Tờ báo in trong hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đồng bào người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn thường chuyền tay nhau tờ báo Công Nhân (tiền thân của tờ Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn ngày nay) với nhiều bài báo yêu nước, kêu gọi nhân dân xuống đường tranh đấu, ủng hộ cách mạng. Ít ai ngờ, tờ báo ấy lại ra đời ngay trong lòng sào huyệt địch, ngay trong căn hầm bí mật...

Dưới vỏ bọc của một xưởng may

Nhằm tạo vỏ bọc an toàn cho hoạt động biên tập, in ấn và phát hành báo Công Nhân, ngôi nhà số 341/10 Gia Phú, phường 1, quận 6 được tổ in thuộc Ban Tuyên huấn Hoa vận, Ðặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Ðịnh chọn để biến thành xưởng may gia đình. Bởi căn nhà có một trệt, một lầu, mái ngói cổ có đèn lồng treo cao theo kiểu điển hình của các gia đình người Hoa. Phần nữa, chỉ có xưởng may mới có tiếng ồn tương đồng, át đi tiếng máy in.

Trước đó, nơi hoạt động của tổ in là căn nhà số 81 Gò Công, quận 6. Ðến năm 1965, cơ sở này bị lộ, tổ in phải tức tốc dời sang căn nhà 341/10 Gia Phú và cho ra đời tờ Công Nhân - tờ báo được xem như cơ quan ngôn luận chính thức của người Hoa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng lân cận.

Tổ in được thành lập năm 1962 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lâm Tư Quang, Phó Trưởng Ban Hoa vận, Trưởng Ban Tuyên huấn Hoa vận. Khi dời sang cơ sở mới, khoảng 8 đồng chí được phân vai anh em, bà con, chú bác một nhà, ngày ngày may quần áo để giao cho người mua ở ngoại thành. Vì cần hai người đóng vai vợ chồng chủ xưởng may, đồng chí Lâm Cúc, Bí thư Chi bộ tổ in cho bổ sung thêm người. Ðó là đồng chí Hứa Hòa Căn và Trịnh Huệ Ái. 7 người còn lại của tổ in đảm nhiệm khâu làm báo trong hầm bí mật.

Ðêm đến, khi xưởng may vẫn hoạt động hết công suất, họ hì hục đào 3 căn hầm. Hai hầm nhỏ dùng để giấu máy in và tài liệu. Một hầm lớn được bố trí chỉ 4 đồng chí thay phiên nhau xếp chữ. Mỗi lần anh em xuống hầm phải dùng bột trắng rải lên nắp để ngụy trang. Ðất đào xong là đất mới nên rất dễ bị phát hiện nếu đem đi đổ. Các đồng chí nhanh trí dùng đất đó làm bồn hoa trồng cây trước nhà để địch không nghi ngờ. Riêng ba ống thông hơi thì được che giấu bằng lu hứng nước mưa sau nhà.

Ðồng chí Trần Mỹ Hương và Mã Hán Chương in báo năm 1965.

Ðồng chí Trần Mỹ Hương và Mã Hán Chương in báo năm 1965.

Với vai trò là tổ trưởng tổ in, hàng ngày, đồng chí Trần Khai Nguyên thu thập các tin tức chiến sự, tình hình chính trị trên đài phát thanh và chỉ thị của cấp trên rồi biên tập lại để các đồng chí khác xếp chữ. Báo Công Nhân thường có ba nội dung chính gồm: Tuyên truyền các chính sách, đường lối của Ðảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…; Tường thuật và đánh giá về tin tức chiến sự; cổ vũ, kêu gọi những người yêu nước ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, lên án tội ác dã man của Mỹ - ngụy. Mỗi số báo in khoảng 1.000 tờ và được những người ủng hộ cách mạng chuyền tay, sao chép lại để tỏa đi khắp vùng Sài Gòn – Gia Ðịnh.

Những trang báo thấm máu đào

Bây giờ, các thành viên thuộc tổ in năm xưa đều đã mất. Người hy sinh dưới đòn thù của địch, người vì tuổi cao sức yếu. Nhưng câu chuyện về ngôi nhà có căn hầm bí mật in báo vẫn được lưu truyền qua những bậc cao tuổi người Hoa. Mỗi buổi họp mặt truyền thống, câu chuyện ấy vẫn được họ kể đầy tự hào, xúc động với thế hệ thanh niên hôm nay. Hoạt động trong lòng địch khốc liệt nên không phải lúc nào các số báo cũng phát hành đều đặn. Tùy theo tình hình chiến sự và sự lãnh đạo của cấp trên, có khi hai, ba tháng, tổ in mới ra một số.

Một trang báo Công Nhân.

Một trang báo Công Nhân.

Ông Lâm Kiều, một công nhân người Hoa từng đình công, đấu tranh chính trị trong các xí nghiệp ở Sài Gòn bảo rằng, ngày ấy báo Công Nhân được đồng bào, công nhân người Hoa coi như nguồn sáng soi đường, tiếp sức cho họ đấu tranh, nêu cao ý chí cách mạng.

Suốt 10 năm tồn tại, cơ sở trên đường Gia Phú chưa hề bị lộ. Lòng dân và tinh thần quả cảm, mưu trí đối phó của các chiến sĩ góp phần giúp cơ sở tồn tại đến ngày đất nước thống nhất. Trong tổ in, chỉ duy nhất đồng chí Lâm Cúc được phép ra ngoài giao hàng và gây dựng hệ thống giao liên dày đặc khắp nội thành. Giao liên đóng vai người giao vải, buôn quần áo và cũng chỉ nhận hàng ở nơi khác chứ không giao dịch ngay xưởng may nhằm tránh bị lộ cơ sở.

Sở dĩ chỉ duy nhất đồng chí Lâm Cúc được ra ngoài giao hàng vì chị không bị bọn mật thám chú ý. Riêng các thành viên hoạt động trong hầm bí mật như đồng chí Trần Khai Nguyên luôn phải chú ý từng đường đi nước bước và hiếm khi lộ diện. Ngày còn là công nhân của nhà máy Dệt Việt - Mỹ, Trần Khai Nguyên được coi là lá cờ đầu trong phong trào đấu tranh của công nhân người Hoa. Những cuộc đình công đòi tăng lương, cải thiện đời sống và chống sa thải… ở xí nghiệp này, Trần Khai Nguyên luôn là thủ lĩnh. Do đó, người chiến sĩ kiên trung này luôn nằm trong danh sách đen của địch.

Các thành viên tổ in của Ban Tuyên huấn Hoa vận.

Các thành viên tổ in của Ban Tuyên huấn Hoa vận.

Năm 1967, nhiệm vụ khẩn của cấp trên buộc đồng chí Trần Khai Nguyên phải mạo hiểm vào nội đô. Dù cải trang, nhưng anh không qua mắt được bọn mật thám, chỉ điểm. Ông Lâm Kiều ngân ngấn nước mắt: “Những người bạn tù ở gần buồng Khai Nguyên vẫn nhớ như in tiếng roi vụt, tiếng quát tháo của bọn cai ngục và tiếng xèo xèo của sắt nung dí vào da thịt. Nhưng họ không hề nghe thấy tiếng rên rỉ, kêu la hay câu nói nào của Khai Nguyên. Những câu tra khảo của bọn địch đều rơi vào thinh lặng đáng sợ. Người chiến sĩ ấy quả thật anh hùng, quật cường khiến chúng tôi phải nghiêng mình kính ngưỡng”.

Sau mất mát to lớn đó, đến lượt đồng chí Lý Cảnh Hớn ngã xuống khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Anh bị bắt nhưng không khai nên bị địch bắn chết tại bót Bà Hòa (góc đường Dương Tử Giang - Hùng Vương).

Hai đồng chí hy sinh buộc tổ in phải chia làm hai, một tổ dời về số 514/6 Hàm Tử, quận 5 để tránh tai mắt của địch. Báo Công Nhân đổi tên thành báo Giải Phóng. Sau ngày 30-4-1975, báo Giải Phóng tiếng Hoa xuất bản số đặc biệt chào mừng ngày đất nước thống nhất và kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Ðây cũng là số cuối cùng của tờ Công Nhân.

Sau ngày 19-5-1975, báo cùng với tờ Giải Phóng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được giao lại cho Thành ủy để trở thành tờ Sài Gòn Giải Phóng ngày nay. Và tờ Giải Phóng Hoa văn trở thành tờ Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn.

Nay ngôi nhà số 341/10 Gia Phú trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2013, ngôi nhà được trùng tu để hàng ngày đón du khách và lớp trẻ đến tham quan, tìm hiểu về một tờ báo cách mạng ra đời trong lòng địch.

Bên cạnh chân dung các thành viên tổ in, ngôi nhà hiện nay còn trưng bày nhiều tờ báo với kích thước A4 được in song ngữ Hoa – Việt. Đáng chú ý nhất là bản di chúc của Bác Hồ được in trang trọng kèm hình trang trí, minh họa sinh động. Dù in trong hầm thiếu thốn ánh sáng, chật hẹp, tổ in vẫn đầu tư cho trang báo bắt mắt, dễ đọc. Loại giấy vấn thuốc hảo hạng có độ dai, mỏng nhẹ được làm giấy in vì mực in thấm nhanh, lại không lem.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/db-to-bao-in-trong-ham-bi-mat-giua-long-sai-gon-549865/