Tình tiết mới về vụ Mỹ ném bom sứ quán Trung Quốc năm 1999
Một số nguồn tin tiết lộ việc đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ bị Mỹ ném bom là để phá hủy phần xác máy bay tàng hình F-117 nằm bên trong, dù thông tin chính xác vẫn là ẩn số.
Khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ở Alaska, Mỹ vào cuối tháng 3, một số bài báo với tiêu đề hấp dẫn bắt đầu xuất hiện trên Internet Trung Quốc.
“Tại sao Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị tấn công bằng bom dẫn đường chính xác của Mỹ năm 1999”, một bài báo viết, thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc, Nikkei Asia cho biết.
Mỹ luôn khẳng định vụ đánh bom cách đây 22 năm là một tai nạn và nhiệm vụ không kích năm đó của NATO dự định ném bom một cơ sở gần đó của Nam Tư.
Điều gì đã xảy ra?
Những gì đã xảy ra đêm đó là một chủ đề hấp dẫn đối với người dân Trung Quốc. Những tình tiết liên quan đến vụ không kích nhầm 22 năm trước được tiết lộ khi quan chức Mỹ - Trung gặp nhau là một hiện tượng kỳ lạ, hình như ai đó đang tiết lộ những bí mật đằng sau vụ việc.
Đêm 7/5/1999, đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ bị tấn công bởi 5 quả bom dẫn đường chính xác phóng ra từ máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ. Ba công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Vụ việc dẫn đến các cuộc biểu tình chống Mỹ ở Bắc Kinh.
Bất chấp lời xin lỗi từ Tổng thống Bill Clinton, chính phủ Trung Quốc khẳng định đó không thể là một vụ bắn nhầm và quân đội Mỹ đã cố tình ném bom đại sứ quán Trung Quốc. Tuy vậy, Bắc Kinh chưa bao giờ chứng minh được đây là vụ tấn công có kế hoạch của Mỹ.
Nhưng bài báo mới đăng gần đây lại tiết lộ một tình tiết khác. Bài viết đề cập đến lý do thực sự mà đại sứ quán Trung Quốc trở thành mục tiêu là xác của máy bay chiến đấu tàng hình F-117A, bị phòng không Nam Tư bắn hạ nằm bên trong.
Hơn một tháng trước vụ đánh bom đại sứ quán, một máy bay chiến đấu tàng hình F-117A Nigthawk của Mỹ, được triển khai tới cuộc xung đột ở Kosovo đã bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không do Liên Xô sản xuất, được quân đội Serbia (Nam Tư cũ) vận hành.
Các mảnh vỡ của chiếc phi cơ tàng hình nằm ngổn ngang trên đất nông nghiệp. Một số bộ phận được trưng bày tại bảo tàng hàng không ở Belgade, Serbia.
“Ngay sau khi chiếc máy bay bị bắn hạ, các mật vụ Trung Quốc lùng sục các khu vực, mua lại các mảnh vỡ từ nông dân địa phương”, Đô đốc Davor Domazet-Loso, khi đó là tham mưu trưởng quân đội Croatia láng giềng, nói với AP vào năm 2011.
Ở thời điểm đó, F-117A là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới, được phát triển bởi Lockheed, nay là Lockheed Martin. Công nghệ của F-117A được nghiên cứu vào giữa những năm 1970.
Ở thời điểm bị bắn hạ, công nghệ mà nó được trang bị không còn là hàng đầu của Mỹ, nhưng đống đổ nát của nó vẫn có giá trị rất cao với các nước đối thủ.
“Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đã sử dụng những mảnh vỡ còn lại để tìm hiểu sâu hơn về công nghệ tàng hình bí mật và sao chép lại chúng”, Đô đốc về hưu Domazet-Loso, nói với AP trong cuộc phỏng vấn.
Trong khi đó, bài báo đăng gần đây tiết lộ Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Serbia chia sẻ phần còn lại của các mảnh vỡ. Sau quá trình đàm phán, Trung Quốc đã có được hệ thống dẫn đường, phần thân chính và bộ phận vòi phun chịu nhiệt của động cơ.
Bài báo nói rằng ở thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc chưa tìm ra cách để vận chuyển các bộ phận của máy bay về nước một cách bí mật. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài tạm thời cất chúng trong tầng hầm của đại sứ quán.
Quân đội Mỹ đã phát hiện ra tín hiệu định vị phát ra từ đống đổ nát và nhận biết chúng đang nằm dưới tầng hầm của đại sứ quán Trung Quốc. Bài báo kết luận rằng máy bay ném bom tàng hình B-2 được lệnh xuất kích để phá hủy chúng, giữ bí mật quân sự Mỹ không rơi vào tay Trung Quốc.
Bài báo nói thêm, một trong những quả bom đã rơi xuống tầng hầm, nhưng không phát nổ, những mảnh vỡ của máy bay F-117 vẫn còn nguyên vẹn.
Sau đó, Trung Quốc đã dành 10 năm để phát triển công nghệ tàng hình và nghiên cứu chuyên sâu về tên lửa dẫn đường bằng laser. Một câu chuyện của AP năm 2011, nói rằng công nghệ sử dụng trên máy bay chiến đấu tàng hình J-20 có thể bắt nguồn từ chiếc F-117A bị bắn rơi.
Sự úp mở của Bắc Kinh
Ngôn ngữ sử dụng trong bài báo viết theo kiểu phỏng đoán, không có gì chắc chắn. Điều đó có thể là do nếu là sự thật, đại sứ quán đã giấu tài liệu nhạy cảm trong tầng hầm, khiến tính mạng nhân viên gặp rủi ro.
Trở lại năm 2011, thời báo Hoàn cầu, phụ san của tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, đã phủ nhận giả thuyết Bắc Kinh đánh cắp công nghệ F-117A.
Sự thật đằng sau vụ việc vẫn là một ẩn số, nhưng sự thay đổi trong lập trường của Trung Quốc là đáng chú ý. Nhà chức trách Trung Quốc có thể xóa bất kỳ bài đăng trực tuyến nào mà họ cho là không phù hợp, nhưng những tiết lộ trong bài viết về vụ đánh bom đại sứ quán lại không bị xóa.
Điều đó đồng nghĩa với việc bài viết đã nhận được sự chấp thuận ngầm của nhà chức trách Trung Quốc.
Vậy tại sao chính phủ Trung Quốc lại bật đèn xanh cho vụ việc được xem là nhạy cảm này.
Đầu tiên, hầu hết người Trung Quốc tin rằng vụ đánh bom đại sứ quán là hành động có chủ ý của Mỹ. Việc tung bằng chứng cho lập luận đó càng làm nổi bật tội lỗi của Mỹ trong quá khứ, đoàn kết những người đứng sau chính phủ Trung Quốc, khi quan hệ với Washington ngày càng xấu đi.
Thứ hai, các nhà chức trách Trung Quốc muốn làm nổi bật sự tiến bộ của công nghệ quân sự Trung Quốc, kể từ sau “sự sỉ nhục ở Belgrade”.
Một sự trùng hợp khác là ở thời điểm bài báo được đăng, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Nikola Selakovic đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Quý Dương, thành phố thủ phủ của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Dù ông Vương Nghị nói rằng hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu chỉ đơn thuần về vấn đề thương mại và không có ý định gây dựng sự ảnh hưởng ở khu vực.
Tuy vậy, trong tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thăm Serbia đã trao đổi với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic về hợp tác quân sự. Họ cùng nhau kiểm tra một cuộc diễn tập quân sự của lực lượng vũ trang Serbia.
Trung Quốc và Serbia có lịch sử quan hệ an ninh chặt chẽ. Đó là một mối quan hệ đã trở nên nổi bật hơn do cuộc đối đầu Mỹ - Trung gần đây. 22 năm trôi qua, vụ đánh bom đại sứ quán không phải là một mảnh lịch sử đơn thuần, mà là một yếu tố của quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp.