Tình trạng thờ ơ, vô cảm rất đáng lên án
'Hiện vẫn còn rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong nhiều trường hợp, ngay cả những người trong cuộc cũng chưa biết cần phải lên tiếng để bảo vệ bản thân', đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với PV Tiền Phong.
Vụ việc bạo hành cháu bé 8 tuổi gây tử vong ở TPHCM xảy ra tại một chung cư cao cấp, nơi người dân có điều kiện kinh tế và hiểu biết pháp luật, thế nhưng lại không ai lên tiếng cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra. Bà nhìn nhận thế nào về vụ việc này?
Là một người phụ nữ và cũng là một người mẹ, tôi rất đau xót trước vụ việc nghiêm trọng, thương tâm đã xảy ra, và thấy rất đáng tiếc khi tình trạng bạo hành đối với cháu bé đã xảy ra trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời nên đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Đúng như phóng viên đặt vấn đề, sự thờ ơ của một bộ phận người dân đối với vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng đang là một vấn đề của đạo đức xã hội trong ứng xử của người Việt Nam chúng ta hiện nay.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, một phần do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về thế nào là bạo lực gia đình. Theo số liệu của Tổng cục thống kê mới được công bố tháng 12/2021, có tới 10% người chăm sóc trẻ em cho rằng, xử phạt là biện pháp cần thiết để giáo dục trẻ em. Do đó, họ sẽ không tham gia vào một việc mà họ cho rằng đó là việc giáo dục con cái, là chuyện riêng của mỗi gia đình. Vì thế, bạo lực gia đình vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, người dân khi can thiệp hay tố giác một vụ việc còn bị đánh đập hay trả thù, nên dần dần mọi người có tâm lý sợ hãi, rồi sinh ra thái độ bàng quan, thờ ơ với những số phận, những con người đáng thương trong xã hội. Nhưng tôi tin rằng đây không phải là tình trạng phổ biến, vẫn còn rất nhiều những tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng đứng ra bảo vệ những người yếu thế trong xã hội.
“Đối với vụ việc này, nếu những người dân cùng sống trong khu chung cư đó biết được có sự việc bạo lực trẻ em như vậy xảy ra mà không bày tỏ thái độ, không thông báo cho cơ quan chức năng thì thái độ thờ ơ đó đúng là rất đáng lên án”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa
Trong vụ việc ở TPHCM, điều gì cần rút ra, để có thể ngăn chặn từ xa những vụ việc khác có thể xảy ra, thưa bà?
Trong vụ việc này, tôi nhận thấy có mấy nội dung mà người dân chưa nhận thức rõ, cần phải được phổ biến rộng rãi hơn trong công tác truyền thông về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Thứ nhất, mọi người dân và trẻ em cần phải biết rằng: tất cả trẻ em đều được bảo vệ bởi pháp luật và mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đều bị pháp luật trừng trị. Thứ hai, việc báo tin về hành vi xâm hại trẻ em là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Thứ ba, bên cạnh việc báo công an, báo cho cơ quan lao động thương binh và xã hội thì Tổng đài bảo vệ trẻ em là 111 - con số rất dễ nhớ, khi gọi đến số điện thoại này, các vụ việc xâm hại trẻ em sẽ được xử lý. Thứ tư, người thông báo về vụ việc, kể cả thông báo trực tiếp hay gọi điện thoại sẽ không bị tiết lộ danh tính, sẽ được bảo vệ, do đó không cần lo ngại về việc bị trả thù.
Xin cảm ơn bà.
Xử nghiêm các đối tượng liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị hành hạ, tử vong
Ngày 30/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công an, UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tinh-trang-tho-o-vo-cam-rat-dang-len-an-post1405820.tpo