Tố cáo bất chính, hiện ra...người liêm chính?
Vì sao hành vi của PGS.TS Đinh Công Hướng theo khái niệm 'liêm chính khoa học' có thể bị coi là có hành vi giả mạo, gây nhầm lẫn với và động cơ vụ lợi nhưng lại nhận được sự chia sẻ của số đông?
PGS.TS Đinh Công Hướng (giảng viên ĐH Công nghiệp TP.HCM) vừa có đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành Toán, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) sau khi có người viết đơn phản ánh ông vi phạm liêm chính khoa học.
Giãi bày với báo chí, thầy Hướng cho biết ông áy náy vì việc làm của mình ảnh hưởng đến uy tín tổ chức, những nghi ngờ về sự liêm chính của ông có thể ảnh hưởng đến năng lực tập hợp tinh hoa khoa học của NAFOSTED.
Thầy Hướng vi phạm liêm chính chỗ nào?
Theo PGS.TS Đinh Công Hướng, trong thời gian công tác ở Đại học Quy Nhơn, ông đã bán công trình nghiên cứu (thực chất là phối hợp nghiên cứu và được trả thù lao) cho một số trường đại học.
Thầy Hướng "bán" sau khi đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ nghiên cứu với ĐH Quy Nhơn; sau khi đã thừa hàng ngàn giờ nghiên cứu so với định mức; công trình "bán" này, thầy tự mình nghiên cứu, không dùng phòng LAB của ĐH Quy Nhơn, không dùng cơ sở vật chất được tài trợ; và ĐH Quy Nhơn không cấm việc nhà khoa học thuộc biên chế của mình cộng tác nghiên cứu hưởng thù lao từ cơ sở đào tạo hoặc tổ chức khác.
Về lý do "bán" chất xám, thầy Hướng cho biết mình cần tiền lo cho gia đình; muốn công trình nghiên cứu của mình có ích; và một điều đáng trọng: Cảm giác hạnh phúc hoàn thành công trình mà vì nó mình phải lao tâm khổ tứ nghiên cứu.
Vậy thì thầy ấy có sai không?
Chúng ta chỉ có thể nói một người đúng hay sai, khi đã thống nhất định nghĩa như thế nào là đúng. Thiếu đi sự quy chiếu và sự đồng thuận về nguồn quy chiếu ấy, mọi lên án đều là nhân danh và cảm tính.
Cho đến nay, "liêm chính khoa học" là một khái niệm ít được đề cập đối với số đông, do đặc thù khoa học của nó, chỉ một số người quan tâm và một số rất ít người có năng lực, vị trí để bị coi là vi phạm.
Về chế định luật thì nó được thể chế hóa một cách rất sơ sài, chủ yếu dành quyền quy định cho đơn vị khoa học. Ưu điểm là nó tạo ra sự chủ động và tự chịu trách nhiệm của các trường Đại học và tổ chức nghiên cứu khoa học. Nhược điểm là nó không đưa ra được các quy chuẩn rõ ràng, định lượng để xác định hành vi vi phạm.
PGS.TS Hướng "vi phạm liêm chính học thuật" ra sao?
Ý kiến trong giới khoa học cho rằng hành vi của thầy Hướng "tiêu biểu từ khi biểu hiện liêm chính khoa học bị phê phán nghiêm trọng do việc mua bán bài báo quốc tế cho các đại học mới nổi".
Có nghĩa là, khi đang là giảng viên ĐH Quy Nhơn, thầy Hướng có hàng chục công trình ghi tên mình và ở dưới ghi tên một trường ĐH khác. Trong đó có 13 công trình đứng tên Trường đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng địa chỉ của Trường đại học Thủ Dầu Một. Điều này có thể khiến công chúng và giới khoa học đánh giá sai năng lực nghiên cứu khoa học của những trường này.
Và lý do như thầy giải thích: Tôi làm vậy để kiếm tiền
Hiểu theo khái niệm này, hành vi của thầy Hướng có thể bị xem là vi phạm liêm chính khoa học khi có yếu tố giả mạo (không phải là giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng và Thủ Dầu Một nhưng đứng tên dưới bài với tư cách giảng viên 2 trường này); gây nhầm lẫn (khiến người khác đánh giá sai năng lực nghiên cứu khoa học của 2 trường trên); vì yếu tố vụ lợi.
Thế nhưng, thầy Hướng vẫn được nhận được sự sẻ chia lớn từ cộng đồng. Bắt nguồn từ những điều chân thành mà ông chia sẻ:
"Đời mình lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Mình được như thế này, chỉ mong muốn đời con mình sẽ cải thiện. Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống”.
Thầy Hướng đã "tự xử" bằng cách xin rút tên khỏi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Tuy nhiên câu chuyện của ông để lại những cảm thông và xót xa.
Còn về mặt pháp lý?
Pháp lý thì rất khó để buộc thầy Hướng. Cho đến nay "Liêm chính khoa học" tại Việt Nam chỉ được quy định tại văn bản cao nhất là nghị định. Cụ thể Điều 20 Nghị định 109/2022 của Chính phủ quy định:
"Cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.
Cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo."
Cụ thể hóa nghị định này đối với cơ sở đào tạo Đại học, không phải là thông tư, mà là một công văn của 2 Bộ KHĐT và KHCNMT. Đó là công văn 1546/BGDĐT-KHCNMT về Nghiên cứu Khoa học trong các trường đại học, quy định:
Về liêm chính học thuật: Tự chịu trách nhiệm về liêm chính khoa học trong các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của giảng viên và người học theo quy định tại Điều 20, khoản 8 Điều 31 Nghị định 109.
Với tư cách là thành viên Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), thầy Hướng chịu điều chỉnh bởi Quyết định số 10/QĐ-NAFOSTED.
Tuy nhiên tất cả các văn bản trên đều được ban hành trong hai năm 2022, 2023. Nếu hành vi của thầy Hướng diễn ra trước đó, khi thầy còn dạy ĐH Quy Nhơn thì không chịu sự điều chỉnh, không vi phạm 3 văn bản vừa nêu.
Và xót xa nhất ở chỗ, ngoài việc có thể gây nhầm lẫn năng lực nghiên cứu khoa học của những nơi đã mua công trình của thầy, thì những gì thầy bán là của mình. Không trộm cắp, miệt mài lao động, hiệu quả lao động được thừa nhận là hữu ích; không sử dụng tài nguyên hoặc cơ sở vật chất của đơn vị nơi mình đang công tác để thực hiện công trình cho nơi khác...
Tất cả những điều đó, cộng với sự chân thành và áy náy của ông, lại là những biểu hiện khiến số đông nghĩ về một người liêm chính.
Nguồn PLO: https://plo.vn/to-cao-bat-chinh-hien-ranguoi-liem-chinh-post759924.html