Tình yêu và đam mê với tà áo dài truyền thống
Xuất phát từ đam mê và tình yêu với tà áo dài truyền thống, vượt qua 60 thí sinh ở vòng sơ khảo, 30 tác phẩm vòng chung kết, 2 thí sinh của Lâm Đồng vinh dự nằm trong số 13 thí sinh được trao giải trong đêm chung kết Cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề 'Tự hào áo dài Việt' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề “Tự hào áo dài Việt” nằm trong chuỗi hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Lâm Đồng có 2 thí sinh lọt vào vòng chung khảo là chị Lê Thị Ánh (Hội LHPN huyện Bảo Lâm) và chị Huỳnh Thị Thanh Thảo (Hội LHPN huyện Đức Trọng).
Cuộc vận động thiết kế áo dài được phát động từ tháng 3/2020. Sau 6 tháng, Ban tổ chức đã nhận được 102 hồ sơ dự thi với 534 tác phẩm từ 37 tỉnh, thành trong cả nước. Cuộc vận động đã thu hút đông đảo tác giả với nhiều lứa tuổi, đa dạng ngành nghề tham gia. Đến với cuộc thi này, chị Lê Thị Ánh (nghệ danh là Ánh Lê) đoạt giải chất liệu vải và chị Thanh Thảo đoạt giải sáng tạo.
Chị Thanh Thảo cho biết, vốn đam mê may vá từ thuở nhỏ, năm 18 tuổi sau khi tốt nghiệp THPT, chị liền đi học may. Lúc đầu, chị học may quần tây, áo sơ mi, áo dài... nhưng 10 năm trở lại đây, từ niềm đam mê cùng tà áo dài truyền thống, chị chỉ chuyên tâm may áo dài. “Lúc đầu, cũng gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng càng may tôi càng thấy thích dạng trang phục truyền thống này, vậy là mình quyết tâm phải theo học. Nghe đâu có những lớp thiết kế áo dài mình đều tìm đến, từ Hà Nội cho đến Sài Gòn. Học để rồi chắt lọc những gì hay, độc đáo, mình lại thêm vào bộ áo dài của mình ngày càng hoàn thiện” - chị Thảo chia sẻ.
Khi được Hội LHPN huyện Đức Trọng chọn để tham gia Cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề “Tự hào áo dài Việt” nằm trong chuỗi hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Thảo thấy rất vui và cũng tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều. Vốn là người con của mảnh đất Lâm Đồng - nơi có vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng xen lẫn mùi hương của lá chè xanh, của ngàn hoa rực rỡ, chị Thảo đã lấy đặt tên cho bộ sưu tập của mình là “Phong cảnh quê hương Lâm Đồng”. Bộ sưu tập gồm những chiếc áo dài cách điệu với chất liệu lụa nhung được in thiết kế công nghệ 4D cho cả hai mặt, tạo độ thanh tao, trang nhã cho tà áo, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Họa tiết được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp quê hương - Lâm Đồng, với cái se lạnh của khí trời ngàn sương Đà Lạt, với cái mộng mơ của hồ Xuân Hương khi về đêm, là vẻ đẹp của sự bình dị, an yên nơi Thiền viện Trúc Lâm. “Với bộ sưu tập này, tôi muốn gửi gắm một thông điệp đến người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung, đó là: Hãy đến với Việt Nam, hãy đến với Đà Lạt, Lâm Đồng để khám phá vẻ đẹp hùng vĩ cũng như đắm chìm trong không khí se lạnh nhưng ấm áp lòng người của thành phố vốn được mệnh danh là thành phố ngàn hoa”.
Cùng chung niềm đam mê chiếc áo dài truyền thống, chị Lê Thị Ánh năm nay 46 tuổi, nhưng đã có ngót nghét 30 năm gắn bó với những tà áo dài. Chị kể: Năm 16 tuổi, sau khi nghỉ học, tôi quyết định đến với nghề may và từ năm 18 tuổi, tôi đã gắn bó với những chiếc áo dài truyền thống cho đến tận bây giờ. Sau khi lập gia đình, tôi rời vùng đất Thừa Thiên - Huế vào huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng lập nghiệp và cũng chọn nghề may áo dài để kiếm sống.
“Lúc mới vào đây mở tiệm may, phải đến 3 tháng đầu tiệm tôi không hề có khách, đi đến các tiệm may khác cũng không ai dám nhận và giao đồ cho may. Lúc đó tôi rất buồn, nhưng rồi tôi vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, vừa mở quán tạp hóa buôn bán để tiếp tục nuôi ước mơ của bản thân. Sau đó, một mặt tôi mua thêm sách báo để học hỏi, mặt khác, tôi lên Sài Gòn tìm thầy để học nâng cao tay nghề. Lúc đó, tôi may mắn được một cô giáo nhận dạy miễn phí và khi trở về lại Bảo Lâm, tay nghề của tôi cũng dần nâng lên. Đến năm 2017, tôi may mắn được gặp nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, được thầy dìu dắt và tôi cũng được tham gia buổi trình diễn thời trang của thầy ở Hà Nội năm 2018. Trở về, tôi được nhiều người biết đến hơn” - chị Ánh vui vẻ cho biết thêm.
Tham gia Cuộc vận động “Tự hào áo dài Việt”, chị Ánh giới thiệu bộ sưu tập “Quê hương”. Chị Ánh chia sẻ thêm: “Quê hương luôn là đề tài của thơ ca, nhạc họa, thời trang. Quê hương tạo ra suối nguồn cảm xúc cho những người làm nghệ thuật. Với nguồn cảm hứng đó, từ chất liệu vải cao cấp phủ nano bạc kháng khuẩn bảo vệ sức khỏe; đính kèm với thiết kế là đá, và những hạt cườm bé xíu được bàn tay khéo léo, tài hoa, tạo nên sự uyển chuyển, sang trọng cho người mặc, tôn lên duyên thầm của người phụ nữ Việt Nam, bộ sưu tập của tôi đã lấy chủ đề về quê hương để thể hiện sự mến yêu, gắn bó với mảnh đất Bảo Lâm, Lâm Đồng - xứ sở của sương mù, trà xanh và thác trắng”.