Tinh thần quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh trong chiến thắng Quảng Trị năm 1972

Đã 50 năm trôi qua, tinh thần quả cảm và ý chí quyết chiến, quyết thắng trong cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972 luôn mang tính thời sự và giá trị hiện thực sâu sắc đối với công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thượng tá NGUYỄN HỮU ĐÀN, UVTVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

 Các cựu chiến binh với những kỷ vật chiến trường tại chiến khu xưa Ba Lòng - Ảnh: PV

Các cựu chiến binh với những kỷ vật chiến trường tại chiến khu xưa Ba Lòng - Ảnh: PV

Bước sang năm 1972, sau khi cân nhắc toàn diện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã xác định lấy chiến trường Trị - Thiên là một trong những hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Ngày 11/3/1972, Quân ủy Trung ương họp xác định quyết tâm chiến lược toàn năm 1972 như sau: “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tập trung chỉ đạo chiến tranh và tăng cường lực lượng về mọi mặt cho chiến trường chủ yếu và chiến trường miền Nam” nhằm vào lúc Mỹ- ngụy vừa thua to, nước Mỹ đang lâm vào thời điểm chính trị của cuộc chạy đua vào Nhà trắng, mà kiên quyết đánh bại địch bằng 3 đòn chiến lược: Đòn tấn công của bộ đội chủ lực; đòn tấn công nổi dậy ở nông thôn; đòn đấu tranh ở các đô thị.

Về hướng tấn công chiến lược, Quân ủy Trung ương chỉ rõ khu vực Trị Thiên là một chiến dịch quy mô lớn, là một chiến dịch hợp đồng binh chủng, một chiến dịch tổng hợp cả quân sự, chính trị và quyết định lấy chiến trường Trị Thiên là hướng tấn công chủ yếu. Để thực hiện quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch, ngày 13/3/1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch lấy tên là Bộ Tư lệnh 702, do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Quân khu Trị Thiên và Bộ Tư lệnh chiến dịch, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với đòn tấn công chiến lược của bộ đội chủ lực, phát huy cao độ đòn nổi dậy của quần chúng nhân dân, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hình thành mặt trận tiến công rộng khắp địa bàn nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an, dân vệ, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Để thực hiện quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị, ta đã tập trung khối lực lượng lớn gồm 3 sư đoàn bộ binh (304, 308, 324), 5 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn xe tăng, 4 trung đoàn pháo cao xạ (có 4 tiểu đoàn tên lửa). Khối lực lượng tại chỗ gồm Quân khu Trị Thiên và Mặt trận B5 có một số trung đoàn bộ binh, pháo binh, các đơn vị binh chủng và bộ đội địa phương, du kích của 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lực lượng vũ trang tỉnh đã hợp đồng với bộ đội chủ lực dồn dập tấn công và bao vây 5 căn cứ quân sự của Mỹ- ngụy ở Động Toàn, Ba Hồ, các cao điểm 544, 288, 365. Pháo binh của ta cùng một lúc tấn công liên tục và dồn dập vào các vị trí quân sự của địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Bái Sơn, Đầu Mầu, Đông Hà, Mai Lộc… Chỉ trong 3 ngày từ ngày 31/3/1972 đến ngày 2/4/1972, toàn bộ quân địch trên tuyến Cửa Việt - Động Toàn đều bị lực lượng vũ trang tỉnh và bộ đội chủ lực quét sạch cùng với toàn bộ hệ thống đồn bốt kiên cố. Ta tiêu diệt và làm tan rã gần một vạn tên địch, thu nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng huyện Gio Linh và Cam Lộ vào ngày 2/4/1972.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 27/4/1972, các đơn vị bộ binh, xe tăng từ các hướng đồng loạt tiến công vào cụm phòng ngự Đông Hà. Lực lượng vũ trang tỉnh cùng với bộ đội chủ lực chia thành nhiều mũi tiến công địch từ nhiều hướng; các đơn vị du kích Đông Hà phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đánh địch ở nhiều điểm trong thị xã. Do thông thuộc địa hình, anh chị em du kích đã khéo léo dẫn bộ đội đánh đúng vào các vị trí cố thủ quan trọng của địch. Nữ chiến sĩ du kích Nguyễn Thị Lan đã anh dũng hy sinh khi dẫn đầu đoàn xe tăng của ta từ hướng tiến công vào trung tâm thị xã; chị Lê Thị Xuân Tám chỉ huy du kích xã Triệu Thượng cùng đồng đội bám sát thôn xã chiến đấu; đồng chí Bích Lan, Thị ủy viên mưu trí dẫn đường cho các đơn vị vượt sông đánh chiếm thị xã; đồng chí Trần Thị Tâm, Huyện đội phó Hải Lăng trực tiếp chỉ huy một tổ du kích xã Hải Quế bám trụ làng xã đánh một tiểu đoàn địch đi càn suốt một ngày không cho địch vào làng.

Giữa lúc trận chiến đấu đang ở thời điểm quyết liệt thì đồng chí bị trúng đạn từ một chiếc máy bay trực thăng địch. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí đã kịp thời chôn giấu vũ khí và đốt cháy hết tài liệu không để rơi vào tay địch. Du kích Triệu Lương, biệt động thị xã Quảng Trị phối hợp với Trung đoàn 88 thọc sâu vào căn cứ làng Trung Chỉ diệt hơn 100 tên, bắn cháy 2 xe tăng, truy kích địch ở Đại Áng, tiêu diệt hơn 80 tên khác. Du kích và Nhân dân các xã Triệu Lương, Triệu Lễ, Triệu Ái sát cánh với bộ đội đánh địch mãnh liệt. Du kích xã Triệu Trạch tự dỡ nhà mình làm công sự, tham gia tiếp tế đạn, lương thực cho bộ đội. Du kích xã Triệu Sơn trên đường nhận hỏa lực phòng không về, gặp máy bay địch, nhanh chóng triển khai chiến đấu và bắn rơi 1 máy bay.

Ngày 1/5/1972, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị. Trong hai đợt tiến công, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, độc lập đánh 36 trận, tiêu diệt 211 tên địch, bắt sống 2.600 tên, thu 3.800 súng các loại, 1.000 tấn lương thực, 5 tấn tài liệu, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự và bộ máy ngụy quyền từ thôn, xã đến tỉnh, giải phóng 30 vạn dân, thiết lập chính quyền cách mạng.

Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị và kiên cường đánh bại các đợt phản công chiến lược của địch, cơ bản giữ được vùng giải phóng. Quảng Trị, tỉnh địa đầu của miền Nam, là cầu nối giữa tiền tuyến lớn miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc sau 18 năm dưới ách kềm kẹp của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã được giải phóng.

Tinh thần quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã vận dụng sáng tạo chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy và kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, binh chủng, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trên chiến trường Trị - Thiên để giành thắng lợi quyết định.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166738&title=tinh-than-qua-cam-y-chi-quyet-chien-quyet-thang-cua-luc-luong-vu-trang-tinh-trong-chien-thang-quang-tri-nam-1972