Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24-2 tuyên bố, thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc

Phát biểu với phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết, tới nay, WHO vẫn chưa coi sự bùng phát dịch Covid-19, khiến hơn 2.600 người tử vong, là một đại dịch, song các quốc gia cần “nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch” mà không nên “sợ hãi". Theo WHO, dịch bệnh vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát trên toàn cầu hay gây ra số ca tử vong lớn, hiện còn “quá sớm” để nói về một đại dịch.

Ông Ghebreyesus cho biết, WHO quan ngại sâu sắc về sự gia tăng đột ngột số ca nhiễm Covid-19 tại Italy, Iran và Hàn Quốc. Tổng giám đốc WHO cho biết hiện có 2.074 trường hợp nhiễm Covid-19 tại 28 quốc gia (không bao gồm Trung Quốc) và ghi nhận 23 trường hợp tử vong. Theo đó, WHO khuyến cáo mỗi quốc gia phải tự đánh giá tình hình theo bối cảnh của từng nước và WHO cũng sẽ làm như vậy thông qua việc giám sát 24/24. ông nhấn mạnh cần thống nhất kiềm chế dịch bệnh.

Cùng ngày, WHO cũng cảnh báo chủng mới của virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể “hoành hành” thêm nhiều tháng song các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện đã ngăn hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh.

Ông Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên gia của WHO và Trung Quốc, cho biết thế giới có thể học hỏi cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo trình bày về những phát hiện của phái bộ WHO-Trung Quốc, ông Aylward nêu rõ: “Bài học lớn nhất duy nhất là tốc độ. Tốc độ là tất cả và điều làm tôi lo ngại nhất đó là liệu phần còn lại của thế giới đã học được bài học về tốc độ chưa? Hiện nay, chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát dịch ở nhiều nước, gia tăng theo cấp số nhân”. Chuyên gia WHO cho hay “cách tiếp cận táo bạo” của Bắc Kinh đã “làm thay đổi diễn biến” dịch bệnh, khi mà các biện pháp hầu như đã ngăn ngừa được hàng trăm nghìn ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã cách ly thành phố Vũ Hán cũng như các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc được một tháng, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh mẽ về đi lại tại những tỉnh, thành khác trên cả nước. Dịch Covid-19 đã làm gần 2.600 người tử vong và khoảng 77.000 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc. Trong khi các ca nhiễm mới và tử vong đang gia tăng trong những ngày gần đây tại châu Âu, Trung Đông và châu Á thì số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc nhìn chung đang giảm trong những tuần gần đây. Chuyên gia Aylward nói rằng, mặc dù “đôi khi có những hoài nghi về số liệu thống kê mà Trung Quốc đưa ra”, song ông tin tưởng “phương hướng đã khá rõ ràng”.

Hàn Quốc ghi nhận ca tử vong thứ 11, số người nhiễm Covid-19 lên gần 1.000

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 25-2 xác nhận trường hợp người nước ngoài đầu tiên ở nước này tử vong do nhiễm Covid-19.

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết bệnh nhân là nam giới người Mông Cổ, 35 tuổi, và từng có tiền sử mắc bệnh suy gan. Người này tử vong ở một bệnh viện ở ngoại ô Thủ đô Seoul sau khi xét nghiệm nhiễm Covid-19. Bệnh nhân trên bị mắc bệnh gan và suy thận giai đoạn cuối. Người này nhập cảnh vào Hàn Quốc hôm 12-2 vừa qua để phẫu thuật ghép gan.

Theo số liệu thống kê của KCDC, tính đến thời điểm này, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 11 trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19, trong đó có 3 ca mới trong ngày 25-2. Hiện gần như tất cả tỉnh, thành lớn của Hàn Quốc đều ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, trong đó Thủ đô Seoul có 2 trường hợp. Hiện số người đang được kiểm tra y tế và cách ly là 13.880 người. Tới nay, Hàn Quốc đã xét nghiệm tổng cộng 39.327 trường hợp nghi nhiễm, trong đó có 25.447 người có kết quả âm tính.

Covid-19 lan mạnh ở Trung Đông

Bộ Y tế Iraq thông báo ngày 25-2 đã phát hiện thêm 4 ca nhiễm chủng mới của virus Corona tại tỉnh Kirkuk, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên 5 người. Theo thông báo, 4 ca nhiễm bệnh trên là các thành viên trong một gia đình người Iraq, từng tới Iran. Những người này đều đã được cách ly.

Trước đó, Iraq ngày 24-2 đã thông báo ca đầu tiên nhiễm Covid-19 ở nước này là một sinh viên Iran tại thành phố Najaf linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shi'ite.

Ngày 25-2, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đối tác thương mại lớn nhất của Iran tại Vùng Vịnh, đã đình chỉ mọi chuyến bay chở hàng và chở khách tới nước Cộng hòa Hồi giáo này, coi đây là một biện pháp phòng ngừa sự lây lan Covid-19. Hãng Thông tấn chính thức WAM của UAE dẫn một tuyến bố nêu rõ: “Cơ quan hàng không dân dụng UAE đã đình chỉ mọi chuyến bay chở khách và chở hàng đến và đi từ Iran, bắt đầu từ 25-2, kéo dài một tuần và có thể được gia hạn”. Cùng ngày nhà chức trách Oman thông báo cảng Khasab của nước này sẽ đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đến và đi từ Iran từ ngày 26-2.

Trong ngày 25-2, Iran đã ghi nhận thêm 4 trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 16 người. Tính đến thời điểm hiện tại, số người nhiễm Covid-19 tại nước này là 95 người.

Thư Kỳ

Minh Trí

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/to-chuc-y-te-the-gioi-khuyen-cao-chuan-bi-cho-nguy-co-xay-ra-mot-dai-dich/844196.antd