Tình trạng bờ sông Thu Bồn sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại Điện Bàn (Quảng Nam)

Thời gian gần đây, tốc độ xói lở của sông Thu Bồn đoạn qua TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) diễn ra ngày càng nhanh, nghiêm trọng, làm thay đổi hình thái ở nhiều đoạn sông.

Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp dọc bờ sông Thu Bồn (đoạn qua thôn Nhị Dinh 3) đã bị cuốn trôi. (Ảnh: Vũ - Huy)

Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp dọc bờ sông Thu Bồn (đoạn qua thôn Nhị Dinh 3) đã bị cuốn trôi. (Ảnh: Vũ - Huy)

Tại bờ sông đoạn qua thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước), một số đoạn sông bị biến dạng, nhiều diện tích đất nông nghiệp biến mất hoặc không thể canh tác vì bị bồi lấp. Ông Hồ Quang Thường (64 tuổi, ngụ khu dân cư Bình Trị) cho biết, trước đây, từ bờ sông đến khu vực trồng rau, hoa màu của gia đình dài khoảng 20m. Nhưng hai năm gần đây, xói lở diễn tiến quá nhanh, mảnh đất 1.200m2 của gia đình đã bị nước sông “ngoạm” sâu vào bờ hết hơn nửa. Nửa còn lại đành bỏ hoang vì đầu tư công sức tiền của vào thì cũng nguy cơ bị mất trắng.

Thửa đất rộng hàng trăm m2 của ông Lê Sáu gần đó cũng đang bị bỏ hoang vì sạt lở. Ông Sáu cho hay, trong khi bờ sông phía xã Điện Phước bị sạt lở, thì bờ đối diện thuộc xã Điện Trung lại bồi lắng dài hơn 500m, rộng 250m.

Đi dọc bờ sông đang bị nước “ngoạm” nham nhở, ông Trương Phú Hòa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhị Dinh 3 cho hay, sạt lở mỗi năm ăn sâu vào bờ khoảng 7 - 8m, làm thay đổi hình thái nhiều đoạn sông, gây mất đất sản xuất, một số hộ gia đình đã dời đi nơi khác sinh sống. “Nhiều nhà đã xuống cấp vẫn không dám tu sửa vì sạt lở đã sát vách, biết “trụ” được bao lâu”, ông Hòa nói.

Theo UBND Điện Bàn, thôn Nhị Dinh 3 là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do bờ sông Thu Bồn sạt lở. Trong năm 2022 và 2023, có khu vực bị sạt lở ăn sâu gần 80m. Ngược lại, phía bờ sông đối diện có tình trạng bồi lắng, tạo bãi cao trung bình 2 - 4m so với đáy sông hiện trạng, dài hơn 500m, rộng 250m, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp.

Việc sạt lở trên có nguyên nhân do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, mưa lũ với cường độ lớn và thời gian kéo dài khiến dòng chảy thay đổi bất thường. Mặt khác, sự tác động của lưu vực cũng làm thay đổi dòng chảy, khó ổn định lòng sông.

Tháng 5/2024, UBND Điện Bàn có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3. Tờ trình đưa ra giải pháp là nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi bờ hữu; xây dựng công trình kè bảo vệ bờ tả. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cây dọc hai bờ sông. Kinh phí dự kiến cho phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy 29,8 tỷ đồng; xây dựng kè, không nạo vét chỉnh dòng khoảng 20,0 tỷ đồng; nạo vét tận thu vật liệu xây dựng thông thường là 15,6 tỷ đồng.

Theo công văn phản hồi của UBND tỉnh, giao TX tổ chức xử lý trước mắt tình trạng sạt lở bờ sông như: Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; chỉ đạo việc xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức khảo sát, đánh giá, lập dự án đầu tư xử lý sạt lở trong trường hợp cần thiết.

Tỉnh yêu cầu địa phương chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá tác động quá trình hoạt động của bến thủy nội địa của hộ kinh doanh Trương Đức Long (thuộc thôn Nhị Dinh 3) đến sự an toàn bờ sông; tổ chức thực hiện các giải pháp phòng chống sạt lở tại khu vực hoạt động bến thủy nội địa.

Sở NN&PTNT phối hợp Sở TN&MT hướng dẫn địa phương nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi thuộc xã Điện Trung. Về kiến nghị đầu tư dự án kè chống sạt lở, giao các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh để làm văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Hoàng Vũ - Công Huy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tinh-trang-bo-song-thu-bon-sat-lo-ngay-cang-nghiem-trong-tai-dien-ban-quang-nam-post523039.html