Tinh thần vượt khó giúp Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô phát triển

Được xem là hiện thân của tinh thần vượt khó đi lên, sau ba thập kỷ, từ một công ty xây dựng công trình ngầm, Tổng công ty (TCT) Xây dựng Lũng Lô đã trở thành doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, thương hiệu mạnh về thi công âu tàu, cảng biển, hầm đường bộ, hầm thủy điện khẩu độ lớn...

Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống (16-11-1989 / 16-11-2019), Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với Đại tá Tăng Văn Chi, Tổng giám đốc TCT Xây dựng Lũng Lô về chặng đường 30 năm và hướng phát triển thời gian tới.

 Đại tá Tăng Văn Chi.

Đại tá Tăng Văn Chi.

Phóng viên (PV):Nói đến TCT Xây dựng Lũng Lô là nói đến truyền thống vượt khó đi lên của người lính công binh mở rừng, xuyên núi; đồng chí có thể phác thảo một vài nét chính của chặng đường phát triển trong 30 năm qua?

Đại tá Tăng Văn Chi: TCT Xây dựng Lũng Lô là doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng, thành lập ngày 16-11-1989, với tên gọi ban đầu là Công ty Xây dựng công trình ngầm Lũng Lô. Tháng 7-1990, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển thành Công ty Khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình ngầm Lũng Lô. Tháng 8-1993, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên thành Công ty Xây dựng Lũng Lô. Tháng 6-2002, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Lữ đoàn Công binh công trình dự bị động viên 253 và trao Quân kỳ Quyết thắng cho lữ đoàn. Từ đó, công ty thực hiện hai nhiệm vụ, vừa sản xuất kinh doanh, vừa huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Thực hiện chủ trương đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, tháng 12-2011, Bộ Quốc phòng quyết định điều chuyển nguyên trạng Công ty Xây dựng Lũng Lô thuộc Binh chủng Công binh về trực thuộc Bộ Quốc phòng và nâng cấp thành TCT Xây dựng Lũng Lô.

Như vậy, từ doanh nghiệp có quy mô nhỏ, biên chế ban đầu vài ba chục cán bộ, công nhân viên, đến nay đơn vị đã phát triển thành một TCT mạnh với nhiều công ty và đơn vị thành viên, trở thành thương hiệu uy tín số một Việt Nam về xây dựng âu tàu, cảng biển, đê chắn sóng, hầm đường bộ, hầm thủy điện khẩu độ lớn. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá TCT Xây dựng Lũng Lô là doanh nghiệp hàng đầu về thi công các công trình đặc thù đòi hỏi kỹ thuật và khả năng xử lý tốt ở các địa bàn địa chất phức tạp.

 Trụ điện vượt biển ra đảo Lại Sơn (Kiên Giang) do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công.

Trụ điện vượt biển ra đảo Lại Sơn (Kiên Giang) do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công.

PV: Đồng chí cho độc giả Báo Quân đội nhân dân biết một vài công trình mà TCT đã ghi dấu ấn trong chặng đường phát triển?

Đại tá Tăng Văn Chi: Để khẳng định được thương hiệu, vị thế từ cái thuở ban đầu gian nan ấy là cả một dặm trường đầy gian khó. Bởi hoàn cảnh ra đời của TCT Xây dựng Lũng Lô lúc bấy giờ đúng vào thời điểm kinh tế đất nước rất khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó đi lên, sự nỗ lực quyết tâm của cả một tập thể, sự năng động, sáng tạo của những người lính thợ công binh đã giúp TCT lớn mạnh như ngày hôm nay. Các công trình trọng điểm mà TCT ghi dấu ấn, như: Công trình Cảng và khu neo đậu tàu đảo Bạch Long Vĩ, đảo Mắt, đảo Mê, Cồn Cỏ, Cô Tô, Phú Quý... (thuộc các đảo gần bờ); tuyến cáp quang TP Hồ Chí Minh-Vũng Tàu, đường hầm Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Thủy điện Huội Quảng; A Vương, Sông Tranh 2, A Lưới, Alin B1, B2... được các chủ đầu tư đánh giá cao chính là những minh chứng sống động về sự phát triển và uy tín của TCT trong quá trình hội nhập, phát triển của đất nước.

PV: Để giữ vững được sự ổn định và cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; TCT có “bí quyết” gì?

Đại tá Tăng Văn Chi: Để phát triển và cạnh tranh được trong quá trình hội nhập là cả sự thách thức lớn không chỉ với TCT Xây dựng Lũng Lô mà với tất cả các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, ngay từ đầu thành lập, TCT đã xác định được nhiệm vụ của mình là tập trung vào lĩnh vực chưa có mấy đơn vị khai thác; những ngành nghề mũi nhọn mà TCT hiện nắm giữ lợi thế, đang có kinh nghiệm nên đã bắt nhịp được với xu thế đòi hỏi của thực tiễn. Chính từ những thử thách khắc nghiệt ấy đã tạo nên một thương hiệu riêng của những người lính thợ Lũng Lô ngày hôm nay. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng đoàn kết của cả tập thể thì những kết quả đạt được hôm nay cũng phải nhờ cậy rất nhiều vào sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng; của lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội...

PV: Bước vào thời kỳ hội nhập hiện nay, TCT đã chuẩn bị cho mình những gì để không bị “hụt hơi” trong quá trình phát triển?

Đại tá Tăng Văn Chi: Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X...; TCT sẽ tiếp tục phát huy mọi tiềm năng sẵn có, nhất là phát huy những điểm mạnh, lợi thế, tập trung nâng cao năng lực xây dựng các công trình thủy, đường hầm khẩu độ lớn, luồng, âu tàu, cảng biển, các tuyến đê biển. Thực hiện nghiêm đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Cổ phần hóa TCT theo đúng kế hoạch, quy trình, lộ trình. Bên cạnh đó, TCT cũng đầu tư về trang thiết bị, công nghệ, hiện đại, dây chuyền thi công TBM (công nghệ đào hầm mới) để tham gia các dự án Metro tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; xây dựng các đơn vị chuyên sâu về thi công các công trình hầm thủy điện, giao thông, thủy lợi; mở rộng, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp TCT cân bằng hơn trong bảo đảm việc làm và tăng trưởng, phát triển ổn định.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MINH THÁI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tinh-than-vuot-kho-giup-tong-cong-ty-xay-dung-lung-lo-phat-trien-599907