Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây nguy hại cho sức khỏe
Những ngày gần đây, ở Hà Nội và một số khu vực ở miền Bắc lại tái diễn tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Đặc biệt là ở hai thành phố Hà Nội và Thái Nguyên chất lượng không khí ở mức nguy hại, riêng chỉ số bụi mịn tại thủ đô cao gấp 10 lần quy chuẩn quốc tế.
Vào thời điểm khoảng 6h30 sáng nay 7/11, hàng chục điểm đo chất lượng không khí của mạng lưới PAM Air (Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí thực tế đầu tiên và duy nhất phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam) ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), cá biệt một số điểm lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất Việt Nam thời điểm 10h10 phút sáng nay của ứng dụng IQAir, thành phố Thái Nguyên đứng đầu bảng với chỉ số là 178, tiếp đến là Hà Nội 176, Thanh Hóa 156. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 11.6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Tại Hà Nội, các điểm đo cảnh báo màu tím (mức AQI trên 200) rất nguy hại cho sức khỏe là điểm đo Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, phố Nguyễn Chế Nghĩa, Khu đô thị Times City, khu đô thị Gamuda Garden, Trường mầm non GCA Ecohome 2. Gần như tất cả các điểm đo khác đều có cảnh báo màu đỏ, mức có hại cho sức khỏe.
Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng, đến trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam chủ yếu xảy ra tại các thành phố, đô thị lớn; khu vực công nghiệp.
Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí những ngày qua, các chuyên gia cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên quan đến khí tượng. Những ngày qua, thời tiết Hà Nội xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh không phát tán được mà đọng lại ở khu vực gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, tình trạng ô nhiễm không khí này có nguyên nhân là do người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Tình trạng đốt rơm rạ nhiều diễn ra trong vài ngày nay, thậm chí ảnh hưởng đến cả hoạt động hàng không khu vực sân bay Nội Bài.
Bụi mịn hay bụi PM 2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trợ giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển vào buổi sáng.
Bác sĩ Lê Hoàn, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là bụi siêu mịn, có thể xâm nhập sâu vào phổi, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh ở tim, mắt... Cụ thể, bụi mịn có thể đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến bệnh lý hô hấp.
Nếu tiếp xúc ngắn, bụi mịn có thể là tác nhân khởi phát các đợt cấp của bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng... Trường hợp làm việc trong môi trường ô nhiễm, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên theo dõi Chỉ số chất lượng không khí (AQI) để xem lúc nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Những lúc cao như vậy, người già và trẻ em không nên ra đường, đặc biệt vào buổi sáng. Kể cả người bình thường đi đâu có việc cần cũng nên xem chất lượng không khí như thế nào để hạn chế hít thở không khí ô nhiễm, tránh có hại cho sức khỏe.
Thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.
Đối với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm. Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.
Một chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau, quả hạch, các loại đậu và chất béo lành mạnh có thể giúp bảo vệ chống lại một số tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Đảm bảo rằng bạn đang tiêu thụ đủ lượng vitamin được khuyến nghị để khả năng miễn dịch của bạn phát triển mạnh mẽ hơn.
PV/HANOITV
(Tổng hợp)