Tổ chức tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Thanh Xuân vừa báo cáo sơ kết công tác Công đoàn và phong trào Công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) quý I/2024, với nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho CNVCLĐ.
Trong 3 tháng đầu năm, CNVCLĐ quận đã tích cực tham gia các phong trào thi đua mừng Đảng, mừng Xuân và tập trung triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác năm 2024. Dư luận trong CNVCLĐ cũng đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và tổ chức Công đoàn đã chăm lo tốt cho CNVCLĐ, đặc biệt là thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động về lương, thưởng, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo hướng dẫn của LĐLĐ quận Thanh Xuân, tính đến ngày 13/3, đã có 66/66 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC) (đạt 100%) và 129 đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động. Qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ của CBCC,VC, người lao động trong việc tham gia kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Đồng thời phát huy vai trò đại diện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho CNVCLĐ của tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ tại cơ sở, động viên CNVCLĐ đoàn kết nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Bằng nhiều biện pháp, các cấp Công đoàn quận Thanh Xuân tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”. Đến nay đã có 15 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký Thỏa ước lao động tập thể, với nội dung tập trung nâng cao quyền lợi người lao động so với pháp luật quy định như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng; thực hiện chính sách lao động nữ; đảm bảo bữa ăn ca của người lao động…. Trong đó, có 22 đơn vị có giá trị bữa ăn ca với mức trung bình 30 nghìn đồng (cao hơn 10 nghìn đồng) theo Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”.
Nhằm góp phần cho CNVCLĐ có “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, ngay từ những tháng cuối năm 2023, Ban Thường vụ LĐLĐ quận đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công đoàn cơ sở chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ, với phương châm đảm bảo cho công nhân lao động được vui Xuân, đón Tết. Đồng thời tập trung chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tham gia xây dựng phương án trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi trong dịp Tết và sớm công khai cho người lao động biết, góp phần ổn định tư tưởng CNVCLĐ.
LĐLĐ quận Thanh Xuân đã tổ chức tốt chương trình Tết Sum vầy Xuân Giáp Thìn 2024 cấp quận và tham gia Tết Sum vầy, chợ Tết Công đoàn cấp Thành phố; các Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chăm lo về lương, thưởng Tết, hỗ trợ phương tiện về quê đón Tết và trở lại làm việc. Cụ thể, chăm lo, hỗ trợ Tết đến 1.891 đoàn viên, CNVCLĐ, với tổng số tiền là 1,168 tỷ đồng; xét chọn 205 cán bộ, đoàn viên, người lao động tham dự Tết Sum vầy, chợ Tết Công đoàn do LĐLĐ Thành phố tổ chức...
Trong thời gian tới, LĐLĐ quận Thanh Xuân xác định tiếp tục chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tổ chức tốt Hội nghị Người lao động, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4 (trường hợp đặc biệt có khó khăn về sản xuất kinh doanh, quyết toán năm thì không quá ngày 30/6). Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ tại sơ sở.
LĐLĐ quận cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của quận thanh tra, kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đối với người lao động; giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo quận với CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn, chính quyền đồng cấp tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức đối thoại giữa Công đoàn, người lao động với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên và CNVCLĐ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - Nhà nước - người lao động...