Tình yêu mãnh liệt của người Hàn với gà rán bắt đầu từ khi nào?
World Cup 2002 là khoảng thời gian thuật ngữ chimaek (ghép bởi từ 'gà' và 'bia' trong tiếng Hàn) xuất hiện và phổ biến. Thuật ngữ ám chỉ văn hóa uống bia ăn kèm gà rán khi xem các trận đấu thể thao.
Bước trên đường phố Hàn, thật không khó để nhận ra “mỗi mét vuông” lại có một cửa hàng gà rán. Theo Statistics Korea, tính đến năm 2020, có đến hơn 27.000 cửa hàng gà rán nhượng quyền của Hàn, chưa kể các nhà hàng gia đình quy mô nhỏ. Đây là loại hình kinh doanh nhượng quyền thương mại lớn thứ ba phân loại theo hạng mục, đứng sau các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng hansik (thực phẩm Hàn Quốc).
Tình yêu của người Hàn với món gà rán là một trong những lý do khiến các nhà hàng gà rán “rộng đất” phát triển. Không khó để một người mới muốn bắt đầu loại hình kinh doanh này, bởi mô hình sản xuất, giao hàng đã được tiêu chuẩn hóa. Ở một số thương hiệu nhượng quyền, các thành phần được chế biến sẵn trước khi giao đến cửa hàng, vì vậy đầu bếp chỉ cần chiên gà lên là xong.
Niềm yêu thích của người Hàn với gà rán và bia mỗi mùa thể thao là không thể phủ nhận. Vậy, tình yêu mãnh liệt đó bắt đầu từ đâu và khi nào?
Gà rán tiến vào Hàn Quốc
Chúng ta thường biết đến gà rán như một sản phẩm du nhập từ phương Tây. Nhưng có giả thuyết cho rằng gà rán xuất hiện lần đầu trên bàn ăn của giới hoàng gia ở châu Á, Trung Đông và Tây Phi. Công thức làm gà rán được ghi nhận sớm nhất trong cuốn sách viết năm 1947, The Art of Cookery Made Plain của tác giả người Anh Hannah Glasse. Công thức này tạo ra “một cú nổ lớn” ở trong nước và cả các nước thuộc địa của Anh, sau đó lan rộng sang các bang miền Nam nước Mỹ. Vào thời điểm đó, gà rán được mô tả là “gà xẻ thịt để tẩm bột và chiên trong mỡ heo”.
Món gà rán kiểu Mỹ lần đầu “Hàn-tiến” trong cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953, khi người Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc trong khoảng cuối 1940 đến đầu 1950. Người Hàn Quốc lúc ấy vẫn đang học cách thích nghi với kiểu chế biến mới mẻ này, trước đó họ đã quen với món gà hấp.
Trong thời chiến tranh, Hàn Quốc vật lộn để gây dựng nền kinh tế trong suốt những năm 1960. Lúc ấy, thịt gà khá đắt nên mọi người vẫn chưa có điều kiện mua. Chỉ đến năm 1970, khi thu nhập của các hộ gia đình tăng lên, Hàn bước vào thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc, cộng thêm sự du nhập của các loại dầu ăn giá rẻ, sự phổ biến của gà rán mới bắt đầu. Phong trào gà rán được “củng cố sức mạnh” khi Gà Rán Kentucky (KFC) bắt đầu mở chi nhánh ở Hàn.
Các doanh nhân tham vọng nhìn thấy tiềm năng màu mỡ của thị trường này liền đổ tiền đầu tư, thành lập nhà hàng riêng, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1990 cũng khiến nhiều người mất việc. Nhìn thấy ngành kinh doanh gà rán có rào cản gia thập thấp (low entry barrier), tức là không có quá nhiều yếu tố cản trở người mới tham gia thị trường, họ mở tiệm gà rán như một sự lựa chọn tối ưu nhất.
James Lee, CEO của Institute of Entrepreneurship & Franchise Management Consulting, cho biết: “Số lượng nhà hàng gà rán bùng nổ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Phụ nữ tham gia lực lượng lao động để kinh doanh cùng người chồng vừa mất việc, người trẻ tuổi không kiếm được việc cũng nhảy vào thị trường. Chính phủ nới lỏng chính sách cho vay, tạo điều kiện thúc đẩy xu hướng”.
Lim's Chicken là cửa hàng gà rán nhượng quyền đầu tiên tại Hàn Quốc. Lotteria tham gia sau Lim's Chicken không lâu, với loại hình kinh doanh là phục vụ từng miếng gà riêng lẻ.
Gà rán trải qua làn sóng tăng trưởng thứ hai vào năm 2002, khi Hàn Quốc giành vị trí thứ tư tại FIFA World Cup. Hơn 13.700 nhà hàng được mở trên toàn quốc trong năm 2002, biến 2002 thành năm có lượng tăng trưởng cửa hàng gà rán lớn nhất vòng 20 năm qua. Kyochon F&B, thương hiệu gà rán lớn nhất Hàn Quốc, cho biết đã mở hơn 700 cửa hàng trong 2 năm sau World Cup 2002. Đó đồng thời là khoảng thời gian thuật ngữ chimaek (ghép bởi từ "gà" và "bia" trong tiếng Hàn) xuất hiện và phổ biến. Thuật ngữ ám chỉ văn hóa uống bia ăn kèm gà rán khi xem các trận đấu thể thao.
Chimaek ghép bởi từ "gà" và "bia" trong tiếng Hàn
Dễ mở cửa hàng mới, nhưng cũng dễ “dẹp tiệm”
Theo người đại diện của chuỗi cửa hàng Genesis BBQ, chi phí mở một nhà hàng gà rán vẫn tương đối thấp hơn so với loại hình doanh nghiệp khác vì khách hàng thường chọn giao đồ ăn thay vì ăn tại chỗ, nhờ đó tiết kiệm chi phí nội thất và tiền thuê vì một cửa hàng không cần nhiều không gian. Nhà hàng cũng không cần chọn vị trí đắc địa để thu hút sự chú ý của mọi người.
Thế nhưng từ cuối những năm 2010, hoạt động kinh doanh gà rán bắt đầu giảm sút, số lượng đóng cửa nhiều hơn mở cửa. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Định cư Hàn Quốc cho hay, số lượng nhà hàng gà rán mới trong 2019 đã giảm gần 10% so với 2014, nguyên nhân phần lớn là do sự cạnh tranh khốc liệt. Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức tổng doanh thu của cửa hàng có thể bị ảnh hưởng khi họ tăng giá bán lên chỉ vài trăm won.
Để nổi bật trên thị trường, các thương hiệu gà rán đang định vị mình bằng nhiều cách khác nhau, đồng thời đi tìm công thức, hương vị mới tốt hơn. Ví dụ như thương hiệu gà rán cao cấp Puradak Chicken định hình mình với hình ảnh “trẻ trung, cao cấp và tinh tế”. Họ dùng túi tái sử dụng thay vì túi nhựa thông thường, đóng gói trong các hộp nhựa cao cấp, thiết kế nội thất cửa hàng trắng đen để tăng tính sang trọng.
Chuỗi cửa hàng Mexicana Chicken thì đánh mạnh vào hương vị độc đáo, ví dụ gà rán vị dâu tây, gà rán vị dưa và gà rán vị chuối. Công thức này được cho là chạy theo xu hướng vị trái cây trong ngành công nghiệp thức phẩm. Ngoài ra, một số thương hiệu chú trọng đến độ giòn, họ sáng chế ra các công thức chiên hai lần đặc biệt (double-frying), nhờ đó gia tăng trải nghiệm vị giác của thực khách. Nhìn chung, sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu lâu đời làm giảm khả năng “được chú ý tới” của thương hiệu mới.
Ngành công nghiệp này vẫn nở rộ bất chấp cạnh tranh và khó khăn kinh tế
Lim Chae-un, giáo sư Đại học Sogang nhận định: “Bất chấp những khó khăn, xu hướng mở cửa hàng gà rán vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai. Thịt gà tương đối rẻ hơn thịt đỏ và có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ ăn vặt đến ăn chính. Lứa tuổi nào cũng tiếp cận được.”
Chỉ riêng ở Hàn Quốc đã có khoảng 87.000 nhà hàng gà rán, theo báo cáo trên Korea Economic Daily. So với 38.000 cửa hàng McDonald’s và 43.000 cửa hàng Subway trên toàn thế giới, người Hàn Quốc chắc hẳn có thể tự hào về thành tựu vượt trội trong ngành công nghiệp này. Thậm chí các đầu bếp trên thế giới đang học theo cách chế biến đậm chất châu Á của người Hàn, khiến hương vị gà rán Hàn Quốc tiếp tục vươn xa hơn nữa.
Nguồn: Tổng hợp