Tính toán sao với chung cư?

Mới đây, trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án về thời hạn trong giấy chứng nhận cho chung cư, (sổ hồng). Một là có thời hạn lâu dài như hiện nay; Hai là có thời hạn 50 - 70 năm. Lý do đưa ra đề xuất trên là, theo các quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đã đến lúc giới hạn thời gian sở hữu nhà chung cư hay chưa? Đề xuất trên có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tuổi thọ công trình bậc 1 là trên 100 năm, bậc 2 từ 50 - 100 năm, bậc 3 là 20 - 50 năm, bậc 4 dưới 20 năm. Có những cấp bậc này bởi liên quan đến vấn đề an toàn của công trình khi niên hạn sử dụng quá lâu, ảnh hưởng đến an toàn người ở, vấn đề chỉnh trang đô thị.

Theo Luật Xây dựng, với nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình này. Thế nhưng, theo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, vẫn phải đảm bảo quyền sở hữu căn hộ, diện tích xây dựng khác và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư. Vì vậy, lấy lý do nhà ở, công trình xây dựng có niên hạn sử dụng để đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là các bộ luật “đá” nhau.

Còn một số yếu tố khác cần tính toán khi xem xét đề xuất trên. Đó là xu thế của thế giới đều lựa chọn định hướng cho người dân tại các đô thị nên sống ở chung cư cho tiện lợi, an toàn, phù hợp với quy hoạch không gian “nén”, chừa chỗ riêng biệt cho các công trình công cộng, các mảng công viên cây xanh. Và tâm lý, thói quen của một số người Việt sử dụng nhà chung cư chỉ mới từng bước được định hình trong một thập niên trở lại đây. Thế nên, đề xuất trên có thể khiến thị trường chung cư nguy cơ bị "thất sủng", thậm chí suy giảm; từ đó gián tiếp gây ra chuyện mục tiêu quy hoạch bị phá vỡ.

Tất nhiên không có công trình xây dựng nào là mãi mãi trường tồn. Việc đề xuất thời hạn chung cư có thể hỗ trợ phần nào quá trình di dời người dân sinh sống tại các chung cư xuống cấp tại những TP lớn, đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng đề xuất này cho thấy sau 50-70 năm, quyền định đoạt, sở hữu, sử dụng tài sản trên đất sẽ được kết thúc theo niên hạn công trình. Muốn quy định đó đi vào thực tế, cơ quan chức năng cần làm rõ chuyện quyền lợi gắn liền với đất sử dụng lâu dài của chủ đầu tư sẽ được xử lý như thế nào, chủ căn hộ có được tái định cư hay không… Nếu sau 50-70 năm, người dân không biết sẽ được tái định cư tại chỗ hay tái định cư chỗ khác, hoặc không biết giá trị tài sản của mình còn lại là bao nhiêu thì ai dám mua chung cư?

Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất chung cư chỉ được sở hữu 50-70 năm nên lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi, xem mức độ đồng thuận của số đông đến đâu. Nếu được đa số người dân ủng hộ thì mới áp dụng vào thực tiễn. Trường hợp đa số người dân không đồng tình, cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan xây dựng pháp luật cần cân nhắc một cách thận trọng, thậm chí chưa nên áp dụng tại thời điểm này.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tinh-toan-sao-voi-chung-cu-post449353.html