Tổ chức nào đã ký hợp đồng với Công ty Pháp Việt?

Theo cáo trạng, Trần Văn Châu núp bóng công ty luật ký hàng loạt hợp đồng đòi nợ thuê với nhiều tổ chức ngân hàng, công ty tài chính để hưởng lợi từ 18% - 50% trên tổng số tiền thu hồi được.

Ngày 7/8, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử bị cáo Trần Văn Châu (SN 1980, ngụ TPHCM) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987, ngụ TPHCM) cùng là Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) và 99 bị cáo khác là nhân viên của công ty này về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Đây là vụ án có số bị cáo lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Tiền Giang. HĐXX đã triệu tập 111 bị cáo, 91 bị hại là các cá nhân, tổ chức và gần 30 Luật sư tham gia bào chữa.

Phiên tòa được xét xử lưu động tại Nhà thiếu nhi tỉnh Tiền Giang, dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 6 đến 30/8. Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động gần 150 cán bộ, chiến sĩ tham gia đảm bảo an toàn.

Quang cảnh phiên tòa.

Quang cảnh phiên tòa.

Sau phần thẩm tra lý lịch, VKSND tỉnh Tiền Giang công bố cáo trạng, trước khi vào phần xét xử, các Luật sư bào chữa nêu, vụ án có đến 172.629 người vay đã bị Công ty Pháp Việt thu hồi nợ, nhưng số bị hại vắng mặt tại phiên tòa rất lớn.

Sự vắng mặt của bị hại có thể ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của họ và các bị cáo nên Luật sư yêu cầu được triệu tập đầy đủ các bị hại.

HĐXX cho rằng, tất cả các bị hại đã có lời khai rõ ràng và đã có đơn xin phép vắng mặt tại các phiên xét xử, nhận thấy việc vắng mặt của các bị hại không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và bị cáo, nên phiên tòa được tiếp tục.

Các bị cáo khai báo lý lịch tại phiên tòa.

Các bị cáo khai báo lý lịch tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, đến tháng 7/2020, Châu biết Luật Đầu tư năm 2020 cấm đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngày 01/01/2021, nên liên hệ chuyển nhượng lại Giấy phép đăng ký kinh doanh Công ty Luật TNHH Pháp Việt (địa chỉ quận Tân Bình, TPHCM) nhằm núp bóng công ty luật để thực hiện việc thu hồi nợ.

Sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép, Châu và Hùng đã lợi dụng danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép “tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật” để tổ chức hoạt động thu hồi nợ.

Khi đã có Công ty Pháp Việt, Châu và Hùng tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với 7 ngân hàng và công ty tài chính gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPbank) ngày 10/3/2021; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit); Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Việt Nam Jaccs (JIVF); Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan); Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) và Công ty TNHH mua bán nợ Quốc tế Việt Nam (VID).

Các luật sư bào chữa tại phiên tòa.

Các luật sư bào chữa tại phiên tòa.

Theo thỏa thuận, Công ty Pháp Việt sẽ được các công ty tài chính, ngân hàng trích từ 18% - 50% trên tổng số tiền đã thu hồi được (tùy thuộc vào thời gian nợ xấu của người vay được thể hiện trong từng hợp đồng vay).

Để thực hiện việc thu hồi nợ, Châu và Hùng đã thuê 579 nhân viên đa số các ứng viên cơ bản phải có trình độ học vấn lớp 12, có khả năng giao tiếp lưu loát và chia thành 20 nhóm, mỗi nhóm được bổ nhiệm 1 trưởng nhóm.

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2020 đến nay, Công ty Pháp Việt đã đe dọa, uy hiếp và thu hồi nợ từ 172.629 người vay.

Thông qua các hợp đồng đã ký kết với các công ty tài chính và ngân hàng, Công ty Pháp Việt đã thu hồi nợ được với tổng số tiền là hơn 456 tỉ đồng, được chi trả tổng số tiền là hơn 168 tỉ đồng. Từ việc thu hồi nợ, Châu được hưởng 15 tỉ đồng, Hùng được hưởng 12 tỉ đồng.

Phú Nguyễn

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/to-chuc-nao-da-ky-hop-dong-voi-cong-ty-phap-viet-443371.html