TỔ CÔNG TÁC ĐOÀN GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI BÀ RỊA – VŨNG TÀU
'Đầu tư công được ví như 'đòn bẩy', 'điểm tựa' địa phương thúc đẩy các ngành và vùng trọng điểm, là đầu tàu thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội… nhưng cũng là lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí nếu không quản lý chặt chẽ' là nội dung được Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội quan tâm cho ý kiến khi thực hiện khảo sát tại tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu trong ngày 11/7/2022.
Tổ công tác gồm các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân; Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường; Tài chính -Ngân sách, Thanh Tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.
Làm việc với Tổ công tác, về phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có các đồng chí: Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh; Lãnh đạo Sở Tài nguyên-môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng; lãnh đạo UBND Thành phố Bà Rịa, Thành phố Vũng Tàu…
Dự án treo, “mắc kẹt” nhiều năm do chậm giải phóng mặt bằng hoặc liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Đoàn đã tới khảo sát tại Dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại thành phố Vũng Tàu với quy mô sử dụng đất khoảng 43 ha. Sau khi phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án, nhà đầu tư là Công ty TNHH Địa ốc An Khang đã triển khai một số hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án. Do có đơn tố giác nhà đầu tư về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên tháng 02/2014, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án và dự án bị dừng triển khai đầu tư xây dựng cho đến nay.
Trao đổi với Tổ công tác, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn cơ quan tư pháp đưa vụ án xét xử làm cơ sở xem xét tiếp tục triển khai, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Trong khi đó, dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư 10ha trong Khu 58ha, Phường 10 thành phố Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng lại gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng. Đây là dự án tái định cư để tạo quỹ đất sạch nhằm thực hiện bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án và các dự án khác trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Khi thực hiện dự án này, Thành phố Vũng Tàu thiếu quỹ đất sạch tại nơi khác để bố trí cho các hộ dân bị thu hồi nhà ở, đất ở, nên công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ có nhà bị chậm so với yêu cầu. Nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi đất; giá và thời điểm bồi thường giải phóng mặt bằng; tái định cư; hỗ trợ trong lúc chờ tái định cư; tình trạng người dân chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp... làm dự án kéo dài nhiều năm.
Đất giao cho các cơ quan Trung ương tại địa phương bị bỏ hoang nhiều năm
Cũng trong ngày làm việc, Tổ công tác đã tới khảo sát tại Dự án Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam Bộ, do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân – Trung ương Hội nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư tại thành phố Bà Rịa.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao đất không thu tiền sử dụng đất tại Quyết định số 7880/QĐ-UB ngày 19/10/2004. UBND thành phố Bà Rịa bàn giao đất thực địa ngày 24/7/2007 và Sở Tài nguyên và Môi trường (thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh) Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 287471 ngày 15/10/2007. Mặc dù vậy, 15 năm qua, nơi đây vẫn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xung quanh khuôn viên khu đất đã có tường rào kiên cố nhưng chưa xây dựng công trình.
Bà Rịa - Vũng Tàu cần quản lý chặt hơn để tránh lãng phí tại các dự án
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Tổ giám sát chuyên đề của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập; tổng hợp các kiến nghị của địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, trong hoạt quản lý tài chính,…
Đối với các diện tích đất của cơ quan trung ương được giao không thu tiền sử dụng đất trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thành viên Tổ công tác cho rằng: “UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên thống kê trên địa bàn có bao nhiêu dự án giao cho các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn mà chưa sử dụng đất. Vị trí đất của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân rất đẹp mà 15 năm nay bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất. Nếu được cải tạo, khai thác, thay đổi công năng sử dụng của dự án, hoặc yêu cầu các Bộ, ngành đó đưa vào thi công sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực.
Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo TP.Vũng Tàu cũng đã nêu rõ hơn tình hình thực tế tại các dự án, giải thích các khó khăn vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện. Và nêu ra một số kiến nghị để có thể triển khai hiệu quả công tác.
Địa phương đề nghị một số giải pháp cũng như xin được hướng dẫn để giải quyết. Bên cạnh đó báo cáo chủ trương tăng cường đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, qua đó giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, cũng như hạn chế phần nào mua đất nông nghiệp xây trái phép của người dân.
Ghi nhận ý kiến của địa phương, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị làm rõ nguyên nhân các dự án chậm triển khai, đặc biêt là những dự án đã triển khai, hoạt động nhưng đang bỏ hoang hoặc chưa phát huy hiệu quả. Ngoài ra, đoàn đề nghị địa phương nhanh chóng tổng kết, báo cáo bổ sung thêm số liệu, tài liệu chi tiết tại một số dự án để làm rõ nguyên nhân gây chậm trễ, dẫn đến thất thoát lãng phí.
Đồng thời đoàn cũng chỉ ra một số thiếu sót của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tại dự án như quản lý đất công sau khi thu hồi còn lỏng lẻo, dẫn đến xây dựng trái phép và không bồi thường khi thu hồi gây lãng phí; chưa đánh giá kỹ chủ đầu tư để dự án chậm tiến độ; dự án kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đất đai và tài sản công…
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66511