Tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng
Cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai với nhiều cách làm khác nhau, thường xuyên làm tốt công tác chăm lo cho các em học sinh trên địa bàn. Từ đó, góp phần thắp sáng niềm tin, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới. Tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng đã được cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây ghi nhận, đánh giá cao.
Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, cùng sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các lực lượng đóng quân trên địa bàn đã làm thay đổi bộ mặt của xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ. Kinh tế - xã hội phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, dân trí của đồng bào dân tộc vùng biên giới ngày càng được nâng cao. Đến nay, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trường học được xây dựng cơ bản, kiên cố và đủ phòng học cho học sinh, chỗ ở cho giáo viên; trạm xá đã được xây dựng cơ bản, hệ thống đường giao thông được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, làm ăn sản xuất của nhân dân.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, do tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, năng suất lao động thấp, kinh tế chậm phát triển. Do đặc thù của xã biên giới nên dân cư phân bố không đồng đều, rải rác, xa trung tâm hành chính xã. Đặc biệt, có những thôn, làng cách xa trung tâm hàng chục km, đường sá đi lại khó khăn, đó cũng là một trong những lý do khiến tình trạng học sinh trong độ tuổi đến lớp bỏ học nhiều.
Trước những khó khăn về điều kiện đi lại, ăn, ở và hoàn cảnh của các em học sinh trên địa bàn; cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã ấp ủ, triển khai mô hình dân vận để chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển những mầm non tương lai của đất nước, san sẻ phần nào những vất vả của bà con khu vực biên giới, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với quyết tâm chính trị cao, ngày 1/4/2013, Đảng ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai và tổ chức "Bếp ăn tình thương" cho các cháu học sinh tại Tổ công tác địa bàn.
Từ năm 2013 đến nay, Tổ công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Ia Dom, các đơn vị, nhà trường trên địa bàn tiến hành khảo sát, tuyên truyền, vận động các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xa trung tâm, quan tâm tạo điều kiện cho các cháu sau khi học xong sẽ về lại Tổ công tác ăn uống, ngủ nghỉ để buổi chiều có thời gian tiếp tục tham gia học tập. Thời điểm chúng tôi có mặt, đơn vị đang duy trì “Bếp ăn tình thương”, nuôi 16 cháu tuổi từ 9 đến 17 tuổi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Lan Đức, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết: “Cấp ủy Đảng và nhân dân nơi đây ghi nhận và biết ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nhiều lắm. Nhờ có các anh mà nhiều gia đình đã giảm bớt gánh nặng lo toan “cơm, áo, gạo, tiền” cho con, em đi học, một số em đã toại nguyện được ước mơ, hoài bão của mình, bước tiếp vào cổng trường đại học”.
Hàng ngày, tổ công tác phân công luân phiên giao cho 1 đồng chí cán bộ thay nhau đi chợ, nấu cơm trưa cho các cháu (bữa ăn trưa hàng ngày có đủ thịt, cá, rau, củ, quả... đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng dinh dưỡng; thường xuyên cải tiến bữa ăn, giúp bữa ăn thêm phong phú). Với nguồn kinh phí đóng góp từ lương và phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, tổng số tiền 7.000.000 đồng/tháng (tổ chức liên tục trong 9 tháng học tập).
Ngoài ra, các dịp lễ, tết, dịp khai giảng năm học mới và tổng kết năm học, đơn vị trích quỹ vốn trao tặng học bổng và khen thưởng các cháu trong các chương trình nói chung, cũng như mô hình “Bếp ăn tình thương” nói riêng. Đại úy Ksor Thun, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, chia sẻ: “Đã thành thói quen, ngày nào chúng tôi cũng chăm sóc, phục vụ các cháu học sinh. Đó không chỉ là tình thương mà còn là trách nhiệm của người lính với con em của đồng bào dân tộc nơi biên cương Tổ quốc”.
Từ khi có “Bếp ăn tình thương”, cán bộ, chiến sĩ tổ công tác cũng bận rộn hơn. Ngoài những công việc thường nhật đi xuống địa bàn, nắm bắt tình hình..., các đồng chí còn phân công nhau và dành thời gian quan tâm, chăm sóc các cháu; bởi các cháu đang tuổi mới lớn, hiếu động nên cần hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên. Đơn vị cũng gặp gỡ, trao đổi với các giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt thêm việc học tập của từng cháu, từ đó có hướng giúp đỡ, điều chỉnh. Nhìn chung, các cháu đều ngoan, biết nghe lời và học lực đáp ứng yêu cầu.
Thượng tá Trần Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết: “Bước đầu triển khai thực hiện mô hình, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn như: Công tác tuyên truyền, vận động gia đình và học sinh; kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ về vật chất; phân công, cắt cử cán bộ phụ trách theo dõi... Nhưng với sự chung tay, góp sức của nhiều tập thể, cá nhân, mô hình “Bếp ăn tình thương” của đơn vị đã đi vào hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả cao”.
Có thể khẳng định, bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” đã trở thành “mệnh lệnh” trái tim, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh vượt qua mọi gian khó, cùng bà con các dân tộc xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh, giữ gìn biên giới bình yên.