Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc chủ yếu liên quan đến năng lượng mặt trời và pin thay vì xe điện
Đối với phương Tây, đang có sự đồng thuận rằng Trung Quốc đang trải qua tình trạng dư thừa công suất và điều này có thể xóa sổ các ngành công nghiệp ở nước ngoài, thúc đẩy các biện pháp bảo hộ nhằm ngăn chặn thiệt hại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc làm biến dạng giá cả và mô hình sản xuất toàn cầu”, bà nhấn mạnh đến các tấm pin mặt trời, xe điện và pin.
Châu Âu cũng có những lo ngại tương tự, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trích dẫn tình trạng dư thừa công suất là lý do để mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy rằng, mặc dù Trung Quốc có tình trạng dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trên diện rộng, nhưng phần lớn điều này là do các ngành công nghiệp mà các quốc gia phương Tây không cạnh tranh với Trung Quốc, chẳng hạn như hàng hóa công nghệ thấp và những ngành liên quan đến sự suy thoái bất động sản từ xi măng đến đồ nội thất.
Còn đối với xe điện, vấn đề đối với các nền kinh tế tiên tiến dường như nằm ở việc các công ty Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn thay vì dư thừa công suất.
Trung Quốc đã đổ tiền vào sản xuất, tập trung vào các ngành công nghiệp mới như xe điện, pin và năng lượng tái tạo, khi quốc gia này tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới cho nền kinh tế đang chậm lại. Các đối tác thương mại lo lắng về viễn cảnh hàng nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường của họ và xóa sạch việc làm, và trong một số trường hợp còn nâng cao các rào cản đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Trung Quốc cho biết họ muốn hạn chế tình trạng dư thừa công suất, vì vậy việc phân tích dữ liệu rất quan trọng, vì chúng cho thấy Trung Quốc nhận thấy vấn đề ở đâu. Ngành công nghiệp xe điện có thể không nằm trong số đó, mặc dù tình trạng dư thừa năng lượng đang hiện diện trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và pin. Dữ liệu cũng cung cấp cho các nền kinh tế tiên tiến một dấu hiệu cho thấy họ có thể đạt được nhiều thành công hơn khi gây áp lực buộc Trung Quốc phải hành động vì tình trạng dư thừa công suất.
Giá cả
Từ quan điểm của phần còn lại của thế giới, tình trạng dư thừa công suất có thể được cảm nhận thông qua mức giá thấp hơn. Giá xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ, nhưng nguyên nhân là do hàng hóa công nghệ thấp như quần áo và đồ chơi.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng mạnh vào năm ngoái khi nước này vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới, và giá cả thực sự đã trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của chúng không phải do giảm giá.
Các công ty Trung Quốc cũng không bán xe điện trên thị trường toàn cầu với chi phí thấp hơn. Những chiếc xe điện hàng đầu của Trung Quốc có giá trung bình ở châu Âu gần gấp đôi so với trong nước.
Tỷ lệ sử dụng công suất
Cách phổ biến nhất để đo lường tình trạng dư thừa công suất là mức sử dụng công suất, được đánh giá theo thang điểm trong đó 0 nghĩa là các nhà máy đang không hoạt động, đến 100 nghĩa là sử dụng tối đa.
Tỷ lệ sử dụng công suất của Trung Quốc trong toàn ngành là dưới 76% trong cả năm 2022 và 2023, đây là khoảng thời gian dài nhất được ghi nhận kể từ năm 2016 khi Trung Quốc phát động chiến dịch cắt giảm công suất trên toàn quốc và đây cũng là dưới mức khoảng 80% được coi là “bình thường”.
Nhưng điều đó dường như không gây ra cảnh báo ở nước này. Đầu tiên, tỷ lệ này cao hơn vài điểm phần trăm so với năm 2016 và đã tăng lên trong những quý gần đây. Fan Lei, nhà kinh tế tại Guolian Securities cho biết: “Trong hoàn cảnh này, thật khó để tin rằng Trung Quốc đang có tình trạng dư thừa công suất cơ cấu nghiêm trọng”.
Thứ hai, dữ liệu cho thấy rằng trong khi một số lĩnh vực như thiết bị điện, bao gồm cả tấm pin mặt trời có tỷ lệ sử dụng thấp bất thường, thì các lĩnh vực công nghệ thấp đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Điều đó đã làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm như thủy tinh và xi măng với công suất sử dụng đã giảm xuống mức thấp tới 30%, theo Daiwa Securities.
Trong các lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, hóa chất và thiết bị như tuabin gió, tỷ lệ này đang tiến tới ngưỡng 80%.
Sản xuất ô tô
Cho đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về xe điện và xe hybrid, với doanh số bán hàng nội địa tăng 36% trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng 25% trong năm nay. Tỷ lệ xuất khẩu trên sản xuất của nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia sản xuất ô tô khác như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tình trạng dư thừa công suất có thể dẫn đến những bãi đậu xe rộng lớn chứa đầy xe không bán được. Tuy nhiên, theo phân tích của Bloomberg về các công ty niêm yết, hàng tồn kho của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có vẻ không cao. Dữ liệu về hàng tồn kho của các đại lý từ hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc cũng không cho thấy sự gia tăng bất thường.
Paul Gong, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại UBS Group cho biết, một số nhà phân tích ước tính Trung Quốc có công suất sản xuất ô tô từ 50 triệu chiếc trở lên và kết luận rằng mức sử dụng thấp hơn 50% so với doanh số nội địa là 22 triệu, đã đưa công suất lỗi thời vào tính toán của họ…Câu chuyện về tình trạng dư thừa công suất đã bị phóng đại và đơn giản hóa quá mức”.
Một sự đơn giản hóa quá mức là bỏ qua sự khác biệt giữa xe điện và xe động cơ đốt trong (ICE), doanh số bán hàng của hai loại xe này đã giảm mạnh trong bối cảnh chuyển đổi sang xe điện và xe hybrid.
Theo ước tính từ JSC Automotive, các nhà xuất khẩu xe điện lớn nhất Trung Quốc bao gồm BYD, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla và SAIC Motor đều có tỷ lệ sử dụng công suất trên 80%. Chỉ có một nhà xuất khẩu lớn, Geely Automobile Holdings - công ty chủ yếu bán xe động cơ đốt trong vào năm ngoái - có tỷ lệ sử dụng công suất thấp là 44%.
Camille Boullenois, nhà phân tích tại Rhodium Group cho biết, lĩnh vực động cơ đốt trong “bị ảnh hưởng nhiều hơn” do dư thừa công suất. Trong khi đó, tình trạng dư thừa công suất xe điện tập trung ở các công ty nhỏ hơn và kém cạnh tranh, có khả năng sẽ không tồn tại được.
Vấn đề thực sự đối với các nền kinh tế tiên tiến là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có tính cạnh tranh cao hơn nhờ công nghệ, chuỗi cung ứng địa phương, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn toàn mới cũng như chi phí năng lượng và đất đai thấp hơn. Trợ cấp của chính phủ đóng một vai trò nào đó, nhưng chúng có thể chỉ là thứ yếu so với đổi mới: Trung Quốc dẫn đầu EU và Mỹ về các ấn phẩm được bình duyệt về công nghệ xanh.
Theo nhà phân tích Camille Boullenois, các nhà xuất khẩu xe điện hàng đầu của Trung Quốc “đang cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả”.
Hàng hóa thân thiện môi trường
Tuy nhiên, khi nói đến pin sử dụng trong xe điện, rõ ràng là công suất đang vượt quá nhu cầu.
Zhu Huarong, Chủ tịch hãng sản xuất ô tô Changan Automobile cho biết vào năm ngoái rằng, công suất sản xuất hàng năm theo kế hoạch của các nhà sản xuất pin xe điện của Trung Quốc sẽ đạt 4.800 GWh vào năm tới nhưng nước này sẽ cần nhiều nhất chỉ là 1.200 GWh.
Giá cả kim loại sản xuất pin đang giảm mạnh, trong đó lithium cacbonat – muối trắng dùng để sản xuất pin – đã giảm 80% so với mức đỉnh năm 2022. Điều này cũng đúng với các tấm pin mặt trời khi giá đã giảm hơn một nửa vào năm ngoái.
Bloomberg đã so sánh năng lực sản xuất pin sử dụng trong xe điện và lưới điện theo kế hoạch của Trung Quốc với mức phù hợp để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ, và nhận thấy rằng công suất từ năm 2024-2027 sẽ gấp đôi mức cần thiết.
Đối với năng lượng mặt trời, Bloomberg đã so sánh công suất được công bố với kịch bản nhu cầu lạc quan, và nhận thấy công suất sản xuất theo kế hoạch của Trung Quốc trong giai đoạn 2024-2027 sẽ cao hơn gấp đôi nhu cầu.
Nhà phân tích Antoine Vagneur-Jones của Bloomberg cho biết: “Tin tốt với một thế giới dư cung là một thế giới có chi phí thấp. Tuy nhiên, nó sẽ khiến kế hoạch sản xuất trên đất liền của các quốc gia trở nên khó biện minh hơn nhiều”.
Chắc chắn rằng tăng trưởng nhu cầu trong tương lai có thể vượt quá mong đợi. Khả năng hàng hóa xanh có thể bị xem nhẹ là rất lớn khi các mục tiêu giảm lượng carbon có thể được nâng lên trong những năm tới.
Năng lực mới thường có thể thay thế năng lực cũ thay vì song song nhau khi một ngành đang phát triển các kỹ thuật mới. Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, thiết kế pin mặt trời công nghệ PERC truyền thống đang được thay thế bởi các công nghệ mới.
“Các nhà máy cũ đã lỗi thời và bất kỳ công ty nào không thay thế chúng đều có thể sẽ thất bại. Đây là một lập luận cho mức độ đầu tư quá mức theo kế hoạch”, nhà phân tích Vagneur-Jones cho biết.
Trong khi đó, các công ty pin và năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã hủy bỏ một số dự án lớn trong năm nay và các công ty đang chuẩn bị cho làn sóng phá sản mạnh mẽ.
Điều này gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài. Làn sóng phá sản ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc cách đây một thập kỷ chỉ còn lại những công ty tiên tiến nhất. Vấn đề dư thừa công suất ngày nay có thể trở thành thách thức cạnh tranh trong ngày mai.