Tình trạng phá rừng ở Đam Rông còn diễn biến phức tạp
Từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đam Rông có chiều hướng tăng lên cả về số vụ và diện tích thiệt hại so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, có đến 14 vụ vi phạm hình sự trong quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Số vụ vi phạm QLBVR tăng
Theo Hạt Kiểm lâm Đam Rông, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phát hiện 125 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp (tăng 19 vụ so với cùng kỳ). Trong đó, phá rừng trái pháp luật 40 vụ (tăng 14 vụ so với cùng kỳ); diện tích thiệt hại là 161.513 m2 (tăng 46.678 m2 so với cùng kỳ ); khối lượng lâm sản thiệt hại là 377,387 m3 (giảm 387,372 m3 so với cùng kỳ). Trong 40 vụ vi phạm có 11 vụ nổi cộm, gồm 2 vụ tại Tiểu khu 193; 8 vụ tại Tiểu khu 197; 1 vụ tại Tiểu khu 181, xã Liêng S’rônh, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk quản lý, với tổng diện tích thiệt hại 10,4 ha.
Khai thác rừng trái pháp luật: 39 vụ, khối lượng lâm sản thiệt hại 127,669 m3. Trong 39 vụ khai thác rừng trái phép có 3 vụ nổi cộm, gồm: 1 vụ tại lô d, khoảnh 1, Tiểu khu 105, xã Đạ Tông, lâm phần do Ban QLRPH Sêrêpốk quản lý; 1 vụ tại lô f, khoảnh 6, Tiểu khu 104, xã Đạ Tông; 1 vụ tại lô a, khoảnh 8, Tiểu khu 214, xã Phi Liêng, lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý. Tổng khối lượng lâm sản thiệt hại của 3 vụ nổi cộm là 62,275 m3. Vận chuyển lâm sản trái pháp luật: 17 vụ, khối lượng lâm sản thiệt hại 20,799 m3 (tăng 1 vụ so với cùng kỳ). Tàng trữ lâm sản trái pháp luật: 29 vụ, khối lượng lâm sản thiệt hại 33,738 m3 (giảm 4 vụ so với cùng kỳ).
Theo nhận định của Hạt Kiểm lâm Đam Rông, tình hình phá rừng trái pháp luật đang diễn ra phức tạp tại các tiểu khu: 181, 193, 197 thuộc địa bàn xã Liêng S’rônh; Tiểu khu 73b, 74, xã Đạ Long, thuộc lâm phần do Ban QLRPH Sêrêpốk quản lý; các tiểu khu: 210b, 211, 212, 214, 215, 216, xã Phi Liêng; Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng, thuộc lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý. Tình trạng ken cây rừng đang xảy ra phức tạp tại các tiểu khu: 214, 215, 216, xã Phi Liêng, thuộc lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng.
Bên cạnh đó, tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật cũng đang diễn ra phức tạp tại các tiểu khu: 210b, 211, 212, 215, 216, xã Phi Liêng và tiểu khu: 237, 238, xã Đạ K’Nàng, thuộc lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý; Tiểu khu 104, 105, xã Đạ Tông và tiểu khu: 176, 181, xã Liêng S’rônh, thuộc lâm phần do Ban QLRPH Sêrêpốk quản lý.
Mới đây nhất, ngày 10/11, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng để lấy gỗ và chiếm đất ở Tiểu khu 214, lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Phi Liêng. Hạt đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và chuyển giao cho cơ quan Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý.
72,8% số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm
Theo Hạt Kiểm lâm Đam Rông, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Đơn cử, trong tổng số 125 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong năm 2020, chỉ có 31 vụ vi phạm đã xác định đối tượng vi phạm với 32 đối tượng vi phạm; trong đó có 6 đối tượng là đồng bào DTTS. Còn lại số vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm lên đến 83 vụ, chiếm tỷ lệ 72,8% tổng số vụ vi phạm. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đơn vị trong công tác điều tra, xử lý hành chính lẫn đề nghị khởi tố hình sự.
Trong năm 2020, Hạt đã xử lý 108 vụ, trong đó xử lý hình sự 14 vụ, tăng số vụ hình sự. Riêng Hạt Kiểm lâm đã khởi tố 3 vụ án hình sự; có 11 vụ chuyển hồ sơ (tin báo) để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đam Rông để điều tra, xử lý theo quy định.
Đam Rông có địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, tình hình dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, phá rừng làm rẫy; tình hình bà con đồng bào DTTS đòi về làng cũ, đòi đất của tổ tiên diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân về đất ở, đất sản xuất, sử dụng lâm sản tiếp tục gia tăng; giá trị, lợi nhuận từ việc mua bán, sang nhượng đất cao đã tiếp tục tạo ra áp lực đối với tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
Đối tượng phá rừng là người dân sống gần rừng, ven rừng; một số nơi có các băng nhóm, tổ chức thực hiện với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi để đối phó lực lượng QLBVR và các cơ quan chức năng, trong khi đó, các đơn vị chủ rừng cũng như hạt kiểm lâm hiện nay đều thiếu biên chế mà diện tích quản lý nhiều, rộng giáp ranh nhiều tỉnh, nhiều huyện.
Ông Mai Chí Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đam Rông cho biết, công tác QLBVR là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, vi phạm xảy ra hàng ngày, hàng giờ, bất kể thời gian nào. Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tăng cường công tác giám sát đơn vị chủ rừng trong việc xây dựng lịch tuần tra của các hộ giao khoán QLBVR, nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các hộ nhận khoán cũng như giảm thiểu các vụ phá rừng, phát hiện sớm các vụ vi phạm, làm giảm mức độ thiệt hại của các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, Hạt sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra rừng, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp để năm 2020 phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm, giảm 20% vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp, giảm 30% diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại, giảm 30% số vụ vi phạm không xác định được đối tượng vi phạm so với năm 2019; tham mưu đề nghị chủ rừng và chính quyền địa phương giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm, phá rừng đạt tối thiểu 60% diện tích. Tiếp tục quản lý tốt diện tích rừng hiện có, phấn đấu nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt 65%.