'Tổ ấm' ở Chiềng On
Trời chập choạng tối, cô Huệ và thầy Hải ăn vội bữa cơm chiều đạm bạc với giáo viên ở điểm bản Đin Chí. Dọn dẹp xong, họ chỉ kịp chuẩn bị cho giờ lên lớp đặc biệt...
“Thanh xuân” dành trọn cho Nà Cài
Trường Tiểu học Nà Cài nằm trên ngọn đồi cao lộng gió và là điểm xa nhất của xã Chiềng On (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Từ đây có thể nhìn sang nước bạn Lào, ẩn hiện sau làn sương mờ từ dãy núi phía xa. 17 năm về trước, có đôi vợ chồng giáo viên trẻ được phân công về đây giảng dạy. Đó là thầy Nguyễn Duy Hải và cô Phạm Thị Huệ.
Nhớ về những ngày đầu nhận công tác, cô Huệ tâm sự: “Ngày ấy ở đây toàn đường mòn. Trời nắng còn đỡ chứ mưa xuống có khi phải vừa đi bộ vừa dắt xe, nửa ngày mới đến lớp. Đi lại vất vả nên có khi cả tháng hai vợ chồng mới về nhà một lần. Trên điểm trường còn khó khăn nữa. Nhà ở giáo viên không có, chúng tôi tranh thủ lấy bàn của học sinh làm chỗ ngủ”.
Theo tính toán, thì thời gian cô Huệ công tác ở vùng biên là 20 năm. Nhưng gắn bó với Nà Cải thì từ năm 2003, khi cả cô và thầy Hải cùng có nguyện vọng xin chuyển công tác về gần nhau.
Hành trình “gieo chữ” cho học sinh vùng cao chưa bao giờ là đơn giản, nhưng điều thiệt thòi nhất mà cô Huệ luôn khát khao có được là những bữa cơm sum vầy, hạnh phúc bên gia đình.
Cô tâm sự, ngày khó khăn, vất vả nhất là lúc hai vợ chồng chưa về cùng trường. Khi ấy, cô dạy ở Trường Tiểu học Chiềng On, còn thầy Hải đang công tác ở huyện Sông Mã.
“Năm 2001 tôi sinh cháu Kiều Anh, không thể xa con nên tôi mang theo cháu vào trường. Lúc ấy vẫn ở nhà dựng tạm, rau cháo mẹ con có nhau, có khi hơn tháng mới về nhà. Nghĩ lại cực lắm, mà không hiểu sao mình vượt qua. Đến năm 2015 tôi sinh cháu Dũng thì hai vợ chồng công tác cùng một nơi nên anh đỡ đần tôi được nhiều”, cô Huệ nhớ lại.
Giờ con đã lớn, công việc cũng vất vả sớm hôm nên anh chị gửi con về cho ông bà chăm giúp. Thế là mỗi lần nghe tin con ốm, con đau anh chị lại “thắt ruột”. Nhiều lần, về đến nhà rồi mới biết con ốm, vì điện thoại không liên lạc được. “Thương con lắm mà chẳng biết làm thế nào. Mỗi lần có chuyện thì hai vợ chồng cũng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng”, thầy Hải nói.
Gác lại câu chuyện về những đứa con thiệt thòi, thầy Hải lại say sưa kể về tình cảm với học sinh, phụ huynh như để lý giải cho lý do vì sao họ dành cả thanh xuân ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này.
“Ở đây, học sinh đi học đầy đủ lắm, trừ lúc ốm đau thì ngày nào các cháu cũng đến lớp. Phụ huynh lại nhiệt tình và quý giáo viên. Có cúng giỗ hay dịp lễ gì là nhất mực phải mời bằng được thầy cô đến dự. Rồi rau củ nhà trồng được mang cho thầy cô. Cũng có nhiều người hỏi tôi có muốn chuyển về gần nhà không. Nói thật, gần con ai mà không thích. Nhưng càng sống ở đây, thấy dân khổ thì tôi lại càng muốn ở lại để giúp đỡ họ. Giờ với tôi, ở đâu cũng là nhà”.
Còn với cô Huệ, thì còn sức khỏe cô vẫn muốn tiếp tục gắn bó với vùng biên. Gần 20 năm dạy học ở Nà Cài, nhiều gia đình cô Huệ dạy cả hai thế hệ, trước là bố mẹ, giờ lại dạy con. “Nhìn cuộc sống người dân ngày càng ổn định, vùng đất này ngày càng phát triển, chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu”, cô Huệ nói.
Giờ học đặc biệt
Tháng 11 ở vùng cao thời tiết đã chuyển đông. Những cơn mưa rả rích đầu mùa càng làm cho cái lạnh thêm rõ nét. Trời chập choạng tối, cô Huệ và thầy Hải ăn vội bữa cơm chiều đạm bạc với giáo viên ở bản Đin Chí – nơi họ nhận nhiệm vụ năm học này. Dọn dẹp xong xuôi, hai vợ chồng chỉ kịp chuẩn bị cho giờ lên lớp đặc biệt.
Bản Đin Chí cách Trường Tiểu học Nà Cài chừng 4,5 cây số. Điểm trường này có 4 lớp học. Thầy Hải phụ trách dạy lớp 5, cô Huệ dạy lớp ghép 1+3. Tối đến, 2 vợ chồng họ lại lên đường, đi theo ánh đèn le lói từ những ngôi nhà phía xa để đến với học sinh.
“Chúng tôi ở trường một tuần mới về nhà một lần. Mỗi tuần 3 buổi (từ thứ 2 – 5) tranh thủ buổi tối đến nhà bồi dưỡng thêm cho học sinh. Với những em học chậm sẽ ôn lại kiến thức cũ; nếu học sinh đã hiểu kiến thức cơ bản thì giao bài tập nâng cao hơn. Năm học này, tôi phụ trách lớp 5 nên càng phải quan tâm sát sao hơn”, thầy Hải bộc bạch.
Cũng theo thầy Hải, các trường học tại huyện Yên Châu đều tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh vào buổi chiều. Nhưng với giáo viên cắm bản thì cả ngày phải lên lớp, nên phải tranh thủ thời gian buổi tối để bổ sung kiến thức cho các em.
Mỗi buổi đi như thế, thường đến gần 21 giờ mới kết thúc. Sau đó, thầy Hải mới dành thời gian để soạn giáo án và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. “Ngày nào cũng khoảng 23 giờ tôi mới nghỉ. Nhưng đi nhiều thành quen, hôm nào có việc đột xuất không đi được là lại thấy bồn chồn”, thầy Hải giãi bày.
Còn với cô Huệ, năm học này vất vả “nhân đôi” khi phải dạy song song hai chương trình. Tuy nhiên, để giúp học sinh tiến bộ hơn cô Huệ vẫn không bỏ qua các giờ học đặc biệt buổi tối.
“Những năm trước tôi phụ trách dạy một lớp thôi thì hầu như tối nào cũng đến nhà học sinh để hướng dẫn. Năm nay dạy lớp ghép, phải soạn hai giáo án, giảng dạy hai chương trình nên không thường xuyên đi được. Chủ yếu là tranh thủ đi kiểm tra bài tập và bồi dưỡng một số em yếu”, cô Huệ chia sẻ.
“Thầy Hải hay đến tận nhà để hướng dẫn bài cho em, có tuần thầy đến 3 lần. Phần nào chưa hiểu trên lớp là em hỏi thầy luôn. Được thầy giải thích, chỉ bảo riêng thì em hiểu bài hơn. Em rất quý thầy”, em Giàng A Vinh, học sinh lớp 5 điểm bản Đin Chí cho hay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/to-am-o-chieng-on-IPVbzVTng.html