Tình trạng 'thừa xế' lan tràn, lái xe công nghệ chán nản với công việc
Tình trạng 'thừa xế' lan tràn khắp các nền tảng gọi xe trong khu vực Đông Nam Á. Đi kèm với rủi ro nghề nghiệp, nhiều tài xế nhận ra lái xe công nghệ không còn là công việc hấp dẫn.
Thu nhập thấp, rủi ro cao đã khiến việc chạy vòng quanh những con đường ngập mưa ở TP.HCM không còn sức hút đối với Linh Nguyễn, nữ tài xế công nghệ 35 tuổi đang làm việc cho Shopee Food.
Nói với South China Morning Post, Linh cho biết đã có những ngày đẹp trời, khi điện thoại “nổ cuốc” liên tục và cô được gặp nhiều vị khách hàng tốt bụng. Nhưng vào những ngày tồi tệ, cơ thể cô đau nhức vì phải lái xe liên tục trong 10 tiếng đồng hồ mà mức thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 5-7 triệu đồng, không đủ bù đắp lại những rủi ro nghề nghiệp và sự cạnh tranh ác liệt để giành khách hàng.
“Với mức lương kiếm được, tôi chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà và các chi phí hàng tháng. Tôi không thể hỗ trợ bố mẹ mình”, Linh trần tình.
Được thúc đẩy bởi xu hướng đặt hàng trực tuyến bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, các tên tuổi lớn như Grab, Shopee, Gojek đã thay đổi mạnh mẽ thói quen của người tiêu dùng, qua đó tạo ra hàng triệu việc làm mới. Từ những con đường tắc nghẽn ở Bangkok, đến những con đường đông đúc của Jakarta và những con đường chật hẹp của TP.HCM, điểm chung là tất cả tài xế công nghệ đều nổi bật bởi những bộ đồng phục màu sắc, hối hả đêm ngày để giao hàng, giao thức ăn hay chở khách xuyên suốt các địa điểm trong thành phố.
Lĩnh vực lái xe công nghệ đem đến cơ hội cho những phụ nữ đang tìm kiếm một công việc có thời gian linh hoạt, giới sinh viên mong muốn có việc làm bán thời gian hay một số công nhân tay nghề thấp, lần đầu rời bỏ công việc để thử sức bên ngoài môi trường nhà máy.
Nhưng theo South China Morning Post, các nhà phê bình nhận định phân khúc này đang tạo ra một cuộc chạy đua xuống đáy, khi trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động vô cùng thấp, các điều khoản và điều kiện làm việc tồi tệ, phí nền tảng cao và một môi trường làm việc cạnh tranh gay gắt. Như vậy, chỉ nền tảng, cùng lúc thu phí từ tài xế công nghệ và các quán ăn, nhà hàng tham gia mạng lưới, là đối tượng giàu lên mỗi ngày.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Modor Intelligence Report, chỉ riêng tại Việt Nam, lĩnh vực gọi xe được dự đoán sẽ thu về khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và tăng lên 2,61 tỷ USD vào năm 2028. Còn tại Thái Lan, thị trường gọi xe ước tính trị giá 2,26 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ USD trong cùng khung thời gian trên, trong khi thị trường Indonesia đang là 2,67 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt 4,66 tỷ USD vào 2028.
Về phía người lao động, nhiều tài xế công nghệ bắt đầu cảm thấy không hài lòng vì thu nhập giảm và tình trạng đối mặt với rủi ro mà không có biện pháp bảo vệ.
“Quá nhiều tài xế, nên thật khó để kiếm được thu nhập tốt,” Khang Nguyên, 26 tuổi, tài xế Gojek chia sẻ.
Ba tháng trước, Khang bỏ công việc tại nhà máy để trở thành một phần của nền kinh tế chia sẻ. Nhưng làm việc 11h/ngày, mức lương Khang nhận về chỉ khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, Khang cho biết “ban đêm có những đoạn đường vắng, thật đáng sợ”.
Một cuộc khảo sát thực hiện năm 2023 của trang web so sánh lương toàn cầu Sala Explorer cho thấy trung bình tài xế công nghệ tại Việt Nam làm việc 48 giờ một tuần, để có mức thu nhập 4,91 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết chi phí. Con số này chỉ cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu là 4,68 triệu đồng/tháng.
Ngoài thu nhập thấp, những tài xế tham gia nền kinh tế chia sẻ cho biết họ không nhận được phúc lợi giống với nhóm nhân viên chính thức, chẳng hạn như các khoản đóng góp của công ty cho hạng mục an sinh xã hội, nghỉ thai sản, nghỉ phép hàng năm hoặc trả lương làm thêm giờ, các khoản phụ cấp ăn trưa, đi lại,…. Dù không có số liệu chính thức nhưng theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế vẫn còn thấp ở nhóm tài xế công nghệ trẻ tuổi.
An Hà là sinh viên tại một trường đại học công lập ở Hà Nội. An Hà hiện làm việc bán thời gian cho Grab để phụ giúp bố mẹ ở nông thôn. Cậu cho biết: “Ngay cả khi em không phạm sai lầm, tai nạn vẫn có thể xảy ra.” An Hà giải quyết vấn đề bằng cách tự mua bảo hiểm và trích tiền để đóng vào những tháng cậu có thu nhập cao.
Tại Singapore, giới tài xế công nghệ cũng nhận ra công việc của mình không còn mang lại thu nhập bền vững. Alvin Tan, 36 tuổi, cho biết đã chuyển từ tài xế toàn thời gian sang hình thức part-time, sau khi bật ứng dụng lúc 10h sáng và phải chờ gần 12 tiếng mới có đơn hàng đầu tiên.
“Có rất nhiều gương mặt mới. Cung và cầu trong ngành không còn khớp nhau”, Alvin Tan than phiền. “Bây giờ tôi chỉ kiếm được vài đơn hàng mỗi ngày, có lẽ năm đơn hàng là tối đa.”
Ở Thái Lan, tuy chi phí sinh hoạt thấp hơn nhưng giới tài xế cũng đối diện tình trạng cạnh tranh gay gắt không khác gì Singapore. Nhiều người thường bị tài xế taxi truyền thống quát mắng, thậm chí tấn công vì đón khách quá gần các địa điểm “làm ăn” lâu đời của họ.
Nhưng tất nhiên, vẫn có những tài xế hài lòng với công việc mà các hãng xe công nghệ đem lại. Cựu tài xế taxi Paisit Jetkranboonchoo, một trong những tài xế Grab được phong danh hiệu “anh hùng”, cho biết Grab đã cách mạng hóa cách anh làm việc bằng cách tìm kiếm khách hàng cho anh, và trao phần thưởng khi anh làm việc nhiều giờ.
“Nền tảng thậm chí còn thưởng thêm nếu tôi hoạt động vào giờ cao điểm,” Paisit Jetkranboonchoo nói.
Dù phải tự trả tiền bảo hiểm nhưng anh vẫn đánh giá tài xế công nghệ là lựa chọn phù hợp với mình. Anh đang nghĩ đến việc trả góp qua Grab để mua một chiếc iPhone mới, ở mức 100 bath (khoảng 2,7 USD) mỗi ngày.