Tính toán dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí xăng dầu
Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định và xu hướng giá dầu có thể nhích lên từ nay tới đầu năm 2023, để giảm áp lực lạm phát, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Giá dầu cao, ngư dân không dám ra khơi
Tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8.9, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Khôi nhìn nhận, biến động giá dầu trong năm 2022 rất phức tạp.
Sau khi liên tục tăng, lập đỉnh trên 120 USD/thùng - mức vượt xa mọi dự báo, giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm thời gian gần đây, song vẫn ở mức cao so với những năm trước. Trong nước, về cơ bản sẽ biến động theo xu hướng của giá dầu thế giới. Sau kỳ điều hành ngày 5.9, giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa lên 25.440 đồng/lít, trong khi giá xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít.
Việc giá dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Logitics Việt Nam kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung xác nhận, đối với hoạt động vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng, chi phí nhiên liệu chiếm từ 30 - 40% chi phí khai thác tàu. Giá nhiên liệu liên tục tăng cao sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này. Đáng nói, dù trong hợp đồng có điều khoản liên quan tới giá vận tải, nhưng “chúng tôi không thể thay đổi giá vận tải nhanh chóng như biến động giá nhiên liệu trên thị trường”, ông Trung nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Tuấn Anh bổ sung, qua khảo sát nhanh cho thấy gía xăng dầu tăng làm chi phí của doanh nghiệp vận tải đội lên 4 - 5%, kéo theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đều bị đội lên. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản… đang chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3 - 5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Ngư dân đánh bắt thủy sản không ra khơi do doanh thu không đủ bù chi phí xăng dầu, làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo…
Dự báo giá dầu thời gian tới, Vụ trưởng Lê Tuấn Anh cho rằng sẽ vẫn duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung - cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế dự báo giá dầu sẽ đạt dao động bình quân 100 - 115 USD/thùng năm 2022, cao hơn khoảng 40 - 60% so với năm 2021 và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023, 80 USD/thùng vào năm 2024.
Tăng cường kiểm soát giá cả
Thực tế, trước sức ép của giá xăng dầu, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường (giảm xăng từ 4.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít, giảm dầu từ 2.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít). Chính phủ đang xem xét phương án đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi; kiểm soát tình trạng buôn lậu xăng dầu khu vực biên giới…
Dù vậy, theo ông Lương Văn Khôi, trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định và xu hướng của giá dầu có thể nhích lên từ nay tới đầu năm 2023, để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường; yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, đồng thời có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung. Song song với đó, cần kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp Lê Tuấn Anh cho rằng, về phía doanh nghiệp, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp cũng nên triển khai đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm giảm bớt một phần chi phí; tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao…
Thừa nhận rất khó để dự đoán giá dầu bởi các yếu tố cơ bản dựa vào để dự báo đều khó đoán định, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu lưu ý, điều cần làm là phải ứng phó với biến động. Ngoài các giải pháp hỗ trợ chi phí cấu thành còn phải tính đến việc bảo đảm năng lượng dự trữ, xây dựng các kho dự trữ năng lượng, nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới…