Tình yêu thương con trẻ của cô giáo Tây Bắc

17 gắn bó với trẻ mầm non ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, cô Loan luôn tâm niệm trẻ cần có sự yêu thương, chăm sóc cẩn thận để ươm mầm non tương lai.

Cô Đỗ Thị Loan sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Cô Đỗ Thị Loan sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Cô Đỗ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi, sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Năm 2007, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Tình nguyện lên non

Nằm cách thủ đô hơn 300 cây số về hướng Tây Bắc, chuyện học của trẻ mầm non huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mấy năm nay diễn ra trong bầu không khí hân hoan đầy hứng khởi.

Chứng kiến những đổi thay da đổi thịt đó, cô Đỗ Thị Loan bùi ngùi tâm sự: “Hồi mới về địa phương hàng ngày tôi đi bộ 5km đến điểm bản dạy học sáng xuất phát khi trời còn mờ sương, chiều về đến trường màn đêm đã buông xuống”.

Những ngày tháng khó khăn của 17 năm trước ấy nhờ sức trẻ và sự nhiệt huyết tạo động lực, động viên để cô gắn bó và yêu nghề trồng người.

 Cô Loan (áo đỏ) cùng học trò tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh NVCC.

Cô Loan (áo đỏ) cùng học trò tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh NVCC.

Cô Loan tâm sự, từ nhỏ cô đã mơ ước sau này có thể trở thành một cô giáo mang kiến thức về với những em nhỏ vùng quê nghèo của mình bởi cô hiểu những thiếu thốn, thiệt thòi của trẻ vùng cao. Do đó, cô luôn mong muốn được trở thành giáo viên mầm non để được chăm lo, giáo dục các em thật tốt.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng năm 2007, cô Loan đã tình nguyện lên vùng cao Mù Cang Chải nhận công tác tại Trường TH&THCS La Pán Tẩn. Đến năm 2008 luân chuyển về Trường Mầm non Bông Sen, xã Chế Cu Nha. Từ năm 2021 đến nay cô giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi.

Thời gian đầu nhận công tác ở huyện miền núi, có không ít trở ngại cô phải đối mặt nhất là khi tình hình cơ sở địa phương lúc ấy còn vô vàn khó khăn.

Trong ký ức cô Đỗ Thị Loan vẫn còn ấn tượng với những con đường đất vừa dốc, vừa cao hướng lên ngôi trường nằm tít trên đồi. Những ngày mưa bùn đỏ, bùn vàng nhão nhoét dưới chân, cô trò vừa tay xách cặp lồng, vừa đi đôi ủng dính chặt dưới nền đất từng bước nặng nề đến trường. Thậm chí có khi bão lớn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, trường không thể tổ chức cho các em đi học như bình thường.

“Có những học sinh cách điểm trường tận 8 đến 10 cây số. Ngày đó sáng ra chúng tôi và các con đi bộ đều đặn, chiều lại lội bộ về, thật lòng rất băn khoăn trăn trở về hoàn cảnh các trò. Đến hôm nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bộ mặt huyện nghèo Tây Bắc đã thay đổi rõ rệt, kinh tế khấm khá hơn nhờ du lịch phát triển, đời sống nhân dân đã cải thiện nhiều", cô Loan xúc động chia sẻ và nói thêm, so với ngày trước, giờ phụ huynh đã có xe máy để đưa con tới lớp. Các con cũng được ăn những bữa cơm nóng ngon tại trường. Hơn hết là không phải lội bùn đi học nữa.

 Năm 2007, cô Loan tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Năm 2007, cô Loan tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Sáng kiến khởi nguồn từ tình yêu với con trẻ

17 năm công tác là quãng thời gian 17 năm cô gắn bó với học sinh người dân tộc Hmông. Bởi vậy, những kỷ niệm với các cô cậu học trò người Hmông luôn in đậm trong tâm trí cô.

“Tôi là một cô giáo trẻ người Kinh, thời gian đầu mới nhận công tác, tôi không biết tiếng dân tộc, đứng trước các học trò nói không sõi tiếng phổ thông quả thực là một trở ngại lớn trong giao tiếp”, cô Loan kể.

Với lòng nhiệt thành cùng tình yêu thương trẻ, cô Loan đã phá bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cách cứ sau giờ dạy lại tranh thủ tự học bồi dưỡng tiếng Hmông từ bà con nhân dân trong vùng.

Đồng thời dạy cho trẻ nói tiếng phổ thông với phương châm kiên trì, sáng tạo, nghiên cứu và tìm ra những giải pháp mới có hiệu quả với trọng tâm là các kỹ năng nghe, nói, giao tiếp. Cũng chính những hoạt động giảng dạy hằng ngày giúp cô nảy ra sáng kiến tăng cường Tiếng Việt cho trẻ giúp giảm bớt bất đồng ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, với quan điểm dạy học lấy trẻ làm trung tâm, cô lựa chọn hình thức dạy học để trẻ được “học mà chơi – chơi mà học” tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú và sự phát triển của từng cá nhân trẻ, trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình, được giao lưu cùng cô và bạn bè, chủ động trong cách học. Sáng kiến này sau đó đã đạt hiệu quả cao, được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là sáng kiến cấp tỉnh.

Cùng với đó, cô Loan còn có sáng kiến giáo dục cho trẻ mầm non giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc mình, sáng kiến xã hội hóa công tác nuôi dạy trẻ trên cơ sở nguồn vốn huy động từ cộng đồng,...

Theo thời gian, khi khả năng giao tiếp Tiếng Việt của trẻ tốt lên cùng với vốn kiến thức tiếng Hmông của cô Loan được cải thiện, sự gắn kết giữa cô và trẻ ngày càng tốt hơn.

“Không chỉ kỹ năng sư phạm của tôi được rèn giũa và nâng cao mà uy tín với nhà trường, sự tin tưởng của phụ huynh cũng giúp chất lượng giáo dục ngày càng hoàn thiện”, cô chia sẻ.

"Năm 2024, cô Đỗ Thị Loan là một trong những giáo viên tiêu biểu toàn quốc".

Đức Duy - Tuấn Đạt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-yeu-thuong-con-tre-cua-co-giao-tay-bac-post709633.html