Tổ công tác số 2090 và Tổ công tác số 2091 của Bộ Chính trị làm việc với các Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Chính phủ
Chiều 15/7, tại Nhà Quốc hội, Tổ công tác số 2090 và Tổ công tác số 2091 của Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị, về phía Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Bí thư Đảng ủy Vũ Hải Hà; Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Lê Quang Tùng...

Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Về phía Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Phó Bí thư Đảng ủy Lê Thị Thủy...

Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Kiên định, kiên trì mục tiêu, linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm đã được Quốc hội, Chính phủ tập trung triển khai thực hiện từ sau Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đến nay. Thủ tướng chỉ rõ, "cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Nhân dân ủng hộ, đặc biệt Quốc hội, Chính phủ nêu gương với tinh thần làm việc, cống hiến hết mình, hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ rất quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành cơ bản hệ thống chính trị, chính quyền địa phương 2 cấp đang vận hành tốt, tất nhiên cũng còn có những việc này, việc kia cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý, tháo gỡ...".

Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Theo Thủ tướng, Quốc hội, Chính phủ đã đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, đồng lòng, đồng bộ nên dù khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi cao về thời gian nhưng đều đã được hoàn thành với chất lượng cao.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Thủ tướng cũng lưu ý không chủ quan, không thỏa mãn với những gì đã làm được mà phải xem xét, đánh giá xem cái gì được, cái gì chưa được, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm gì sắp tới để làm tốt hơn. "Tôi hy vọng mỗi cuộc họp, kỳ họp, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm. Chúng ta lớn lên, trưởng thành, ngày càng cứng cáp, ngày càng kiên định, kiên trì các mục tiêu cơ bản và linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện", Thủ tướng nói.

Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Thủ tướng cảm ơn hai Tổ công tác của Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Cho biết, Trung ương sắp tiến hành Hội nghị lần thứ 12 với một tinh thần mới, mục tiêu mới, nhiệm vụ mới, tầm nhìn mới, hành động mới trong giai đoạn cách mạng mới, Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60, kết quả tốt, kinh nghiệm hay thì kế thừa, phát huy; vấn đề gì chưa được thì rút kinh nghiệm, đặc biệt là những bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong công tác phối hợp làm sao cho chặt chẽ, có hiệu quả hơn, mang lại lợi ích chung cho đất nước, cho dân tộc và đặc biệt cho người dân được hưởng thụ thành quả phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà báo cáo tóm tắt về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 - NQ/TW ngày 12/4/2025 gắn với việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Lê Quang Tùng dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã ban hành kế hoạch và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ. Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã ban hành 44 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và báo cáo hoặc trình cấp có thẩm quyền về các nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp...

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà báo cáo tóm tắt về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 - NQ/TW ngày 12/4/2025 gắn với việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Lâm Hiển
Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã ban hành 38 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đảng ủy Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong toàn Đảng bộ Quốc hội đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hoàn thành tốt khối lượng công việc rất lớn, chưa từng có trong lịch sử của một kỳ họp Quốc hội, với nhiều quyết sách sẽ là dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn, trọng tâm của Đảng, nhất là chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, 34 luật (sửa đổi, bổ sung khoảng 90 luật, bộ luật hiện hành), 33 nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành đầy đủ các nghị quyết để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố và kiện toàn nhân sự Đoàn ĐBQH, HĐND cấp tỉnh của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp.

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị phương án bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, trong đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội 10/11 đảng bộ trực thuộc, riêng Đại hội Đảng bộ VPQH đã chuẩn bị xong và sẽ tiến hành Đại hội trong ngày mai 16/7.
Cơ bản khắc phục chồng chéo, bất cập trong quản lý nhà nước
Báo cáo tóm tắt về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 - NQ/TW ngày 12/4/2025 gắn với việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ Lê Thị Thủy cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, kịp thời, quyết đoán, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tập trung triển khai đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Tổ chức bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương, các cấp đã được tinh gọn, bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và cơ bản khắc phục các vấn đề chồng chéo, bất cập trong quản lý nhà nước của một số ngành, lĩnh vực.

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Phùng Khánh Tài và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Công tác hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính gắn với sắp xếp tố chức bộ máy và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về thể chế, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Đảng ủy Chính phủ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần tập trung cao độ; đổi mới phương thức lãnh đạo, tố chức triển khai với quyêt tâm và nỗ lực rất lớn; chủ động nắm chắc tình hình, yêu cầu thực tiễn để chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời với tinh thần không để chậm chễ bất cứ công việc nào.
Các đảng ủy trực thuộc, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao với khối lượng công việc rất lớn về sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và công tác tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được Đảng ủy Chính phủ đặc biệt quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triển khai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thận trọng, kỹ lưỡng và đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Đến nay, cơ bản các nhiệm vụ được phân công cho Đảng ủy Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành 28 Luật; Chính phủ ban hành 28 Nghị định và các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 51 Thông tư thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyên khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm các quy định pháp luật được đầy đủ, không có "khoảng trống pháp lý" hoặc "xung đột pháp luật" trong triển khai thực hiện, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 được triển khai nghiêm túc, đúng quy định và bảo đảm tiến độ theo kế hoạch chung đã đề ra. Công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I được triển khai bảo đảm tiến độ, sát với yêu cầu về nội dung theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và tình hình thực tiễn của Đảng bộ Chính phủ.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin về hội nghị...