Tính toán của Nga ở Địa Trung Hải khi xây căn cứ quân sự ở Sudan
Dựa trên kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sochi hồi năm ngoái, Moskva sẽ sớm có bước đi đột phá khi thiết lập một căn cứ hải quân ở Sudan.
Theo đánh giá của mạng tin Modern Diplomacy, kế hoạch này sẽ giúp Nga tạo dựng được hiện diện an ninh hàng hải ở Địa Trung Hải và khu vực Biển Đỏ. Có biên giới phía Bắc giáp với Ai Cập, Sudan án ngữ dải bờ biển chiến lược ở Biển Đỏ.
Chính quyền Tổng thống Putin mới đây đã công bố sắc lệnh mới đây về đồng ý ký kết Thỏa thuận giữa Liên bang Nga với Cộng hòa Sudan xây dựng một cơ sở của hải quân Nga tại Sudan. Sắc lệnh trao quyền cho Bộ Quốc phòng Nga thay mặt nhà nước ký thỏa thuận với phía Sudan. Theo quy định, Nga được quyền đóng trú tối đa 4 tàu chiến và duy trì 300 binh sĩ cùng lúc tại căn cứ hải quân này, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân.
Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê chuẩn dự thảo thỏa thuận thành lập cơ sở hậu cần hải quân ở Sudan và hướng dẫn cơ quan chức năng đề xuất lên Tổng thống Putin ký phê chuẩn. Bản thảo này do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, đã được xin ý kiến và được Bộ Ngoại giao, Tòa án Tối cao, Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga chấp thuận sau khi phía Sudan đồng ý về mặt nguyên tắc.
Theo dự thảo thỏa thuận, cơ sở hậu cần này của Nga có nhiệm vụ duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, nhằm mục đích phòng thủ và không hướng vào nước thứ ba. Thỏa thuận mới được phê chuẩn là kết quả tích cực trong quá trình tìm kiếm, đàm phán kéo dài trong nhiều năm với nhiều đối tác châu Phi ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương nhằm giúp Nga mở rộng hiện diện hải quân tại những khu vực trọng yếu.
Khởi nguồn là từ chuyến thăm của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tới Moskva hồi tháng 11/2017. Tại đây, hai bên ký kết một số thỏa thuận, trong đó có việc Nga hỗ trợ hiền đại hóa quân đội Sudan. Đổi lại chính quyền Khartoum tại thời điểm đó bày tỏ quan tâm trước việc cho phép Moskva sử dụng căn cứ quân sự ở Biển Đỏ.
Việc Nga hiện diện quân sự trở lại ở Biển Đỏ mang nhiều ý nghĩa. Nga có thể từ đây kiểm soát dòng vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ và Đông Á tới Châu Âu và Bờ Đông nước Mỹ. Cùng với đó là tuyến đường biển huyết mạch cung ứng nhiên liệu từ vùng Vịnh tới châu Âu và Bắc Mỹ.
Xung đột tại Yemen cùng với hoạt động tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Biển Đỏ của phiến quân Houthi khiến các cường quốc tăng cường lực lượng ở khu vực này, chủ yếu là tại Djibouti.
Ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, Nga từng có căn cứ hải quân đặt tại Somali trong thời kỳ Liên Xô. Hiện tại, Djibouti đang cho cả Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Mỹ lập căn cứ hải quân ở nước này. Ấn Độ cũng là nước mong muốn mở rộng hiện diện ở châu Phi.