TKV sẽ đẩy mạnh đầu tư, khai thác bauxite

Vừa qua, TKV có Báo cáo tình hình triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bauxite thời kỳ 2021–2023 và tầm nhìn 2050.

Nhu cầu về nhôm rất lớn

Bauxite (bô-xít) là loại đá duy nhất có thể để luyện ra nhôm. Trong 15 năm qua, sản lượng khai thác bauxite ở trên thế giới tăng bình quân hàng năm là 6,8%. Đặc biệt, với tham vọng đẩy mạnh các ngành hàng không và ô tô, trong mấy năm gần đây, nhu cầu về kim loại nhôm rất lớn.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy Lâm Đồng

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy Lâm Đồng

Trên lãnh thổ Việt Nam bauxite ước tính khoảng 2,1 tỷ tấn, trong đó tập trung một phần tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Hải Dương, Nghệ An đã hình thành quặng bauxite (chủ yếu là diaspore) với tuổi Permi muộn (260 triệu năm). Còn lại tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên dự báo 6,75 tỷ tấn và trữ lượng đã thăm dò đạt 2,258 tỷ tấn.

Tại Đắk Nông, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị được giao triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bauxite thời kỳ 2021 – 2023 và tầm nhìn 2050 trên địa bàn. TKV luôn xác định tỉnh Đắk Nông là địa bàn chiến lược, quan trọng để TKV tập trung tối đa nguồn lực tiếp tục đầu tư thăm dò phát triển tài nguyên và đầu tư các dự án bauxite - alumin - nhôm mới, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất kinh doanh, cũng như đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và góp phần xây dựng tỉnh Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.

Tỉnh Đắk Nông đã thống nhất triển khai một số công việc như: Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét chủ trương, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng công suất nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, mở rộng quy mô khai thác thác quặng bauxite, sản xuất alumin; phối hợp về triển khai đầu tư các Tổ hợp bauxite - alumin - nhôm và đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện Đề án phát triển tổng thể lĩnh vực bauxite - alumin - nhôm của TKV; ký các Văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công Thương về cơ chế sử dụng đất sau khai thác; xây dựng 05 khu Tái định cư trên địa bàn huyện Đắk’ Lấp; kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản; giải quyết các vướng mắc để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, TKV đã và đang tập trung triển khai các công việc cần thiết để thăm dò, chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng và phê duyệt kế hoạch thăm dò khảo sát, kế hoạch đầu tư năm 2024. Phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo Thủ tướng Chính phủ một về cơ chế sử dụng đất sau khai thác quặng bô xít, cho phép triển khai 05 khu Tái định cư trên địa bàn tỉnh Đắk R’Lấp phục vụ khai thác mỏ Nhân Cơ…

Bên cạnh đó, TKV cũng đã tập trung chuẩn bị thị trường tiêu thụ với các nhà sử dụng alumin/nhôm và các công ty thương mại quốc tế lớn, đang giữ vai trò quan trọng trong thị trường xuất nhập khẩu alumin/nhôm, do đó có thể tiêu thụ hoàn toàn khối lượng alumin/nhôm trong thời gian tới.

Tập trung mọi nguồn lực để thăm dò, khai thác bauxite

Để chuẩn bị nguồn lực về vốn đầu tư, trong đó phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, hàng năm sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Hiện nay, tổng tài sản công ty mẹ - TKV hơn 85.000 tỷ đồng, cộng với nguồn thu từ trích khấu hao hằng năm bình quân khoảng 6.000 tỷ đồng và khoản trích quỹ đầu tư phát triển hàng năm khoảng 1.500 tỷ đồng.

 Đắk Nông được coi là "kho báu" bô xít lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam được phê duyệt quy hoạch khai thác, tối đa 118 triệu tấn/năm

Đắk Nông được coi là "kho báu" bô xít lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam được phê duyệt quy hoạch khai thác, tối đa 118 triệu tấn/năm

Mặt khác, hiện nay Tập đoàn TKV đã báo cáo chủ sở hữu cho phép tăng vốn điều lên đến hết năm 2025 từ 35.000 tỷ đồng lên 42.000 tỷ đồng và tăng lên 49.500 tỷ đồng trước năm 2030. Đồng thời, đã làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước chuẩn bị nguồn vốn, đảm bảo đủ thu xếp vốn triển khai các dự án bauxite- alumin - nhôm.

Với 7 nhà máy điện đang hoạt động, gồm: 6 nhà máy nhiệt điện (Đông Triều, Cẩm Phả, Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Nông Sơn) và 1 nhà máy thủy điện (Đồng Nai 5) với tổng công suất 1.735 MW. Ngoài ra, TKV đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án nhiệt điện than Na Dương II (công suất 110 MW, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2026, khi đó tổng công suất phát từ năm 2026 dự kiến khoảng 1.845 MW. TKV đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn, quy định vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020.

Theo đó, Tập đoàn TKV sẽ thực hiện thuê truyền tải điện từ các nhà máy điện của TKV qua lưới điện quốc gia để cung cấp điện cho nhà máy điện phân 2, nhằm chủ động hoàn toàn nguồn và giá điện cho nhà máy điện phân nhôm 2 (đáp ứng yêu cầu chủ động về điện tại Quy hoạch khoáng sản).

Tập trung nguồn lao động cho dự án bauxite, lực lượng cán bộ và công nhân kỹ thuật hiện nay của Tập đoàn TKV trên 94.000 lao động, được đào tạo đầy đủ các chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, đội ngũ lao động tại 2 Tổ hợp nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai đã hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ từ khâu khai thác đến sản xuất alumin và xử lý bùn đỏ. TKV cũng đã có 4 Viện nghiên cứu, công ty tư vấn, 2 trường đào tạo, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, Tập đoàn còn hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ với các nước có nền công nghiệp sản xuất alumin, luyện nhôm phát triển như: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ... và các cơ sở đào tạo uy tín trong nước, do đó sẽ đáp ứng được nhân lực cho việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm.

Đối với các mỏ bauxite khu vực Tây Nguyên, xem xét thăm dò và cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại được Chính phủ xác định phải đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, bảo đảm về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Mục tiêu là bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tkv-se-day-manh-dau-tu-khai-thac-bauxite-315004.html