'Tinh trùng ngoại'- Lựa chọn mới của phụ nữ Trung Quốc khao khát làm mẹ, nhưng không kết hôn
Nhìn vào bức ảnh một cậu bé có đôi mắt màu xanh thẫm người Pháp gốc Ireland trong cuốn album, cô Xiaogunzhu vừa mỉm cười, vừa ngắm nghía không rời mắt vì sự cuốn hút. Nhiều người cho rằng có lẽ cô đang ngắm ảnh của con trai, cháu trai mình, nhưng không cô đang xem lại bức ảnh thời ấu thơ của người sẽ cho tinh trùng, giúp cô thụ thai.
Luật pháp cấm, phải tìm tinh trùng ngoại
Người phụ nữ 39 tuổi này là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ độc thân giàu có ở Trung Quốc không muốn lấy chồng, nhưng lại muốn kiếm một đứa con. Tuy nhiên hiện nay, phụ nữ độc thân ở Trung Quốc bị cấm tiếp cận các ngân hàng tinh trùng và dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Bộ Y tế nước này quy định, ngân hàng tinh trùng chỉ được phép cung cấp cho việc điều trị vô sinh hiếm muộn và ngăn ngừa các bệnh về di truyền. Vì vậy cô Xiaogunzhuphải tìm đến các lựa chọn ở nước ngoài. Đây được xem là giải pháp tuyệt vời, vì vừa thực hiện được ước mơ làm mẹ, vừa có được những đứa con đẹp theo tiêu chuẩn phương Tây.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cô Xiaogunzhu đã chọn người số #14471 trên website của một ngân hàng tinh trùng ở California, Mỹ. Sau đó cô đã sắp xếp công việc để đến Mỹ để tiến hành các đợt thu tinh nhân tạo đầu tiên. “Giống như tôi, có rất nhiều phụ nữ không muốn kết hôn, vì vậy họ không thể hoàn thành nhiệm vụ sinh học cơ bản này.
Nhưng, tìm kiếm tinh trùng từ người nước ngoài mở ra một con đường mới cho chúng tôi”, cô Xiaogunzhu chia sẻ. Giờ đây, cô đã sinh được cậu con trai 9 tháng tuổi, tên Oscar. Cái tên của cậu bé được đặt theo một nhân vật trong truyện tranh Pháp như một cách để ghi nhớ về gốc gác của mình.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã suy giảm trong 5 năm trở lại đây. Theo thống kê chính thức của Cục Thống kê Quốc gia, hồi năm ngoái, chỉ có 7,2/1.000 người kết hôn.
Phụ nữ ngày nay độc lập về kinh tế lớn hơn vì họ được tiếp cận với giáo dục cao hơn trước đây. Lần đầu tiên vào năm 2009, số nữ sinh viên đại học đã vượt qua nam sinh viên và năm 2010, số nữ sinh viên học cao học đạt 50%. Số phụ nữ chọn theo đuổi nghề nghiệp thay vì nghĩ việc phải bắt đầu một gia đình ngày càng tăng. Năm 2018, một cuộc khảo sát của người Trung Quốc về người độc thân cho thấy 70% số người được hỏi nghĩ rằng họ cần mua một ngôi nhà trước khi lập gia đình. Và đồng thời họ là những người phụ nữ muốn có con mà không cần lấy chồng.
Cũng chính vì vậy mà phụ nữ có giáo dục ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, bởi nam giới thường không chấp nhận được việc vợ mình có học thức, địa vị xã hội hoặc kiếm nhiều tiền hơn họ. Từ đó dẫn đến việc, nhiều phụ nữ cảm thấy quá khó khăn để tìm kiếm bạn đời hoặc không muốn tìm kiếm. Tuy nhiên, không lập gia đình không có nghĩa là họ không khát khao làm mẹ.
Trước đây nếu như quan niệm một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ là điều cốt lõi và quan trọng đối với một đứa trẻ. Nhưng cô Xiaogunzhu tin rằng, đứa trẻ không cần thiết phải có cha. “Tại sao mọi người cứ phải sợ hãi câu nói: Vì sao con không có cha”, cô nói. Cũng vì lối suy nghĩ có phần thay đổi này, giới phân tích dự đoán ngành dịch vụ thụ tinh nhân tạo tại Trung Quốc sẽ đạt 1,5 tỷ USD năm 2022, nhiều gấp đôi giá trị năm 2016. Nhu cầu làm dịch vụ ở nước ngoài đối với công dân Trung Quốc cũng bùng nổ. Ví dụ, ngân hàng tinh trùng và trứng Cryos International đã tạo một trang web tiếng Trung Quốc và thuê các nhân viên nói tiếng Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc ở các ngân hàng Mỹ và châu Âu cũng ngày càng gia tăng.
Xu hướng thích con lai
Tuy nhiên, hành trình trở thành mẹ đợn thân của những phụ nữ này cũng không hề rẻ hay dễ dàng. Cụ thể, chi phí thụ thai một đứa trẻ tại ngân hàng tinh trùng ở nước ngoài bắt đầu từ 200.000 NDT (28.500 USD). Phụ nữ phải di chuyển nhiều lần sang nước ngoài để làm các thủ tục y tế, vì luật pháp Trung Quốc cấm nhập khẩu tinh trùng người. Những người phụ nữ này cũng bị phân biệt đối xử vì trong văn hóa Trung Quốc, phụ nữ cần kết hôn để có con.
“Xã hội Trung Quốc hiện nay không mấy thiện cảm với các phụ huynh đơn thân. Nếu bạn có con khi chưa lập gia đình, người ta sẽ đánh giá bạn”, cô Alan Zhang, một nhà hoạt động xã hội 28 tuổi ở Bắc Kinh cho hay.
“Cách để phụ nữ độc thân được thực hiện thiên chức làm mẹ chính là cho phép họ tiếp cận với ngân hàng tinh trùng hoặc các công nghệ liên quan như trữ đông phôi thai”, Alan nói. Cô cũng đã viết hơn 60 bức thư cho các đại biểu của cơ quan nghị viện Trung Quốc, yêu cầu họ lật ngược sự hạn chế này. Mẹ bỉm sữa này cũng đang làm việc với Gia đình Đa dạng, tổ chức phi chính phủ mà cô đồng sáng lập, để ủng hộ cho các cấu trúc gia đình phi truyền thống. “Nhà nước không làm điều này, vì vậy người dân chỉ có thể tự tim đường cho riêng họ”, cô nhấn mạnh.
Ở Trung Quốc, người hiến tinh trùng phải ẩn danh. Nhưng các ngân hàng tinh trùng quốc tế đa phần cung cấp cho phụ nữ các chi tiết như màu tóc, hình ảnh thời thơ ấu và nền tảng dân tộc… của người cho tinh trùng.
Chị Carrie, một bà mẹ đơn thân 35 tuổi sống ở Tây Nam Trung Quốc cho hay: “Nếu bạn chọn sử dụng tinh trùng hiến tặng, tinh trùng thực chất đã trở thành một loại hàng hóa. Vì thế các ngân hàng ở nước ngoài biết cách chiều lòng khách hàng hơn”.
Ông Peter Reeslev, Giám đốc điều hành Cryos International, tiết lộ rằng phụ nữ Trung Quốc có xu hướng chọn người tặng tinh trùng gốc châu Âu nhiều hơn. Một phần nguyên nhân là do các ngân hàng ngoại quốc có ít người Trung Quốc tặng tinh trùng. Cryos chỉ có 9 người trong số 900 người hiến tặng là đàn ông Trung Quốc. Trong khi đó, ngân hàng tinh trùng California Cryobank có 70 trong số 500 người hiến tinh trung được xác định là người Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia cho biết bất kể có sẵn tinh trùng của người Trung Quốc hay người Mỹ gốc Hoa, phụ nữ nước này vẫn chọn sinh con lai.
“Hầu như người hiến tinh trùng được chọn đều là da trắng”, Xi Hao, một người điều phối ở Bắc Kinh chuyên giúp khách hàng Trung Quốc liên hệ với một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở California, cho biết.
Cô Zhan Yingying, đồng sáng lập Tổ chức Gia đình Đa dạng cho biết, cô rất hiếm khi gặp phụ nữ Trung Quốc lựa chọn người hiến tinh trùng có cùng quốc tịch. Họ chủ động muốn sinh con lai bởi da trắng và mắt hai mí được coi là tiêu chuẩn sắc đẹp tại nước này, dù nhiều người không thừa nhận. “Trước khi chọn người hiến tinh trùng, tôi chưa từng xét đến vấn đề chủng tộc”, Carrie quả quyết. Nhưng sau khi xem danh mục hiến tặng, cô lựa chọn tinh trùng từ người nước ngoài. Hiện Carrie có hai con lai Đan Mạch.
Quay trở lại với Xiaogunzhu, những bức ảnh con trai Oscar được cô đăng tải trên trang cá nhân với hashtag #embélai khiến nhiều người ngưỡng mộ. “Tôi không quan trọng màu da. Điều tôi chú ý là đôi mắt to và hình thể đẹp”, cô chia sẻ. Giờ đây đối với Xiaogunzhu, dù có chịu nhiều áp lực, cô vẫn tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để nuôi dạy và đem lại một tương lai tươi sáng cho bé Oscar - đứa con mà cô đã vượt qua nhiều khó khăn mới có được.