Tình trạng việc làm ảm đạm, cư dân mạng Trung Quốc sáng tạo nhiều thuật ngữ mới

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt buộc nhiều công ty phải cắt giảm số lượng nhân sự, hạn chế tuyển dụng hay tiến hành các đợt sa thải lớn, người dùng Internet ở quốc gia tỷ dân đã nghĩ ra nhiều cụm từ, thuật ngữ mới để phản ánh những khó khăn mà họ gặp phải trong công việc hay trong quá trình tìm việc.

Thị trường việc làm của Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, thách thức. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Thị trường việc làm của Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, thách thức. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Dưới đây là một số thuật ngữ phổ biến được người dùng Trung Quốc sử dụng thời gian gần đây.

Người trẻ cao tuổi

Thuật ngữ này để ám chỉ những người lớn tuổi, thường là ở độ tuổi 60 đến 70, thay vì nghỉ hưu vẫn tham gia lực lượng lao động do yêu cầu của cuộc sống hoặc lựa chọn của từng cá nhân.

Tuần trước, một cuộc thảo luận về cụm từ này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận Trung Quốc khi Ma Jiantang, nguyên Bí thư Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước, phát biểu trên một diễn đàn rằng những cá nhân từ 60 đến 70 tuổi có thể gọi là "người trẻ cao tuổi" do nhiều người vẫn có sức khỏe tốt và mong muốn được tiếp tục cống hiến.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc có 6,6 triệu người lao động từ 60 tuổi trở lên vào năm 2022, tương đương 8,8% lực lượng lao động. Số liệu này cho thấy người cao tuổi ở đại lục sẵn sàng trở lại làm việc nếu có cơ hội. "Kiềm tiền chỉ là phụ, điều quan trọng nhất là tôi có thể sử dụng kiến thức của mình để đóng góp cho xã hội", ông Tôn, một nhà nghiên cứu 64 tuổi cho biết.

Không chỉ trở lại làm việc, người cao tuổi ở Trung Quốc cũng không ngần ngại sử dụng công nghệ và mạng xã hội như giới trẻ.

Một chủ nhà hàng ở Bắc Kinh tiết lộ, chỉ ít lâu sau khi nghỉ kinh doanh ở tuổi 60, ông đã mở lại một nhà hàng nhỏ. Lần này, ông sử dụng mạng xã hội Douyin để hỗ trợ việc kinh doanh và nó đã phát huy hiệu quả rõ rệt. "Tôi có thể bán được 100 suất chân giò mỗi ngày. Tôi cảm thấy thoải mái khi được làm việc", người chủ nhà hàng nói.

Ủy ban Dân số Trung Quốc cho biết, nghề nghiệp của người cao tuổi vô cùng đa dạng, bao gồm bảo vệ, nhân viên bán hàng, kỹ sư, nhà nghiên cứu... Điểm chung của các đối tượng lao động này là khỏe mạnh và năng động, và họ được gọi chung là "người cao tuổi sôi nổi".

Điều này cũng phản ánh bối cảnh nhân khẩu học thiếu cân đối của xã hội Trung Quốc, khi tỷ lệ sinh giảm và tình trạng già hóa dân số đáng lo ngại - hậu quả của việc áp dụng chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ - làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng tuổi tác và gia tăng căng thẳng đối với quỹ hưu trí.

Nhiều chuyên gia đã kêu gọi tăng tuổi nghỉ hưu để giảm bớt vấn đề mất khả năng thanh toán của hệ thống lương hưu và giảm thiểu tình trạng thiếu lao động trong tương lai.

Thanh niên lớn tuổi

Là những người trẻ ở độ tuổi trên 35. Năm 2017, ở thời kỳ Internet Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, nhiều công ty đã thực hiện sa thải hàng loạt những nhân viên từ 35 tuổi trở lên bởi những lo ngại thanh niên ở lứa tuổi này thiếu động lực và năng lượng đổi mới so với các đồng nghiệp trẻ hơn, mặc dù nhận được mức lương cao hơn.

Khi đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường lao động trở nên căng thẳng, không riêng lĩnh vực công nghệ, nhiều công ty trong các lĩnh vực khác bắt đầu sa thải những nhân viên trên 35 tuổi hoặc từ chối thẳng thừng những ứng viên trên 35 tuổi - trong một số trường hợp là trên 30 tuổi - để cắt giảm chi phí lao động.

Sean Liang, hiện 38 tuổi, cho biết anh đã thất nghiệp ba năm qua, một phần do đại dịch và sự sa sút của nền kinh tế nhưng anh tin rằng nguyên nhân chính là do tuổi tác. Anh quá già trong mắt các nhà tuyển dụng, vốn quy định giới hạn độ tuổi tuyển dụng đối với hầu hết các vị trí công chức là 35. "Tôi có tập thể dục nên trông vẫn khá trẻ. Nhưng đối với xã hội, những người như tôi đã lỗi thời", anh chia sẻ.

Lời nguyền tuổi 35 đã trở thành chủ đề bàn tán trên Internet, trong bối cảnh thị trường việc làm bị thu hẹp và tình trạng phân biệt tuổi tác, vốn không vi phạm pháp luật ở Trung Quốc, đang trở nên phổ biến. Theo một cuộc khảo sát do nền tảng tuyển dụng Zhaopin thực hiện năm ngoái, 85% người lao động tin rằng có tồn tại ngưỡng trần 35 tuổi tại nơi làm việc, với 60,2% kêu gọi giải quyết vấn đề phân biệt tuổi tác.

Câu nói "Quá già để làm việc ở tuổi 35 và quá trẻ để nghỉ hưu ở tuổi 60" đang lan truyền trên mạng cho thấy thực tế rằng những người trong độ tuổi lao động chính đang mất đi triển vọng nghề nghiệp, trong khi những người lớn tuổi có thể phải tiếp tục làm việc khi chính phủ đang xem xét tăng tuổi nghỉ hưu.

Dân du mục kỹ thuật số

Đây là những thuật ngữ chỉ những cá nhân có thể linh hoạt làm việc từ xa thông qua Internet, cho phép họ đi lại tự do trong khi vẫn làm việc.

Số lượng những người trẻ trở thành du mục kỹ thuật số (digital nomad) đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2020, khi các chính sách làm việc tại nhà do đại dịch khiến nhiều người có thể làm việc tại nhà hoặc từ bất cứ đâu. Tính đến cuối năm 2023, số lượng dân du mục kỹ thuật số - trên thực tế hoặc ở dạng tiềm năng ở Trung Quốc ước tính vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người - theo một báo cáo nghiên cứu công bố hồi tháng Tư, trong đó những người sinh từ năm 1981 đến 2009 chiếm 58% tổng số.

Theo báo cáo của Renmin Luntan, tạp chí trực thuộc tờ People’s Daily, các đối tượng này chủ yếu là các blogger, họa sĩ minh họa, lập trình viên và phiên dịch viên từ xa.

Điểm đến du lịch yêu thích của họ là các khu vực có chi phí sinh hoạt thấp như Lệ Giang (tỉnh Vân Nam) hay Anji (tỉnh Chiết Giang), những địa phương nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, phong phú.

Tuy nhiên, theo Daniel Huang, đồng sáng lập Dali Hub, một không gian làm việc chung dành cho những digital nomad,nói rằng chỉ một số ít người có thể duy trì lối sống này lâu dài, với điều kiện họ có công ty cho phép làm việc từ xa hoặc có sự nghiệp riêng.

"Rất nhiều người trẻ đến đây vì họ có thể vẫn đang trong giai đoạn khám phá hoặc đang trong giai đoạn nghỉ ngơi. Hầu hết, họ chỉ muốn trải nghiệm lối sống của một người du mục kỹ thuật số", Huang nói.

Nghỉ hưu một phần

Nhiều người trẻ Trung Quốc sử dụng tiền lãi tích lũy từ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí hàng ngày và lựa chọn sống theo trào lưu "nghỉ hưu sớm" vì không muốn kết hôn và lập gia đình. Không ít người tìm kiếm bạn cùng chí hướng, cùng lập kế hoạch nghỉ hưu trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Theo các chuyên gia xã hội học, việc sử dụng cụm từ “nghỉ hưu” phản ánh sự lựa chọn lối sống chứ không hẳn là sự từ bỏ hoàn toàn thị trường lao động. Nhiều người sẽ trẻ gửi một khoản tiền nhất định vào ngân hàng hoặc các công cụ quản lý tài chính trong khi giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt. Điều này cho phép họ có khả năng trang trải các nhu cầu cơ bản từ lãi suất và có thể duy trì cuộc sống hằng ngày ở mức tối thiểu.

Làm con toàn thời gian

Trên các nền tảng mạng xã hội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngày càng có nhiều người trẻ công khai chia sẻ kinh nghiệm về trải nghiệm "làm con toàn thời gian". Những người này được trả tiền chỉ để... làm con của cha mẹ. Công việc của họ thường là đi mua sắm, nấu ăn và lau dọn nhà cửa.

Trang mạng xã hội Douban của Trung Quốc có nhóm thảo luận mang tên "Trung tâm trao đổi việc làm cho làm con toàn thời gian". Nhóm có hơn 4.000 thành viên.

Một người dùng trang mạng trên cho biết: "Không tìm được việc làm là điều bình thường khi nền kinh tế khó khăn. Đây không phải là vấn đề của riêng chúng tôi mà là vấn đề của toàn xã hội".

Xu hướng này được xem là giải pháp tạm thời cho thị trường việc làm đầy thách thức với cơ hội ít dần, lương thấp và thời gian làm việc dài như hiện nay.

Theo Cục Thống kê quốc gia, vào tháng 4/2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 là 14,7% và tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 đến 29 tuổi là 7,1%. Tỷ lệ này từng đạt đỉnh 21,3% vào tháng 6 năm 2023.

(theo SCMP, Tân Hoa xã, NYT)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-trang-viec-lam-am-dam-cu-dan-mang-trung-quoc-sang-tao-nhieu-thuat-ngu-moi-272718.html