã giúp hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Đến năm 1952, chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành.
Không chỉ xóa nạn mù chữ mà ngành Giáo dục lúc bấy giờ còn mở thêm các lớp bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân lao động nhằm phát triển hệ thống giáo dục nước nhà, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào Bình dân học vụ đã được lan tỏa rộng khắp.
Những nhân chứng lịch sử
Ông Nguyễn Trung Thiếp năm nay 89 tuổi là số ít những nhân chứng lịch sử thời Bình dân học vụ đang sống tại Hà Nội nhớ lại: Năm 1948, khi mới 15 tuổi, ông tham gia phong trào Bình dân học vụ. Ông vừa dạy cho bà con trong làng, vừa học cho mình.
Lúc đó, ông đảm nhiệm dạy 2 - 3 lớp học trong làng, mỗi lớp khoảng 10 - 20 người. Lớp học không cố định mà dạy ở bất cứ đâu, khi nào có thể. Có khi nay ở nhà người này, mai nhà người khác và cũng có khi diễn ra ngoài chợ. Thời gian học là sáng, trưa, chiều, tối - cứ người dân rảnh lúc nào thì ông dạy lúc đó.
Bảng của thầy giáo gồm tất cả những vật dụng có thể viết lên được như cánh cửa, ghế băng... thậm chí là chiếc mẹt đặt ở cổng chợ. Ai muốn đi chợ thì phải đọc được chữ trên mẹt mới cho vào.
“Học sinh” của ông không chỉ có anh em mà còn có bà học cùng với cháu, vợ học với chồng, hoặc cả nhà học chung lớp. Thầy giáo dạy chữ kiêm luôn việc đưa đón học sinh. Nhiều người già quá đi đường nguy hiểm nên thầy đến đón trò đi học rồi lại đưa trò về nhà cho an toàn.
Gian nan, vất vả là thế nhưng khi đó, mọi người đều nể trọng, yêu quý thầy giáo. Thầy được mọi người tặng quà, là những cuốn sách mà ở thời đó sách vô cùng quý giá. Cũng có người tặng tiền nhưng thầy nhất định không lấy, ai cho sách thì thầy nhận để tặng lại cho học sinh.
Cũng là nhân chứng của bình dân học vụ, ông Nguyễn Thìn Xuân – nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO Chiến sĩ diệt dốt và học tập cộng đồng Nguyễn Văn Tố - năm nay đã 98 tuổi hồi tưởng: Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có “ít ra là một lớp bình dân” và cưỡng bách học chữ Quốc ngữ trên toàn quốc.
Một ngày sau khi thành lập, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các miền. Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em.
Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: “I, tờ (i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu”.
Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Bàn không có thì úp ngược thúng để kê. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác.
Lúc bấy giờ, Hà Nội có phong trào cứ đến tối thứ 2, thứ 5, tất cả các cơ quan phải đi học, từng cơ quan Trung ương phải thành lập Ban Học tập. Bộ trưởng là Trưởng ban Học tập, Thứ trưởng là Tổ trưởng đứng ra kêu gọi tất cả mọi người đi học. Từ tối thứ 2 đến tối thứ 5, tất cả mọi người đều thắp đèn đi học, thành phong trào. Khách nước ngoài đến thăm thích nhất là phong trào ấy.
Bài học còn nguyên giá trị
GS.TS Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – đánh giá, phong trào Bình dân học vụ đã để lại nhiều bài học vô cùng quý giá, còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Thứ nhất, bình dân học vụ theo đuổi mục tiêu đúng đắn là phải để mỗi người dân được tiếp cận với giáo dục bằng cách tạo cơ hội đi học. Đây là bài học đắt giá và quan trọng nhất mà đến nay khi triển khai xã hội hóa học tập, việc này vẫn là ưu tiên số một.
Thứ hai, giáo dục phải đi vào cộng đồng, quần chúng lao động. Nếu chỉ phục vụ cho những người có tiền, ở tầng lớp thượng lưu, giáo dục không trọn vẹn ý nghĩa. Để toàn dân có thể đi học, những trung tâm học tập cộng đồng, thường xuyên cần được thành lập. Những nơi này gần gũi với người dân, thuận tiện đi lại tương tự lớp bình dân học vụ xưa được tổ chức ngay tại làng, xã.
Thứ ba, giáo dục và các mục tiêu học tập cụ thể luôn cần gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trước kia, việc xóa mù ngoài giúp dân biết chữ, có hiểu biết còn gắn với mục tiêu chính trị. Ngày nay, bài học này thể hiện ở việc phát triển giáo dục gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với chương trình chuyển đổi số.
Ông Dong đánh giá, so với những ngày đầu cách mạng Việt Nam chống “giặc dốt”, xóa mù chữ cơ bản, hiện nay người dân vẫn phải xóa mù chức năng. Điều này được hiểu là những kỹ năng không phù hợp hoặc thiếu sót với thời đại thì phải loại bỏ và học bổ sung, gọi khái quát là “xóa mù số”. Chuyển đổi số gắn liền với mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giao thông... Xóa mù số hiện nay quan trọng như xóa mù chữ trước kia.
Với ông Nguyễn Phong Niên - nguyên Ủy viên thư ký Ủy ban Quốc gia Chống nạn mù chữ, thầy giáo trong phong trào Bình dân học vụ những năm 1951 - 1953, việc nâng cao dân trí mãi là bài học đúng đắn ở mọi thời đại, chỉ là làm như nào để phù hợp với nhiều người trong các góc độ khác nhau.
Dẫn lại quan điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Niên giải thích sức mạnh của đất nước không phải chỉ nằm ở đội ngũ trí thức mà ở toàn dân. Tương tự, sức mạnh khoa học kỹ thuật không chỉ có ở người sáng tạo mà quan trọng là giúp mọi người biết dùng kỹ thuật công nghệ đó.
“Giờ chúng ta không dựng lớp tại làng, tại nhà để dạy người già sử dụng iPhone, iPad, cách làm phải khác, mới mẻ hơn. Tuy nhiên, tinh thần mà bình dân học vụ mang lại luôn đúng, đó là nâng cao dân trí, toàn dân cùng học và xây dựng đất nước lớn mạnh hơn”, ông Niên nói.
“Phong trào Bình dân học vụ đã tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục phát triển như hiện nay. 78 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Bình dân học vụ, nền giáo dục Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc và gặt hái được nhiều thành công.
Từ chỗ 95% dân số Việt Nam mù chữ năm 1945, đến nay, gần 100% người dân đều đã biết chữ. Năm 2023, cả nước có 76,19% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 93,62% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 97,67% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là 98,85% và 97,29%. Đây là những thành tích rất đáng tự hào”. - Cô giáo Hoàng Thu Vân - Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-than-cung-tien-tu-binh-dan-hoc-vu-post650414.html