Tổ chức đám cưới trên hè phố có bị xử phạt?
Dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng, lề đường khiến cho xe cộ đi lại khó khăn. Nhưng người dân nên biết một số trường hợp được sử dụng lề đường để không bị xử phạt.
Thời gian gần đây, những hình ảnh về một đám cưới được tổ chức lấn gần hết phần đường đi lại của xe cộ đang gây bức xúc cho nhiều người. Chưa kể đến, phái trước phần dựng rạp cưới, chủ nhà còn để tấm biển “Nhà có việc, cấm ô tô đi qua lại”, trong khi đó đây là phần đường cũng nhiều xe ô tô đi lại.
Trên thực tế, những sự việc lấn đường làm “của riêng” như thế này khá nhiều. Người dân có thể sẽ dựng rạp, phơi lúa hay phơi một loại sản phẩm khá nhiều. Do đó, nhiều bác tài cũng đã quá quen thuộc và bình tĩnh tìm đường khác để đi. Tuy nhiên, ở đây câu thông báo khiến nhiều người thấy không hợp lý.
Bình luận trên một nhóm mạng xã hội, anh Trần Phương Mai cho rằng: “Rất bất bình các thể loại này, nhiều nhà đường rộng có thể chừa chỗ xe máy đi qua nhưng một số nơi dựng rạp kín đường luôn, buộc phải quay xe đi hướng khác (xe máy, xe đạp cũng không thể đi qua).”
Anh Quốc Huy cũng cho rằng: “Có thể chủ nhà cũng có ý xin thông cảm, nhưng chắc là viết vội nên chưa diễn đạt hết ý nghĩa thôi. Người nông thôn họ thật thà nên diễn tả chưa đúng ý, các bác tài cũng nên thông cảm và tìm đường khác để đi.”
Bên cạnh đó thì cũng có một số ý kiến phản biện ý kiến trên, thông thường ở nông thôn mà tổ chức cũng không lấn đường như thế này. Ít nhất sẽ có 2 người đứng 2 đầu phân luồng hoặc cảm ơn.
Một bình luận khác của anh Phạm Văn Cường: “Ở đây còn có lối đi bên cạnh, nhiều nhà làm hết lối đi nhưng không để biển cảnh báo đầu đường, nhiều người không biết đi vô lại phải đầu quay lại. Đã chiếm dụng đường của xã hội nhưng nên có một câu thông báo “mát lòng” cho người đi xe”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Tuấn cho biết: “Vẫn là dựng rạp nhưng để chữ "vui lòng đi lối khác, cám ơn" thì người ta thông cảm ngay”.
Dù vậy, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp cấm dựng rạp đình đám ngoài đường, vì nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt vào trời tối.
Theo khoản 5 Điều 12 Nghị định số 100/2019, quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này;
b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;
c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;
d) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.”
Ngoài việc xử phạt hành chính, hành vi dựng lều, rạp để tổ chức đám cưới, đám ma... lấn chiếm lòng lề người, người vi phạm còn phải dùng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm d khoản 10 Điều 12 Nghị định số số 100/2019: “buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.”
Sử dụng lề đường như thế nào để không bị xử phạt?
Trong một số trường hợp cho phép, việc sử dụng đường phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Cụ thể, việc sử dụng phần hè phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp sau:
“1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.”
Đối với trường hợp sử dụng hè phố thuộc các trường hợp đám cưới, đám tang thuộc điểm b, c khoản 2 được trích dẫn nêu trên, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp còn lại quy định tại các điểm a, d, đ khoản 2 thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.
Nguồn PLO: https://plo.vn/to-chuc-dam-cuoi-tren-he-pho-co-bi-xu-phat-post690887.html