TKV - 30 năm tăng trưởng ổn định, bền vững

Trong chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có quá trình tăng trưởng vượt bậc, ổn định, bền vững cả về chiều rộng và chiều sâu.

Tăng trưởng vượt bậc, ổn định

Theo báo cáo của TKV, tổng tài sản của TKV đã tăng trưởng liên tục từ 1,7 nghìn tỷ đồng vào năm 1994 đến 114 nghìn tỷ đồng cuối năm 2023, tăng hơn 97 lần, cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô.

Theo lãnh đạo TKV, mặc dù một số năm doanh thu giảm so với năm trước liền kề do nguyên nhân khách quan (sự biến động của thị trường, nhu cầu than trong nước giảm) nhưng nhìn chung trong suốt quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay doanh thu toàn tập đoàn đã có bước tăng trưởng vượt bậc, đều đặn với tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm.

Lò khai thác cơ giới hóa

Lò khai thác cơ giới hóa

Cụ thể nếu như năm 1994 - năm đầu thành lập, doanh thu toàn tập đoàn (với tên gọi là Tổng công ty Than Việt Nam) chỉ đạt 1,845 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2023 đã đạt mức 168,10 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 91 lần. Tổng doanh thu của TKV trong giai đoạn từ năm 1994 - 2023 đạt 1,9 triệu tỷ đồng, bình quân đạt 65,7 nghìn tỷ đồng/năm.

Trong đó, hoạt động xuất khẩu than, alumina…với kỷ lục cao nhất vào hai năm 2010-2011 đạt trên 1,5 tỷ USD/năm đã đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn giúp TKV chủ động thanh toán các khoản nợ ngoại tệ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Từ năm 2014, sản lượng xuất khẩu than giảm đi do quy định về cấp phép của Bộ Công thương nhưng sản lượng xuất khẩu alumina lại tăng mạnh. Từ năm 2014-2023, TKV đã xuất khẩu bình quân đạt 634 triệu USD/năm và năm 2022 là năm đạt cao nhất với con số hơn 1 tỷ USD.

Công nhân khai thác than

Công nhân khai thác than

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, lãnh đạo tập đoàn cho biết, mặc dù gặp nhiều thách thức, TKV vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đặc biệt năm 2022 là năm đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất từ khi thành lập với lợi nhuận trước thuế đạt 10,6 nghìn tỷ đồng.

Là một tập đoàn kinh tế đa ngành gồm: Than, Khoáng sản, Điện, Vật liệu nổ công nghiệp, Sản xuất cơ khí và Kinh doanh dịch vụ khác nhưng TKV tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất chính, mang tính cốt lõi là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nhiều năm qua, tất cả các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn đều sản xuất kinh doanh có hiệu quả; trong đó, sản xuất than luôn là lĩnh vực có tỷ trọng lợi nhuận cao nhất.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ trọng lợi nhuận của TKV ở một số ngành như khoáng sản, vật liệu nổ… có xu hướng tăng lên. TKV đang hướng tới chiến lược phát triển bền vững, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào sản xuất than kinh doanh than, đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất khác thân thiện với môi trường.

Tăng khả năng tự chủ tài chính

Nhờ phát huy sản xuất kinh doanh hiệu quả, TKV đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; trong đó, riêng số nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh Quảng Ninh chiếm đến 60%, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2023, tập đoàn nộp ngân sách nhà nước 29.216 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), trong đó số nộp ngân sách nhà nước tại Quảng Ninh chiếm 41% thu ngân sách của tỉnh.

Cùng với đó, vốn nhà nước tại TKV cũng tăng từ 778 tỷ đồng vào năm đầu thành lập lên 48,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Hiện nay, vốn điều lệ của công ty mẹ đạt 35.000 tỷ đồng.

Tập đoàn từng bước chuyển đổi và hoàn thiện công tác quản trị tài chính thông qua việc thanh toán trực tiếp cho các công ty khai thác và tập trung thu xếp vốn tại công ty mẹ; áp dụng công nghệ số trong kế toán tài chính, bao gồm hóa đơn điện tử và chuyển tiền điện tử. Từ năm 2017, TKV đã thực hiện hoán đổi tiền tệ SWAP, giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá hối đoái và sinh lời khoảng 355 tỷ đồng từ 735 triệu USD.

Hệ số tài chính của TKV được duy trì trong giới hạn an toàn. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 14,6%/năm, với mức cao nhất là gần 19% vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt bình quân 4,5%/năm. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thường xuyên duy trì trên 1 lần. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đều thấp hơn mức trần là 3 theo quy định tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP.

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả

Theo lãnh đạo tập đoàn, việc thoái vốn theo đề án tái cơ cấu của tập đoàn được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện TKV đang tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tại 19 công ty con và công ty liên kết theo Đề án cơ cấu lại đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1263/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 với mục tiêu tập trung các nguồn lực vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng tài sản tiếp tục tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng mới.

Đại diện TKV khẳng định, những kết quả đã đạt được là minh chứng khẳng định sự phát triển lớn mạnh của tập đoàn trong chặng đường 30 năm qua. TKV tự hào là một trong những tập đoàn kinh tế lớn mạnh, phát triển ổn định bền vững, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thúy Ngà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tkv-30-nam-tang-truong-on-dinh-ben-vung-2314558.html