Tổ chức Y tế Thế giới lên tiếng về việc kiểm soát tác hại của việc sử dụng rượu, bia
Với sự hỗ trợ của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp chuyên đề Nhóm đối tác Y tế với nội dung Tham vấn về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Cuộc họp do Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, và Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng chủ trì.
Tham gia cuộc họp có các đại biểu đến từ các Ủy Ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Ban ngành, các Hiệp hội, và đại diện các Đối tác phát triển như các cơ quan hợp tác phát triển đa phương và song phương, các Tổ chức Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán, các Tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Phiên họp cũng nhiệt liệt đón nhận thư của Tiến sỹ Shin Young-soo - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO - kêu gọi hành động mạnh mẽ để giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.
Mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực. WHO ước tính lượng tiêu thụ trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016 – tương đương với mức trung bình của Thái Lan. Các quốc gia khác trong khu vực có mức tiêu thụ trung bình thấp hơn nhiều như Mông Cổ (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít). Tiêu thụ rượu bia cũng đang gia tăng nhanh chóng.
So với năm 2010, lượng tiêu thụ của những người uống rượu, bia là nam giới đã tăng 15% trong năm 2015. Ước tính, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã dẫn tới 79.000 người tử vong trong năm 2016. Hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm này. Sử dụng rượu, bia cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích.
Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, “Sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển ở Việt Nam”. Ông cũng nhấn mạnh các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội do sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, và phát biểu thêm: “Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho rằng: “Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng”. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, qua đó giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế. Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm: “Việc này cũng sẽ cải thiện sức khỏe của thế hệ hiện tại và tương lai của Việt Nam”.
TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam đồng tình với quan điểm xây dựng Luật này là cần thiết, và trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Tuy nhiên, là đại diện của ngành, TS. Việt cho rằng cần làm rõ đối tượng, hay phạm vi điều chỉnh luật là “tác hại của rượu, bia” hay “tác hại của việc sử dụng rượu bia ở mức nguy hại”.
Hiệp hội kiến nghị nên điều chỉnh tên Luật thành “Luật kiểm soát rượu bia” hoặc “Luật xử lý việc sử dụng các chất có cồn ở mức nguy hại” như nhiều nước đã sử dụng. Hiệp hội cũng ước tính với mức độ phổ biến của rượu tự nấu hiện nay, thất thu ngân sách cũng khoảng tối thiểu là 800 tỷ, tương đương với đóng góp ngân sách hiện tại của ngành rượu, vì vậy các nội dung quản lý trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được nêu rõ hơn.
Hiện tại thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng với rượu, bia là 65%, thay đổi 4 lần kể từ năm 2013 đến nay và thuộc hàng cao trên thế giới. Theo TS. Việt, ở các nước khác như Nhật Bản, khi xây dựng một dự án luật để tăng thuế thường mất 10 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, TS. Việt cũng khuyến nghị Bộ Y tế và Tổng cục thống kê nên có những đánh giá chính thức về các con số trong ngành để xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng Luật.
WHO khuyến nghị thực hiện các biện pháp hiệu quả chính để giải quyết vấn đề sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại như sau:
1. Chính sách giá đối với đồ uống có cồn: Các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do uống rượu, bia theo đó cũng sẽ giảm.
2. Hạn chế tính dễ dàng tiếp cận với rượu, bia và tính sẵn có của rượu, bia: Biện pháp của chính sách này có thể gồm: quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn.
3. Quy định về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm: Các quảng cáo rượu, bia đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng khi những người trẻ tiếp xúc với quảng cáo, tiếp thị rượu, bia nhiều, khả năng sẽ bắt đầu uống hoặc uống nhiều rượu, bia hơn. Nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên, và qua đó làm giảm bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ.
Đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa tác hại do rượu, bia sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội. Theo một ước tính trong năm 2018 của WHO, với mỗi 1 đô la chi để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra, sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 đô la.
WHO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác trong việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để ngăn chặn và phòng ngừa sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe có thể trái với tinh thần hướng dẫn của Chính phủ tại Công văn 1861/VPCP-KTTH ngày 01 tháng 03 năm 2017 về việc chủ trương không thành lập thêm các quỹ ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, theo một báo cáo của WHO năm 2017, có 35 quốc gia có quỹ phòng chống thuốc lá, nhưng chỉ có 9 quốc gia trên toàn thế giới có quỹ phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Hơn nữa, vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của những quỹ này, ví dụ như Quỹ Nâng cao Sức khỏe Thái Lan bị cáo buộc sử dụng sai mục đích và chịu sự điều tra của Bộ Y tế công cộng năm 2016.
Bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy Ban Tài chính – Ngân sách quốc hội phát biểu: “Xét từ góc độ về quản lý tài chính, để đảm bảo tính khả thi cho dự án Luật này dự kiến trình trước Quốc hội vào kì họp tới, đề nghị các đồng chí của Bộ Y tế và sau này là cơ quan thẩm tra của Quốc hội với mỗi phương án cần phải có đánh giá tác động định lượng”.
Bà Chi cũng cho rằng khoản đóng góp bắt buộc này tương tự với thuế TTĐB, và cuối cùng người chịu sẽ là người tiêu dùng, điểm khác biệt ở đây là khoản thu này sẽ được sử dụng cho các hoạt động y tế, tuyên truyền hoặc các hoạt động khác của Quỹ để phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá. Bà Chi đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm bán nghiên cứu đánh giá tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Thuốc lá trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, bà Chi cũng góp ý với Ban soạn thảo là có sự khác biệt giữa rượu, bia và thuốc lá. Với thuốc lá, hiện tại chỉ có thuốc lá nhập khẩu hoặc thuốc lá sản xuất trong nước thì cũng từ các nhà máy có pháp nhân rõ ràng để quản lý. Tuy nhiên, không tính đến bia thì thị trường rượu, ngoài rượu nhập khẩu, rượu sản xuất trong nước có đăng ký, có nộp thuế đàng hoàng thì đang có một tỉ lệ rất lớn rượu thủ công sản xuất công nghệ thấp, rượu nhập lậu, rượu giả… không nộp bất cứ thuế nào. Vì thế khi thành lập Quỹ này chỉ quản lý được các sản phẩm có nhãn mác đăng ký rõ ràng, còn những sản phẩm còn lại thì chưa kiểm soát được. Bà cho rằng đây là một khoảng trống của chính sách, trong khi các tác hại của rượu, bia và những tác động xấu đến sức khỏe liên quan nhiều đến rượu lậu, rượu giả hay rượu kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn hơn là những loại rượu có giá cao và chất lượng tốt.