Tính toán đưa thịt lợn vào danh mục hàng dự trữ quốc gia
Đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết hiện nay nhóm dự trữ lương thực mới chỉ có gạo. Tuy nhiên, sẽ cân nhắc và tính toán đến phương án đưa thịt lợn vào mặt hàng dự trữ.
Trao đổi với báo giới ngày 26.12 về lý do vì sao chưa đưa thịt lợn vào trong danh mục hàng dự trữ quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, nhiều mặt hàng sẽ được xem xét và cân nhắc trong thời gian tới.
Theo Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời, hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia. Những mặt hàng nào cần thiết sẽ đưa vào, những mặt hàng nào chưa cần thiết, chưa thiết yếu trong điều kiện ngân sách còn khó khăn thì chưa đưa vào và những gì lạc hậu thì đưa ra. Việc rà soát, đánh giá và chuyển đổi này được thực hiện hàng năm.
“Tham khảo một số nước thì chúng tôi nhận thấy do nguồn ngân sách của họ có nên họ đưa vào khá nhiều mặt hàng thiết yếu để dự trữ. Như ở Nhật đưa vào dự trữ quốc gia cả nhà vệ sinh di động, cháo, thậm chí là cả nước và thiết bị để làm sạch nước. Còn ở Nga, họ dự trữ rất nhiều thịt bao gồm cả thịt gà, thịt bò và thịt lợn.
Khi cần xuất ra thị trường thì các sản phẩm này đã được chia nhỏ theo lạng, kg, rất thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần cân đối, xem xét để phù hợp với tình hình ngân sách bởi có những mặt hàng đã được đề xuất nhưng sau khi xem xét ý kiến của các bộ, ngành thì thấy là chưa cần thiết. Không riêng gì thịt lợn mà nhiều mặt hàng đã và đang được cân nhắc, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của dự trữ quốc gia”, ông Thời nói
Cũng theo ông Lê Văn Thời, trong nhóm hàng lương thực hiện nay mới chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo, chưa có thịt lợn. Tuy nhiên, Tổng cục Dự dữ Nhà nước sẽ cân nhắc, tính toán đến phương án này.
Những ngày gần đây, giá thịt lợn bất ngờ tăng cao và hiện đang ở mức trên 100.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng đồng nghĩa giá bán ra thị trường cũng tăng. Hiện nay, nhiều sản phẩm của thịt lợn cao ngang ngửa thịt bò khiến người dân ái ngại, cân nhắc khi tiêu thụ.
Tại một số chợ tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, giá thịt lợn dao động khoảng 130.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại, sườn khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, giá thịt lợn cũng được điều chỉnh liên tục trong mấy ngày qua, dù mức tăng có ít hơn so với chợ truyền thống. Thịt ba rọi được bán với giá từ 180.000 đồng/kg, nạc vai giá từ trên 170.000 đồng/kg, sườn non từ mức 260.000 đồng/kg,...
Với giá quá cao, dự báo nhu cầu tiêu dùng thịt lợn những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12.2019 và tháng 1.2020 khoảng 600.000 tấn.
Lũy kế từ đầu tháng 2.2019 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.300 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 5,7 triệu con với tổng trọng lượng lên tới 327.000 tấn, chiếm 8,5% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đến cuối năm có xu hướng chậm lại. Đến hết tháng 10, số lợn buộc phải tiêu hủy giảm 36% so với tháng 9 và giảm 66% so với tháng 5.2019 (là tháng cao điểm nhất).