Tổ chức WHO khuyến cáo về vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images
* RDIF: AstraZeneca kết hợp Sputnik Light tạo khả năng miễn dịch cao hơn
Lâu nay, giới chuyên gia cho rằng việc tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong việc khống chế đại dịch, do đó, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ cũng luôn được quan tâm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em. Theo đó, trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ ít khẩn cấp hơn so với người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế.
Theo WHO, cần có thêm bằng chứng về việc sử dụng các loại vắc xin ngừa COVID-19 khác nhau ở trẻ em để có thể đưa ra khuyến nghị chung về việc tiêm chủng cho trẻ chống lại COVID-19.
Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO đã xác nhận vắc xin của Pfizer phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ cao có thể tiêm vắc xin này cùng với các nhóm ưu tiên khác.
Các thử nghiệm vắc xin cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị của mình khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ cho thấy có sự thay đổi trong chính sách.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn rất chi tiết về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Theo CDC, mặc dù ít bị mắc COVID-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác. Do đó, CDC khuyến cáo tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên nên tiêm vắc xin để phòng COVID-19.
CDC khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả. Tiêm vắc xin có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng.
Trẻ em trên 12 tuổi nhận liều lượng vắc xin của Pfizer giống như người lớn (không thay đổi theo trọng lượng). Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.
CDC khuyến cáo trước khi đưa trẻ đi tiêm, người giám hộ nên tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước, trong và sau tiêm. Bên cạnh đó, cũng cần chia sẻ với trẻ về việc tiêm chủng; thông báo với bác sỹ về các loại dị ứng của trẻ (nếu có).
Trong vòng 15-30 phút sau tiêm, cần quan sát trẻ con có gặp phản ứng nghiêm trọng nào hay không. Các tác dụng phụ có thể gặp là tay đau, đỏ, sưng; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn... sẽ qua trong một vài ngày.
Trẻ em từ 2 tới 12 tuổi chưa thuộc đối tượng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cần đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tiếp xúc với người không trong gia đình.
* Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 14/10 thông báo việc sử dụng kết hợp vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca và Sputnik Light tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn so với chỉ sử dụng vắc xin của AstraZeneca.
Thông cáo của RDIF cho biết: “Sự kết hợp AstraZeneca-Sputnik Light trước đó đã cho thấy kết quả an toàn và tạo ra miễn dịch tốt ở Azerbaijan và nay là ở Argentina. Mức độ miễn dịch cao hơn so với việc chỉ sử dụng vắc xin của AstraZeneca”.
Thông báo nêu rõ đây là kết quả của một nghiên cứu sơ bộ về việc kết hợp các loại vắc xin ngừa COVID-19 được thực hiện ở Argentina, với hơn 1.000 người đã tham gia.
Nghiên cứu này đã xem xét 2 cách kết hợp vắc xin khác nhau. Theo kế hoạch, nghiên cứu sẽ được triển khai đối với 2.800 đối tượng, 560 đối tượng mỗi tỉnh trong số 5 tỉnh của Argentina.
Ngoài ra, RDIF còn cho biết nghiên cứu đã chứng minh vắc xin Sputnik Light là mũi vắc xin tăng cường đa năng hiệu quả cho các loại vắc xin do AstraZeneca, Sinopharm, Moderna và Cansino sản xuất, tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và cho thấy độ an toàn cao.