Tình trạng ca đau mắt đỏ gia tăng: Kiểm tra nhà thuốc, tăng cường truyền thông

Từ đầu tháng 9 đến nay, toàn tỉnh có hơn 50.500 ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Đặc biệt từ 24/9 đến 25/9, thêm 6.735 ca mắc mới. Sở Y tế đã tổ chức họp khẩn hướng dẫn phác đồ điều trị, chuẩn bị cơ số thuốc, kiểm tra thị trường…

Người dân mua thuốc điều trị đỏ mắt tại nhà thuốc Mạnh Tý (Nhà thuốc này cho hay giá thuốc bán ra không tăng so với thị trường). Ảnh: P. Giang

Người dân mua thuốc điều trị đỏ mắt tại nhà thuốc Mạnh Tý (Nhà thuốc này cho hay giá thuốc bán ra không tăng so với thị trường). Ảnh: P. Giang

Không tự ý mua kháng sinh nhỏ mắt

Thời điểm này, một số loại thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ như Cravit, Tobrex, Ofloxacin, Tobramycin… được nhiều người tìm mua. Có người mua theo đơn, có người mua dự phòng cho bản thân và người nhà. Số ca bệnh viêm kết mạc tăng nhanh dẫn đến nguồn thuốc trong lĩnh vực này tiêu thụ mạnh. Trong khi đó, dịch mắt đỏ lan nhanh ở một số tỉnh thành, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… khiến nguồn thuốc khan hiếm, nhảy giá. Một số đơn vị y tế qua đăng ký mua thuốc bổ sung cho biết, nhà sản xuất cho hay họ cũng bị phụ thuộc vào nguồn cung ứng nên khó đảm bảo giá ổn định. Qua khảo sát, tình trạng khan thuốc ở một vài nhà thuốc quy mô chỉ tạm thời, sau đó được điều phối trở lại. Giá một số loại thuốc tăng nhẹ so với trước.

Chị Lê Thị P. ở Phú Vang lên Huế tìm mua thuốc kể: “Ở dưới huyện tui ra nhà thuốc mua Ofloxacin (một trong các loại thuốc được dùng để hỗ trợ điều trị các tình trạng bệnh lý tại mắt) thì họ nói hết rồi. Tiệm thuốc chỉ còn nước muối và giá cũng có tăng nhẹ”. Một phụ huynh có con nhỏ than vãn: “Trước đây mua Tobrex một chai khoảng 50 ngàn. Nhờ bà ngoại đi lùng thì họ nói chai gần cả trăm ngàn cũng không có mà bán. Giờ em phải gửi người quen ở Hà Nội, lúc mới hỏi thì 53 nghìn/lọ, hôm nay họ nhắn 65 ngàn đồng/lọ và dự báo còn lên nữa”.

Trong khi một số quầy thuốc nhỏ xuất hiện tình trạng khan hiếm thuốc thì bà Trương Nguyễn Phương Thảo, đại diện nhà thuốc Thuận Thảo cho hay, các mặt hàng thuốc phục vụ điều trị đau mắt đỏ của doanh nghiệp vẫn cung ứng đầy đủ. Nhà thuốc đã có dự trù phương án kinh doanh.

“Rất nhiều người tìm đến tiệm thuốc tự ý mua Tobrex (kháng sinh nhỏ mắt điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn nhạy cảm gây ra) khiến loại thuốc này khan hiếm trên thị trường. Một người đau, cả nhà mua gom trữ thuốc hoặc đòi mua các loại kháng sinh điều trị đau mắt đỏ, nhân viên bán phải giải thích, tư vấn tùy thuộc vào bệnh và theo đơn thuốc của bác sĩ. Có tình trạng đầu cơ thuốc bán lại nên nhà thuốc khá thận trọng khi khách hàng hỏi mua với số lượng lớn”, bà Thảo nói thêm.

Trong buổi họp nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống và thu dung, điều trị viêm kết mạc (đau mắt đỏ) do Sở Y tế tổ chức mới đây, BSCKI. Dương Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Giám đốc BV Mắt tỉnh lưu ý không nên tự ý mua thuốc kháng sinh nhỏ mắt nhằm tránh nguy cơ biến chứng, giảm thị lực về sau. Cũng tại cuộc họp này, Sở Y tế cho biết đã đề nghị Thanh tra Y tế, UBND huyện, thị xã và TP. Huế tăng cường kiểm tra, giám sát về việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 Truyền thông phòng, chống đau mắt đỏ trong học sinh tại huyện Nam Đông. Ảnh: CDC

Truyền thông phòng, chống đau mắt đỏ trong học sinh tại huyện Nam Đông. Ảnh: CDC

Vừa tập huấn vừa lo thuốc dự phòng

Nhằm phục vụ công tác điều trị, phòng, chống bệnh viêm kết mạc, nhiều cơ sở y tế chủ động tổ chức tập huấn, truyền thông rộng rãi trong cộng đồng.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Hương Trà, từ đầu tháng 9 đến nay địa bàn có hơn 4.800 ca bệnh. Trong số đó, người mắc từ 6-18 tuổi chiếm hơn 3.700 ca. UBND thị xã Hương Trà và TTYT ban hành công văn triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong các cơ cở giáo dục, công ty, xí nghiệp, UBND các xã, phường… Triển khai tập huấn biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục. Các xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông trên đài truyền thanh. BSCKII. Lê Quang Hiệp, Giám đốc TTYT thị xã Hương Trà thông tin: “Đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn thêm cho lực lượng y tế trường học; Thành lập các đoàn kết hợp cùng Phòng Giáo dục kiểm tra ở các đơn vị giáo dục. Để chuẩn bị thuốc điều trị đau mắt đỏ khi ca bệnh tăng trong thời gian tới, TTYT đã liên hệ nhà cung cấp”.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và TTYT huyện Phong Điền phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện tổ chức tập huấn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết... trong trường học cho 140 cán bộ là cán bộ quản lý, nhân viên y tế các trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, TTYT huyện này còn tập huấn, hướng dẫn phác đồ điều trị bệnh đau mắt đỏ cho bác sĩ các khoa và trạm y tế 16 xã, thị trấn với hai nội dung chính: phác đồ điều trị viêm kết mạc thành dịch, các biện pháp chống lây nhiễm đau mắt đỏ.

PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trước tình hình ca bệnh đau mắt đỏ tăng cao, Sở đã ban hành nhiều văn bản nhấn mạnh việc đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị, cấp cứu… tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Yêu cầu các đơn vị báo cáo thuốc hiện có cũng như kế hoạch dự trù thuốc điều trị, phòng, chống bệnh viêm kết mạc, báo cáo về Sở trong tuần này”.

LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tin-tuc-y-te/tinh-trang-ca-dau-mat-do-gia-tang-kiem-tra-nha-thuoc-tang-cuong-truyen-thong-132318.html