Tổ 970: Hành động vì nông sản Việt
Nhiều địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp năm 2021 đã dần quen với hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch COVID-19 (gọi tắt là Tổ 970).
Hiệu quả từ một giải pháp tình thế
Những ngày tháng 7/2021 là quãng thời gian khó quên của mỗi người dân ở những tỉnh, thành phố khu vực phía nam và cả nước.
Ngày 9/7/2021, TPHCM quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khi tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu leo thang không chỉ trong Thành phố mà cả những tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Chưa bao giờ khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước lại rơi vào khó khăn đến vậy.
Thời điểm này, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang bước vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản. Giãn cách xã hội làm hiển hiện nguy cơ việc thu hoạch, sơ chế và vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy. Thiệt hại về kinh tế chưa thể đong đếm được nhưng vấn đề an sinh cũng có thể xảy ra do đứt gãy chuỗi cung ứng nên sẽ có những khu vực của TPHCM xảy ra thiếu lương thực cục bộ.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy tại TPHCM, từ giữa tháng 6/2021 đến nửa đầu tháng 7/2021, giá lương thực tăng 0,46%, giá thực phẩm tăng 0,37% so với tháng trước đó. Ước tính hàng triệu người dân TPHCM sẽ bị ảnh hưởng về lương thực trong giai đoạn giãn cách.
Trước tình hình đó, ngày 18/7/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3149 thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiệndịch COVID-19 (Tổ 970) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng.
Ngay hôm sau, ngày 19/7, Tổ 970 tổ chức họp trực tuyến với các đầu cầu hai miền Nam, Bắc để nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của các địa phương và nghe kiến nghị nhằm có giải pháp tháo gỡ ngay.
Khác với nhiều cuộc họp chính sách khác, nội dung của cuộc họp được các địa phương đi thẳng vào các số liệu về cung-cầu. Ví dụ, TPHCM dự kiến thiếu khoảng 1.500 tấn rau, 400.000 quả trứng. Lâm Đồng đủ khả năng cung ứng khoảng 7.000 tấn rau/ngày. Tây Ninh cung cấp 20.000 tấn rau và 40.000 tấn lúa cho TPHCM…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh những việc cần làm ngay để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản lúc này. Đó là: Theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm. Các tỉnh có 2 nhiệm vụ là phải đảm bảo cung ứng cho địa bàn mình và tiếp tục hỗ trợ cho TPHCM. Bên cạnh đó, các tỉnh cần báo cáo Tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên mắc COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh các tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố và phát triển chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất và lưu thông đang thiếu hụt nên cần phải có giải pháp sớm.
Tiếp sau đó, Tổ 970 đã trực tiếp đến từng điểm nóng về cung ứng và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía nam để nắm bắt tình hình thực tế.
Chỉ sau hơn 1 tháng thành lập, đến ngày 8/9/2021, Tổ 970 đã kết nối và giúp tiêu thụ thành công khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn.
Đặc biệt, Tổ 970 đã tạo được niềm tin của người dân và doanh nghiệp các địa phương chỉ hơn 1 tháng trực tiếp chỉ đạo điều hành với minh chứng rõ ràng khi số lượng đầu mối đăng ký tiêu thụ nông sản qua Tổ đã tăng gần 100 lần. Con số này tăng nhanh trong nửa tháng đầu và đến cuối tháng 7/2021, Tổ 970 đã kết nối được 552 đầu mối và đến giữa tháng 8/2021 là hơn 1.100 nhà cung cấp.
Không có nông sản phải "giải cứu"
Lâu nay người dân và doanh nghiệp thường quen với việc chính sách thường có độ trễ so với thực tế. Tuy nhiên, câu chuyện hoạt động của Tổ 970 đã khiến người ta phải xem xét lại quan điểm này.
Điều đặc biệt của tiêu thụ nông sản mùa dịch lúc đó tại TPHCM là không hề nghe đến cụm từ quen thuộc "giải cứu nông sản" dù đang chính vụ thu hoạch và khó khăn bủa vây do lưu thông bị hạn chế.
Góp sức cho hoạt động này có thể kể đến sáng kiến mở các gói combo nông sản đồng giá đã giúp nông sản tiêu thụ nhanh chóng hơn cả ở những phân khúc bán lẻ (cho cá nhân) và dạng bán buôn (combo lớn cho tập thể). Từng combo nông sản được đưa tận tay người dân TPHCM đã giúp phần nào ổn định cuộc sống của người dân trong đại dịch.
Không những vậy, chính người sản xuất cũng nhanh chóng hòa nhịp với cách làm mới này. Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết nhờ phối hợp với Tổ công tác 970, chỉ sau hơn 1 tháng, bà con trong tỉnh đã biết tạo combo chào hàng để cung ứng lương thực, thực phẩm cho TPHCM.
Trong thời gian ngắn này, Tiền Giang đã có hơn 70 HTX, cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký kết nối tiêu thụ nông sản. Các loại nông sản của Tiền Giang đã được kết nối tiêu thụ rất đa dạng như: Rau củ quả các loại, gà, vịt, lợn, trứng, trái cây các loại….
Sau hàng loạt cuộc họp phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ cho từng vườn xoài, vựa cá cùa từng địa phương bằng những câu chuyện rất cụ thể về giấy thông hành, nơi nào bán, nơi nào mua có địa chỉ rõ ràng, Tổ 970 cũng đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo điều hành ổn định sản xuất. Chẳng hạn, vào chính vụ thu hoạch lúa tại ĐBSCL, Tổ đã hỗ trợ 13 tỉnh trong khu vực thu hoạch lúa với sản lượng 16,86 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Chia sẻ sau những chuyến công tác thực tế tại vùng dịch phía nam thời gian đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng giải pháp tình thế tuy đạt được những hiệu quả nhất định nhưng tới đây, việc tái sản xuất có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Nam nhấn mạnh: "Hiện nay, nhiều người dân lo lắng về vấn đề khôi phục sản xuất, nhất là lo thiếu cây con giống, vật tư đầu vào nên cần có chính sách để đẩy mạnh sản xuất trên toàn quốc".
Không để đứt gãy mô hình kết nối tiêu thụ nông sản, sau giai đoạn dịch căng thẳng tại TPHCM, Tổ 970 tiếp tục mở các phiên kết nối tiêu thụ nông sản hằng tuần trực tuyến. Thông qua các phiên giao dịch, không chỉ các địa chỉ cung-cầu được kết nối mà việc có mặt cơ quan quản lý là lãnh đạo Bộ NN&PTNT tham dự cũng khiến những vấn đề trong chính sách ngành được doanh nghiệp và các địa phương kiến nghị cụ thể.
Nhìn nhận hoạt động của Tổ công tác 970, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tổng kết: "Các địa phương có tổ công tác về kết nối thị trường từ các Sở NN&PTNT thì việc sản xuất và phân phối nông sản đều rất hiệu quả trong mùa dịch. Đặc biệt, nông sản của các HTX đã có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn an toàn thì ít gặp rủi ro hơn trong đại dịch".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhìn nhận hiệu quả cao của Tổ 970 do phát huy được khả năng làm việc nhóm dựa trên năng lực và sở trường của từng thành viên. Với cách làm này, nhiệt huyết của mỗi người đã được khơi dậy và tạo thành hiệu quả chung rất cao trong công việc.
(Theo baochinhphu.vn)
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202201/to-970-hanh-dong-vi-nong-san-viet-943608/