Tổ chức chương trình giáo dục định hướng cho lao động có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc
Trong tháng 7, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sẽ tổ chức chương trình giáo dục định hướng cho người lao động có nguyện vọng thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp Hàn Quốc theo kế hoạch phái cử người lao động sang Hàn Quốc làm việc năm 2023.
Quang cảnh một buổi đào tạo cho người lao động có nguyện vọng đi lao động nước ngoài.
Theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, căn cứ kế hoạch tiếp nhận của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực (HRD) Hàn Quốc, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tổ chức chương trình giáo dục định hướng này từ ngày 3 đến 17-7, tại cơ sở đào tạo của trung tâm, nằm trong khuôn viên Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lao động Sona (thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Thời gian làm thủ tục nhập học vào chiều 2-7.
Chương trình giáo dục định hướng này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ người lao động hiểu rõ các quy định pháp luật của Hàn Quốc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại nước này theo chương trình phái cử, đồng thời, cung cấp thông tin giúp người lao động hình dung rõ quy trình làm việc, sinh hoạt khi chính thức thực hiện hợp đồng làm việc cho các doanh nghiệp tại Hàn Quốc. Thông qua chương trình giáo dục định hướng, Trung tâm Lao động ngoài nước khẳng định trách nhiệm trong việc làm tốt công tác chuẩn bị cho người lao động trước khi sang nước bạn thực hiện hợp đồng, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động hủy ngang hợp đồng; hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không tự nguyện về nước.
Để đủ điều kiện tham gia khóa học, 180 người lao động có tên trong danh sách người lao động có nguyện vọng thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp Hàn Quốc theo kế hoạch phái cử người lao động sang Hàn Quốc làm việc năm 2023 phải thực hiện một số yêu cầu, bao gồm: Thực hiện các thủ tục cần thiết, xác nhận nguyện vọng thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp Hàn Quốc và hoàn thành nghĩa vụ tài chính (nộp chi phí phái cử bằng khoản tiền Việt Nam tương đương 630 USD, chi phí hành chính xin cấp visa 390.000 đồng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển) để xác nhận nguyện vọng thực hiện hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc; Khi đến tập trung tham dự khóa giáo dục định hướng, người lao động cần nộp học phí bổ túc tiếng Hàn...
Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Sau 30 năm hợp tác về lao động, tính đến ngày 19-6-2023, Việt Nam đã phái cử hơn 5.423 lao động sang Hàn Quốc và dự kiến cả năm 2023, phấn đấu đạt mục tiêu 10.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện, có hơn 33.500 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.