Tính toán chuyện huy động 42.000 tỷ đồng vốn 'nội' để đầu tư cho Metro số 2

Ngày 25/11 vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách để triển khai tiếp dự án xây dựng tuyến Metro số 2 thay cho việc sử dụng vốn vay ODA từ các ngân hàng nước ngoài như ADB, KFW và EIB để đầu tư cho dự án.

Ngay sau đó, UBND thành phố đã giao Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu phương án huy động vốn phù hợp để triển khai tuyến Metro số 2.

Tổng mức đầu tư cho dự án được điều chỉnh cách đây 5 năm đã lên đến gần 47,9 nghìn tỷ đồng. Đến nay số vốn đã giải ngân cho dự án này đạt hơn 5,2 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho việc đền bù, giải tỏa và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Chưa có nơi di dời, một cây xăng vẫn nằm trên hành lang thi công tuyến Metro số 2.

Chưa có nơi di dời, một cây xăng vẫn nằm trên hành lang thi công tuyến Metro số 2.

Ngày 9/12, Phó Tổng giám đốc HFIC Nguyễn Quang Thanh đã đề xuất thành phố các giải pháp huy động vốn. Theo đó, để đầu tư cho tuyến Metro số 2, ngay trong giai đoạn 2026-2030 cần phải bố trí được 28,8 đến 29,8 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 cần khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng. Về khả năng cần đối vốn từ ngân sách thành phố để bố trí cho dự án, giai đoạn 2026-2030 sẽ có gần 30,7 nghìn tỷ đồng được huy động từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP) để thay thế cho nguồn vốn ODA vay lại của Chính phủ từ khoản vay nước ngoài. Riêng giai đoạn 2031-2035 hiện chưa có thông tin.

Từ phương án tài chính của dự án như trên, theo ông Thanh việc bố trí nguồn vốn trong giai đoạn đầu đã có thể tạm yên tâm, nhưng giai đoạn sau thành phố sẽ phải rà soát các nguồn thu ngân sách dùng bố trí cho kế hoạch đầu tư công của giai đoạn này để tính toán nguồn vốn vay bổ sung nếu cần với hình thức phù hợp.

Thực tế cho thấy, các đợt phát hành trái phiếu CQĐP trước đây của thành phố chủ yếu được thực hiện theo phương thức “bảo lãnh phát hành” do khối lượng phát hành mỗi năm không nhiều, chỉ ở mức 2 đến 3 nghìn tỷ đồng/năm.

Theo số liệu thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong vòng 10 năm, từ 2010 đến năm 2020, tổng giá trị trái phiếu CQĐP được TP Hồ Chí Minh phát hành khoảng 20,1 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023 không có địa phương nào trên cả nước phát hành thành công trái phiều CQĐP.

Về hình thức phát hành, cũng giống như TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng chủ yếu phát hành theo phương thức bảo lãnh phát hành, riêng TP Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đấu thầu phát hành tại HNX. Còn theo thông tin từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2023 tỷ lệ trúng thầu, gọi thầu trong phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt gần 82% với giá trị phát hành đạt hơn 298 nghìn tỷ đồng. Từ đó ông Thanh cho rằng, khả năng thành công trong phát hành trái phiếu CQĐP phụ thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu của các nhà đầu tư tại thời điểm phát hành, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu có sự tham gia huy động vốn của nhiều chủ thể phát hành.

Mặt khác, nếu như quy mô phát hành TPCP ra thị trường bình quân 288 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2024, thì trong giai đoạn thành phố dự kiến phát hành số trái phiếu CQĐT trên để huy động nguồn vốn từ xã hội, lượng TPCP phát hành được dự kiến sẽ còn tăng lên để phục vụ nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm cũng như cho nhu cầu thanh toán trái phiếu đáo hạn. Do đó, với khối lượng dự kiến phát hành bình quân lên đến 6 nghìn tỷ đồng/năm, việc phát hành có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mức độ hấp dẫn về lãi suất, khả năng thanh khoản của trái phiếu CQĐT trên thị trường thứ cấp… để tạo lợi thế thu hút nhà đầu tư trong thời điểm lượng phát hành TPCP có quy mô phát hành lớn và tính thanh khoản của TPCP trên thị trường thứ cấp rất cao.

Với chiều dài 11 km, Tuyến Metro số 2 đi qua địa bàn 6 quận với 9,3km đi ngầm, 2km đi trên cao gồm 10 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án và khởi công san lấp mặt bằng, làm tường rào và tòa nhà văn phòng tại khu Deport Tham lương từ các năm 2010-2011. Sau 9 năm hầu như không thể triển khai, tháng 11/2019 UBND thành phố đã có quyết định điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 47,9 nghìn tỷ đồng. Kéo theo đó, mốc thời hạn hoàn thành, đưa tuyến Metro số 2 vào khai thác cũng được lùi từ năm 2020 so với dự kiến ban đầu thành năm 2030. Nhưng với phương án tài chính trên, mốc thời hạn này cũng chưa có gì đảm bảo.

Trong khi đó, Metro số 2 là tuyến quan trọng nhất trong hệ thống đường sắt đô thị của thành phố bởi ngoài kết nối với một loạt tuyến Metro khác, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án sẽ có các giai đoạn tiếp theo kéo dài tuyến đến huyện Củ Chi nhằm tạo hướng kết nối liên vùng, giữa thành phố với tỉnh Long An và Tây Ninh.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/tinh-toan-chuyen-huy-dong-42-000-ty-dong-von-noi-de-dau-tu-cho-metro-so-2-i755609/