Tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến công khai đầu tiên tại TPHCM
Trong sáng 22-3, cả 4 phiên xét xử công khai theo hình thức trực tuyến ở TP.Thủ Đức, TPHCM diễn ra suôn sẻ, đúng các quy định của pháp luật.
Việc Tòa án nhân dân (TAND) TP.Thủ Đức áp dụng phương thức mới không ảnh hưởng tới chất lượng xét xử, đảm bảo sự thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
4 vụ án hình sự lần đầu được xét xử sơ thẩm trực tuyến gồm: vụ Trần Lâm Bảo Trâm phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; vụ Trương Mạnh Phi phạm tội “Trộm cắp tài sản”; vụ Nguyễn Văn Hải phạm tội “Trộm cắp tài sản”; vụ Phùng Lê Phát phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, do thẩm phán Vũ Thanh Lâm, Phó Chánh án TAND TP.Thủ Đức làm chủ tọa.
Phiên tòa xét xử sáng 22-3 được thực hiện tại 2 đầu cầu. Một điểm cầu tại trụ sở TAND TP.Thủ Đức và điểm cầu thành phần ở nhà tạm giữ của CATP.Thủ Đức (P.Thạnh Mỹ Lợi).
Công tác chuẩn bị được TAND TP.Thủ Đức phối hợp cùng CATP.Thủ Đức từ nhiều ngày trước đó. Một căn phòng đặc biệt bên trong nhà tạm giữ đã được chỉnh trang và lắp đặt các hệ thống nghe, nhìn, thu, phát tín hiệu.
“Việc đảm bảo đường truyền thông suốt chính là nhiệm vụ quan trọng được Ban chỉ huy CATP.Thủ Đức yêu cầu. Dù trong sáng nay, có một vài thời điểm tín hiệu bị trục trặc nhỏ do yếu tố thời tiết nhưng chất lượng phiên xét xử vẫn được đảm bảo ở mức tốt nhất” – một cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp CATP.Thủ Đức cho biết.
Sau khi kết thúc phần xét xử, các bị cáo được Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép nói lời sau cùng, cũng như phản ánh về chất lượng kỹ thuật như hình ảnh, âm thanh.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công an TPHCM, cả 4 bị cáo đều ký xác nhận chất lượng phiên xét xử tốt dù tham dự trực tuyến.
Thẩm phán Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP.Thủ Đức cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp ở Việt Nam.
Trong điều kiện như vậy, đòi hỏi hệ thống Tòa án cũng cần có những giải pháp phù hợp để tăng cường công tác giải quyết các vụ án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Phương án xét xử trực tuyến là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này, giúp tiết giảm chi phí tổ chức, tiết kiệm thời gian cũng như đảm bảo tính khách quan và minh bạch...
Ông Tuấn Anh, thư ký TAND TP.Thủ Đức chia sẻ thêm, để một phiên xét xử trực tuyến như sáng nay được thực hiện tốt, đòi hỏi hệ thống Tòa án cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện.
Trước đó, vào ngày 12-11-2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp ký Thông tư liên số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa; góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.