Tính văn hóa, nghệ thuật của không gian sáng tạo Thủ đô

Hình ảnh người dân Hà Nội cuối tuần tham gia hoạt động văn hóa tại phố đi bộ Hồ Gươm, vui chơi tại phố bích họa Phùng Hưng hay tham dự các buổi trình diễn nghệ thuật tại Ơ Kìa Hà Nội, VICAS Art Studio, Heritage Space, Cà phê thứ Bảy, Manzi… là những ví dụ sinh động về các không gian sáng tạo của Thủ đô.

Không gian sáng tạo có thể hiểu là nơi tụ họp, chia sẻ và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. Những không gian này rất đa dạng, có thể là một quán cà phê, phòng tranh, sân khấu ca nhạc, không gian làm việc chung, thư viện, studio, trang web, trường học, khu phức hợp, nơi lưu trú…

Trong chiến lược phát triển của mình, Thành phố cũng luôn xác định việc kích hoạt tiềm năng, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước. Minh chứng là Hà Nội vừa chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc công nhận ở lĩnh vực thiết kế.

Những buổi biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật, các buổi hội thảo, tọa đàm tại Cà phê thứ Bảy đã trở nên quen thuộc từ lâu với người dân Thủ đô.

Những buổi biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật, các buổi hội thảo, tọa đàm tại Cà phê thứ Bảy đã trở nên quen thuộc từ lâu với người dân Thủ đô.

Theo hồ sơ Thành phố sáng tạo của Hà Nội, trong tổng số 43.704 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn của thành phố có nhiều doanh nghiệp thiết kế, thiết kế nội thất, thiết kế đô thị, thiết kế hội họa. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2018, số doanh nghiệp "thành lập mới" ở thành phố Hà Nội đã lên tới con số 2.522 doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dịch vụ tư vấn và thiết kế, quảng cáo cùng với 167 doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí…

Nói đến không gian sáng tạo, không thể không nhắc tới phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo ra không gian sáng tạo cộng đồng cho người dân Thủ đô và du khách. Nơi đây thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giải trí như tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn các nhạc cụ truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đương đại, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trên cả nước…

Bên cạnh đó, Hà Nội với những mô hình sáng tạo vừa kết hợp kinh doanh cà phê, vừa biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật, các buổi hội thảo, tọa đàm đã trở nên quen thuộc từ lâu. Do nhạc sĩ gạo cội Dương Thụ thành lập vào năm 2009, Cà phê thứ Bảy là một ví dụ điển hình về không gian sáng tạo. Vào cuối tuần, quán cà phê trở thành nơi tổ chức tọa đàm, chiếu phim và biểu diễn âm nhạc. Khán giả được đề nghị mua đồ uống thay phí vào cửa.

Doanh thu kiếm được từ đồ uống giúp duy trì hoạt động kinh doanh và trang trải chi phí tổ chức sự kiện, trong đó có thù lao của diễn giả khách mời hay các nghệ sĩ biểu diễn. Sự sắp đặt hợp lý của việc kinh doanh cà phê bên cạnh các sự kiện của những người làm sáng tạo đã khiến Cà phê thứ Bảy trở thành một địa điểm hấp dẫn và thân thiện với công chúng.

Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam cũng trở thành nhà tiên phong, đi đầu trong việc hỗ trợ nghệ thuật đương đại bằng việc mở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Đương đại VICAS Art Studio. Trung tâm này tạo ra không gian cởi mở và minh bạch cho nghệ thuật và sáng tạo qua việc cung cấp không gian, dịch vụ tư vấn và tiếp thị cho các nghệ sĩ để họ có thể tiếp cận thị trường. VICAS triển lãm miễn phí các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ có xuất thân đa dạng, có cả các nghệ sĩ tự học.

Chính những kết nối có tính văn hóa, nghệ thuật ấy mang đến cho không gian sáng tạo trong đô thị những giá trị không thể thay thế với người dân Hà Nội.

P.B

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tinh-van-hoa-nghe-thuat-cua-khong-gian-sang-tao-thu-do-99976.html