Tinh thần pháp trị trong xây dựng và thực thi luật pháp
Cải cách tư pháp phải thực hiện theo hướng 'nhốt quyền lực', tức là phải tiến tới xây dựng các đạo luật khi ban hành là có thể thi hành được ngay, trường hợp có Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn thì chỉ hướng dẫn các thủ tục hành chính.
Tinh thần pháp trị là một trong những thành tựu trí tuệ vĩ đại nhất của nhân loại, là nền tảng của xã hội văn minh và kinh tế thị trường.
Có thể diễn giải tóm tắt nguyên tắc của nó như sau:
Thứ nhất. Tinh thần pháp trị đòi hỏi cơ quan lập pháp phải bị giới hạn quyền lực để tuân thủ các nguyên tắc phổ quát mà theo đó, các đạo luật được ban hành phải nhằm bảo vệ các quyền căn bản không thể bị tước đoạt của người dân. Nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không có nghĩa là cơ quan này có quyền lực không giới hạn muốn làm gì thì làm. Không phải thượng tôn pháp luật là bảo đảm tinh thần pháp trị.
Tinh thần pháp trị yêu cầu luật pháp phải được xây dựng phù hợp với công lý, với lẽ phải. Thông thường ở nhiều nước, các nguyên tắc cơ bản của pháp trị được ghi trong Hiến pháp hoặc theo lẽ công bằng truyền thống, ngày nay nó còn hàm chứa trong nhiều điều ước quốc tế.
Cơ quan lập pháp khi làm luật không được vượt qua những giới hạn này. Lịch sử thế giới cho thấy khi tinh thần pháp trị bị vi phạm đã diễn ra một thực tế khủng khiếp như thế nào, đó là trường hợp của nước Đức đầu những năm 1930.
Sau Đại chiến I, nước Đức thiết lập nền cộng hòa với một bản Hiến pháp được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ nhất của thế kỷ 20. Nó chỉ có vài nhược điểm, trong đó có nhược điểm chí mạng là cho phép điều hành đất nước theo sắc lệnh của Tổng thống trong tình trạng khẩn cấp.
Hitler đã tận dụng triệt để nhược điểm này trên con đường thâu tóm quyền lực. Cuối cùng, vào ngày 23-3-1933, lúc này Hitler đã làm Thủ tướng, dù Đảng quốc xã chỉ chiếm 44% số ghế trong nghị viện, nhưng Hitter đã dùng sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống để “tạo sự vắng mặt” của một loạt nghị sĩ chống đối mình, đồng thời gây sức ép lấy sự thỏa hiệp của các nghị sĩ vài đảng khác để tạo ra đa số 2/3 nhằm thông qua một đạo luật đen tối nhất trong lịch sử thế giới.
Đó là Luật trao quyền, có tên gọi là “Luật Phòng chống tai họa của Nhân dân và Đế chế”, trao tất cả quyền của Nghị viện cho nội các trong vòng 4 năm, cho phép Hitler ngồi xổm lên Hiến pháp. Nghị viện biến thành tổ chức ngồi chơi xơi nước, cứ 4 năm họp 1 lần để gia hạn đạo luật này. Còn bản Hiến pháp thì Hitler không buồn phế bỏ, nó vẫn tồn tại đến khi nước Đức thua trận. Vắng bóng tinh thần pháp trị, một chế độ độc tài khét tiếng nhất trong lịch sử nhân loại đã được thiết lập bằng con đường dân chủ và hợp pháp như thế đó.
Thứ hai. Không phải bầu cử tự do là mặc nhiên có tinh thần pháp trị. Một nền dân chủ 51% thống trị 49% với quyền lực không bị giới hạn, nền dân chủ đó sẽ dẫn đến chế độ toàn trị. Một số người cho rằng phải có đa nguyên mới giới hạn được quyền lực, đó là một ảo tưởng. Một nền dân chủ đa nguyên, nếu không có cơ chế hữu hiệu bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc pháp trị thì chỉ cần sự thỏa hiệp giữa các nhóm đại biểu để tạo thành đa số, Quốc hội hoàn toàn có thể ban hành những đạo luật phục vụ đặc quyền đặc lợi của một nhóm người, xâm phạm lợi ích của số đông dân chúng.
Thứ ba. Nước ta đang trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các nhà lãnh đạo nhiều lần tuyên bố phải kiểm soát quyền lực, phải “nhốt quyền lực” thì mới bảo đảm pháp quyền. Đó cũng chính là tinh thần pháp trị. Tinh thần đó đòi hỏi một đạo luật được ban hành phải xác định rõ: người dân không được làm điều gì và chính quyền được làm điều gì.
Nghĩa là, người dân được làm tất cả những gì mà luật không cấm, còn chính quyền thì chỉ làm những gì mà luật cho phép. Luật phải được áp dụng bình đẳng, không có ngoại lệ, giống như quy định về đi đường, luật đã quy định đi bên nào, thì tất cả mọi người cùng đi một bên đó, nếu đi sai thì chính quyền xử phạt.
Nguyên tắc này cho phép người dân dự đoán được hành vi của chính quyền nhằm thu xếp kế hoạch làm ăn sinh sống của họ, bởi vậy luật cũng không cho phép bất kỳ cơ quan nhà nước nào ban hành quyết định, nghị định hay thông tư đưa ra những quy định mà người dân không thể dự đoán.
Nước ta đang có một thông lệ, sau khi có luật thì phải có Nghị định hướng dẫn thi hành luật, sau khi có Nghị định thì phải có Thông tư của các bộ, ngành hướng dẫn thi hành Nghị định. Như tên gọi của chúng, lẽ ra các Nghị định, Thông tư phải bị giới hạn trong phạm vi hướng dẫn các thủ tục thực thi, nhưng trong thực tế có một số Nghị định và Thông tư lại đưa ra các quy định mà luật không hề đề cập.
Những quy định này khiến người dân không thể dự đoán sau khi có luật. Hầu hết các đạo luật đều do hành pháp soạn thảo và giao cho các cơ quan hành pháp hướng dẫn thi hành, trong đó không ít đạo luật giao cho hành pháp đưa ra những quy định cụ thể mà người dân không thể đoán biết nội dung của chúng. Trong một số phiên tòa, cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào Nghị định, thậm chí nhiều trường hợp căn cứ vào Thông tư để xét xử trong khi Tòa án không có thẩm quyền phán xử các Nghị định hay Thông tư đó có trái luật hay không.
Một đạo luật mà không cho phép người dân dự đoán được hành vi của chính quyền, đạo luật đó vi phạm tinh thần pháp trị. Bởi vậy, cải cách tư pháp phải thực hiện theo hướng “nhốt quyền lực”, tức là phải tiến tới xây dựng các đạo luật khi ban hành là có thể thi hành được ngay mà không cần phải có Nghị định và Thông tư hướng dẫn, trường hợp có Nghị định hoặc Thông tư không được đưa ra các quy định mới mà chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các thủ tục hành chính để bộ máy hành pháp thi hành luật.
Từ hơn 30 năm trước, các lãnh đạo và các nhà lập pháp của chúng ta cũng đã đặt ra vấn đề như vậy, nhưng thời điểm đó cho rằng nước ta có nhiều vấn đề mới chưa đủ sáng rõ để có thể đưa ngay vào luật nên phải giao cho hành pháp cụ thể hóa. Nhưng hơn 30 năm qua, quá trình soạn thảo luật, thực thi pháp luật và thực tiễn nhiều vấn đề đã sáng rõ, lẽ nào vẫn cứ làm như cũ?