Tinh xảo, kỳ bí đồ đồng nhà Thương
Năm 1976, Trung Quốc phát hiện lăng mộ nữ tướng đầu tiên, Phụ Hảo (? - 1200 TCN) thời nhà Thương (1766 – 1122 TCN).
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được 1,6 tấn đồ đồng, gồm cốc, lọ, vạc…, các dụng cụ được dùng để đựng đồ ăn và thức uống trong lăng mộ bà.
Tay nghề đáng nể
Nhà Thương là triều đại đầu tiên được chứng thực của Trung Quốc, có sau nhà Hạ vẫn còn là huyền thoại. Nó xuất hiện cùng thời điểm với Văn minh Ai Cập và Văn minh Lưỡng Hà, bao trùm phần lớn khu vực là miền Bắc của Trung Quốc ngày nay.
Tín ngưỡng nhà Thương thờ Thiên và Gia tiên. Các vị vua vô cùng nghiêm túc trong việc thực hiện các nghi lễ cúng Trời và người thân đã mất.
Phát hiện khảo cổ ở Trung Quốc chỉ ra, đồ đồng đã có từ trước thời nhà Thương nhưng phải đến thời này mới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chế tác. Mặc dù biết khai thác công dụng của kim loại là chuyện có ở hầu hết các nền văn minh lớn trong thời gian này, nhưng nhà Thương vượt bậc hơn nhờ phát minh ra kỹ thuật dùng sáp, khiến sản phẩm bằng kim loại được tạo ra đa hình dạng và thẩm mỹ hơn.
Các quặng kim loại được thợ đúc đồng nhà Thương yêu thích là đồng, thiếc và chì. Họ rất điêu luyện trong việc kiểm soát tỷ lệ của từng loại trong việc tạo ra hợp kim phù hợp với mục đích.
Theo các nhà khảo cổ, nhiệt độ được họ sử dụng nung hợp kim từ 810 – 960 độ C. Tỷ lệ đồng càng cao thì nhiệt độ cần thiết cũng càng cao và ngược lại.
Thời sơ khai, đồ đồng nhà Thương khá mỏng và đơn điệu nhưng càng về sau càng dày hơn. Chưa hết, chúng còn có hình dạng muôn hình vạn vẻ và bề mặt dày đặc các họa tiết trang trí mỹ lệ.
Năm 1976, khi phát hiện lăng mộ của Nữ tướng Phụ Hảo, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được 1,6 tấn đồ đồng, gồm cốc, lọ, vạc…, các dụng cụ được dùng để đựng đồ ăn và thức uống.
Những thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc phát hiện thêm hàng ngàn hiện vật bằng đồng cùng thời.
Họ cho biết, đồ đồng nhà Thương được phân loại theo chức năng như đồ dùng nhà bếp, nhạc cụ, vũ khí… và đặc biệt là đồ dùng trong nghi lễ cúng tế. Họa tiết trang trí thường thấy là hình vẽ trừu tượng về động vật có thật như voi, cừu, chim… và động vật thần thoại như linh thú (rồng, phượng), quái thú (Thao Thiết).
Đồ dùng cúng tế
Hầu hết các mộ cổ từ thời nhà Thương được phát hiện đều có đồ đồng chứa văn tự cho biết là sử dụng trong cúng tế. Điều này chỉ ra, các món đồ bằng đồng là vật không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Thiên và thờ Gia tiên của người Trung Quốc trong giai đoạn này. Chúng đóng vai trò vật trung gian kết nối giữa người và thế giới siêu nhiên, thường được khắc tên của chủ nhân hoặc dòng tộc để bày tỏ lòng thành kính.
Có 2 họa tiết trang trí thường xuyên thấy ở đồ đồng dùng cúng tế của thời nhà Thương là Rồng và Thao Thiết. Nếu Rồng là biểu tượng của hoàng quyền và đại diện của Thủy thần (thần nước) thì Thao Thiết là quái thú tham ăn tục uống, được trang trí với mục đích nhắc nhở nên có điều độ trong ăn uống.
Các món đồ bằng đồng dùng trong nghi lễ cúng tế rất đa dạng, được sử dụng với mục đích đựng, đặt thức ăn, nước uống nhưng quan trọng nhất là 3 món: Đỉnh, cô và quang.
Đỉnh là chiếc vạc 3 chân, thân tròn, có 2 tay cầm đối xứng, kích thước rất lớn. Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng, người đầu tiên đúc đỉnh là vua Hạ Vũ (2298 – 2198 TCN) có công chống lũ và thành lập nhà Hạ (2070 - 1600 TCN, chưa được kiểm chứng).
Sau khi lập nên nhà Hạ, ông đã chia đất nước thành 9 châu và ở mỗi châu, ông đều lấy đồng đúc ra một đỉnh, tạo nên 9 đỉnh. Sau này, người Trung Quốc lấy 9 đỉnh làm biểu tượng thống nhất quốc gia. Họ có câu, “Có được cửu đỉnh là có được thiên hạ”. Vì thế, đỉnh đóng vai trò biểu tượng hoàng quyền.
Nửa đầu thời nhà Thương, đỉnh khá mỏng, thân dài, lòng sâu, chân đơn điệu nhưng nửa sau thời này, chúng càng lúc càng dày hơn, thân cũng ngắn hơn, lòng nông hơn còn chân thì cách điệu với hình chiếc lá, rồng, phượng...
Công dụng của đỉnh là đặt lễ vật cúng tế chính, thường là động vật nguyên con.
Cô là bình đựng rượu hình dạng dài, cổ loe, thường được trang trí bằng họa tiết cách điệu về Thao Thiết. Càng về cuối thời nhà Thương, cô càng cao hơn, hình dáng thanh mảnh hơn và được trang trí dày đặc từ miệng đến tận đáy.
Quang là chén uống rượu có chân để tiện cho việc hâm nóng khi cần. Nó có cả quai để cầm lẫn miệng có vòi để tiện rót uống.
Càng về cuối thời nhà Thương, đồ đồng càng tinh xảo và mỹ lệ. Ba nghìn năm sau, chúng vẫn mê hoặc và khiến Trung Quốc trở thành “bảo tàng đồ đồng cổ” thu hút du khách yêu lịch sử và khảo cổ toàn cầu.
Theo thecollector.com
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-xao-ky-bi-do-dong-nha-thuong-post701627.html