Tinh xảo chế tác linh vật rắn phát tài
Sản phẩm mang hình tượng linh vật rắn là món quà ý nghĩa chào đón năm mới Ất Tỵ 2025 Công ty CP Gốm Chu Đậu (Nam Sách) phục vụ nhu cầu mua sắm quà tặng của khách hàng.
May mắn, tài lộc
Chào đón xuân mới 2025, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã sớm xây dựng ý tưởng và cho ra lò hàng nghìn sản phẩm mang hình tượng linh vật rắn tinh xảo.
Công ty có 2 mẫu sản phẩm. Mẫu thứ nhất có hình tượng rắn nâng đồng tiền âm dương cùng vân mây, cuộn nước đi lên. Mẫu thứ hai là hình tượng rắn cuộn túi tiền vàng. Kích thước sản phẩm sau hoàn thiện cao khoảng 25 cm.
Tượng linh vật rắn được cách điệu cùng tiền vàng, sóng nước, vân mây, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa may mắn, phú quý, phát tài. Sản phẩm linh vật rắn của gốm Chu Đậu không chỉ truyền tải giá trị văn hóa Việt Nam sâu sắc mà còn là biểu tượng của sự hồi sinh và khởi đầu mới, gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về sự kiên định vượt qua mọi thử thách, hướng đến thành công và thịnh vượng. Đây là loài vật có chu kỳ lột da để phát triển và hoàn thiện mình hơn. Vì vậy, sản phẩm mang hình tượng linh vật rắn còn thể hiện cho sự tái sinh và những điều tốt đẹp sẽ đến, thể hiện ý tưởng kỷ nguyên vươn mình.
Tượng linh vật rắn thường để trang trí ở những nơi trang trọng, sạch sẽ như phòng khách hoặc trên bàn làm việc cơ quan, phòng thu ngân, trên tủ kệ trang trọng...
Kỳ công tạo hình
Để có đủ đơn hàng kịp giao cho khách theo kế hoạch, những ngày tháng 12/2024, xưởng sản xuất của Công ty CP Gốm Chu Đậu rất nhộn nhịp.
Các nghệ nhân ở đây chia làm nhiều công đoạn rất kỳ công, tâm huyết, khẩn trương. Anh Trần Hoài Nam, Tổ trưởng Tổ thiết kế Công ty CP Gốm Chu Đậu cho biết từ ý tưởng của ban lãnh đạo công ty, trong vòng 1 tuần, anh đã thiết kế xong hình ảnh linh vật rắn.
Sau nhiều lần chỉnh sửa và phê duyệt mẫu chính thức, hình ảnh được chuyển tới ông Nguyễn Năng Thôn, nghệ nhân làng nghề Việt Nam (do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng), tổ sản xuất của công ty để tạo hình con giống. Ông Thôn cho biết đây là công đoạn khó nhất và quan trọng nhất, đòi hỏi trí tưởng tượng, tay nghề cao mới thể hiện thành công được. Trong gần 20 năm làm nghề, rắn là linh vật ông Thôn thấy khó làm nhất. Công đoạn tạo hình phải thể hiện được ý tưởng khát vọng, vươn mình phát triển và vững vàng khi ôm trọn tài lộc.
“Đây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cao, bởi từ sản phẩm này sẽ tiếp tục thực hiện quy trình đúc khuôn cho ra lò hàng loạt sản phẩm linh vật rắn khác. Từng chi tiết nhỏ phải được nặn và khắc, tỉa hoàn toàn thủ công, tạo dấu ấn riêng và có hồn cho sản phẩm của gốm Chu Đậu”, ông Thôn nói.
Để hoàn thiện sản phẩm con giống phải trải qua nhiều bước như nung để thử độ co giãn. Ông Thôn phải mất khoảng 1 tháng mới hoàn thành mỗi mẫu linh vật rắn này. Sau khi được phê duyệt con giống mẫu, sản phẩm được tạo khuôn đúc. Công đoạn này cũng mất khá nhiều thời gian do nhiều lần sau khi mở khuôn, con giống bị mất một số chi tiết, lúc này ông lại phải chỉnh sửa cho đến khi thực hiện ra khuôn trơn tru.
Từ khuôn đúc này sẽ cho ra hàng loạt sản phẩm mang hình tượng linh vật rắn khác. Mỗi sản phẩm ra khuôn sẽ được chuyển đến bộ phận hoàn thiện phần thô. Công đoạn này đòi hỏi tay nghề của người làm phải khéo léo để chỉnh sửa những phần dư thừa sau khi đúc khuôn xong.
Sản phẩm tiếp tục được tạo hình, tỉa tót chi tiết. Sản phẩm thô hoàn thiện có sự thân thiện, tươi vui, người tạo hình chỉ cần động tác nhỏ là làm cho khóe miệng của linh vật rắn như nhoẻn cười; các chi tiết cách điệu, hiền hòa mà vẫn toát lên vẻ uy lực của rắn hổ mang chúa.
Sản phẩm thô hoàn thiện sẽ được mang đi rửa nước, làm nhẵn, sau đó vẽ hoặc phun men và cho đi nung.
Ngoài sản phẩm có men truyền thống, những sản phẩm làm quà tặng cao cấp thì mất thêm 1 bước nữa là vẽ vàng. Các nghệ nhân sẽ dùng dung dịch vẽ vàng 24k để trang trí cho sản phẩm, sau đó cho đi nung để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
Theo kế hoạch, Công ty CP Gốm Chu Đậu sẽ cho ra lò 2.025 sản phẩm linh vật rắn để phục vụ nhu cầu đặt hàng và thị trường quà tặng của khách hàng.
Trong văn hóa dân gian người Việt, tục lệ thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy mang 2 ý nghĩa thờ thủy thần và vật tổ. Việc xem rắn là thủy thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp phổ biến ở nhiều vùng. Chính vì vậy, rắn không chỉ là loài vật bình thường mà còn là biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tinh-xao-che-tac-linh-vat-ran-phat-tai-400771.html