Tình trạng đáng báo động của thị trường AI: Thiếu chip tiên tiến

Nhu cầu lớn về trí tuệ nhân tạo đã cho thấy những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với chip tiên tiến được sử dụng để phát triển các mô hình AI…

Theo CNN Business, cuộc khủng hoảng chip liên tục đã ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, bao gồm cả một số thương hiệu hàng đầu ngành công nghiệp AI. Dự đoán, tình trạng này sẽ chưa được cải thiện kịp trong khoảng một năm tới.

Dấu hiệu mới nhất về khả năng thiếu hụt chip AI kéo dài xuất hiện trong báo cáo thường niên của Microsoft gần đây. Báo cáo lần đầu tiên xác định nguồn cung từ các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) là một yếu tố rủi ro có thể xảy đến với các nhà đầu tư. GPU là một loại phần cứng quan trọng trong vô số thuật toán đào tạo và triển khai mô hình AI.

"Chúng tôi đang nỗ lực xác định và đánh giá các cơ hội để mở rộng trung tâm dữ liệu, tăng dung lượng máy chủ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ AI", Microsoft cho biết. "Tuy nhiên, quy mô các trung tâm dữ liệu lại phụ thuộc vào diện tích đất được cấp phép xây dựng, năng lượng có sẵn, nguồn cung cấp mạng và máy chủ, bao gồm đơn vị xử lý đồ họa (GPU) và một số thành phần khác".

Vấn đề thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty đang xây dựng công cụ và sản phẩm AI, đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến khách hàng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 5, cho rằng chatbot của công ty đang phải vật lộn để đáp ứng vô số yêu cầu mà người dùng đưa ra.

"Chúng tôi đang rất thiếu GPU", CEO Altman nói. Tuy nhiên sau đó, một phát ngôn viên của OpenAI nói với CNN rằng công ty cam kết đảm bảo đủ dung lượng phục vụ người dùng.

Vấn đề nghe có vẻ giống với tình trạng thiếu hụt các thiết bị điện tử tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch, khiến nhiều “game thủ" phải trả giá cao hơn cho máy chơi game và card đồ họa PC. Sự chậm trễ trong sản xuất, không tìm được lao động lành nghề, gián đoạn quá trình vận chuyển và nhu cầu cạnh tranh cao từ các công ty khai thác tiền điện tử đã góp phần tạo nên sự khan hiếm của GPU.

BÙNG NỔ NHU CẦU VIỆC LÀM TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN

Thay vì gián đoạn nguồn cung GPU tập trung vào người tiêu dùng, sự thiếu hụt hiện tại phản ánh nhu cầu rất lớn đối với GPU siêu cao cấp dành cho đào tạo mô hình AI. Tuy rằng các nhà máy sản xuất GPU cũng đang hoạt động hết công suất, nhưng nhu cầu tăng vọt là không đủ để so sánh với nguồn cung ít ỏi.

Ông Raj Joshi, Phó Chủ tịch Moody's Investors Service, cho biết: "Không ai có thể nói trước được nhu cầu này sẽ tăng nhanh như thế nào hoặc tăng bao nhiêu. Tôi không nghĩ rằng ngành công nghiệp đã sẵn sàng cho sự gia tăng đột biến này".

Một công ty đặc biệt được hưởng lợi lớn từ sự gia tăng nhu cầu AI là Nvidia - nhà sản xuất chip nghìn tỷ USD đang kiểm soát tới 84% thị trường GPU rời theo ước tính của ngành. Tại một ghi chú nghiên cứu được công bố vào tháng 5 vừa qua, chuyên gia Joshi dự đoán rằng Nvidia sẽ trải qua đợt tăng trưởng doanh thu "vô song" trong những quý tới, vượt xa các đối thủ Intel và AMD cộng lại.

Mặt khác, Nvidia cho biết đã nhập nguồn cung "với mức giá cao hơn đáng kể trong nửa cuối năm nay" để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với chip AI. Trong khi đó, AMD hy vọng sẽ có “màn đáp trả ngoạn mục” cho GPU AI của Nvidia.

"Sự quan tâm của khách hàng đối với các giải pháp AI là rất mạnh mẽ", Giám đốc điều hành AMD Lisa Su cho biết. "Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi có thể nói rằng tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được là rất đáng kể."

NÚT THẮT VẤN ĐỀ

Ông Sid Sheth, nhà sáng lập và CEO AI d-Matrix, cho biết vấn đề là bản thân các nhà sản xuất GPU không có đủ đầu vào từ các nhà cung cấp của chính họ. Công nghệ tạo ra GPU được gọi là silicon interposer, hoạt động bằng cách kết hợp các chip điện toán độc lập với chip nhớ băng thông cao.

Chính quyền Tổng thống Biden đã ưu tiên tăng năng lực sản xuất chip của Mỹ. Việc thông qua Đạo luật CHIPS vào năm ngoái đã cung cấp hàng tỷ USD tài trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, phục vụ nghiên cứu và phát triển chip. Nhưng những khoản đầu tư đó nhằm vào một loạt công nghệ chip mà không thúc đẩy sản xuất GPU.

Tình trạng thiếu chip dự kiến sẽ giảm bớt khi các đối thủ cạnh tranh của Nvidia mở rộng dịch vụ. Nhưng viễn cảnh này có thể mất tới hai đến ba năm nữa, chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt có thể buộc nhiều công ty tìm ra giải pháp sáng tạo. "Các phát minh mới sẽ được tạo ra bởi nhu cầu của doanh nghiệp”, chuyên gia Sheth nói. "Hãy tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề một cách thông minh nhất".

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tinh-trang-dang-bao-dong-cua-thi-truong-ai-thieu-chip-tien-tien.htm