Việt Nam sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, cởi mở về quyền con người

Cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người và đạt được những thành tựu quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, cởi mở, hiểu biết lẫn nhau và mang tính xây dựng về vấn đề thúc đẩy các quyền con người.

Đối thoại chân thành, cởi mở về quyền con người

Những “khuôn mặt đen” quen thuộc như Human Right Watch và các tổ chức thiếu thiện chí, chống phá Việt Nam khác cứ hết năm này qua năm khác, mỗi khi có dịp lại tung ra những thông tin, báo cáo hay bản phúc trình về cái gọi là “tình hình nhân quyền tại Việt Nam”.

Thế nhưng, tất cả những thông tin sai lệch, bịa đặt, vu cáo về vấn đề quyền con người ấy đều bị chính những thành tựu thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam cũng như thực tế Việt Nam luôn sẵn sàng, tích cực thúc đẩy đối thoại thẳng thắn, cởi mở về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người với các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới.

Quang cảnh Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

Quang cảnh Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

Trong suốt hành trình phát triển và hội nhập, Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đặt con người vào vị trí trung tâm, coi đó là mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Không chỉ nỗ lực cải thiện đời sống vật chất, Việt Nam còn thực hiện nhiều bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người. Đặc biệt, thay vì né tránh hay đối đầu với những quan ngại và chỉ trích phiến diện, sai lệch, thậm chí bịa đặt, vu cáo về vấn đề nhân quyền, Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị, cởi mở và sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, mang tính xây dựng với tất cả các đối tác quốc tế.

Trong đó, mới đây nhất Việt Nam đã có một phiên đối thoại rất thành công với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, cầu thị. Đó là Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền về thực thi Công ước các quyền dân sự chính trị (Công ước ICCPR) lần thứ 4 của Việt Nam vừa diễn ra đầu tháng 7 này tại trụ sở cơ quan này tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với 173 quốc gia thành viên, có nội dung quy định các quyền gắn liền với cá nhân như quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội…

Trước phiên đối thoại, Việt Nam đã gửi Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực hiện Công ước ICCPR tới Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và sau đó gửi tiếp Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm. Bộ Tư pháp phối hợp cùng các cơ quan hữu quan đã rà soát các khuyến nghị từ chu kỳ trước, tiếp thu ý kiến đóng góp của hơn 50 tổ chức phi chính phủ để chuẩn bị một cách đầy đủ, chủ động, minh bạch nhất.

Phiên đối thoại đã diễn ra trong không khí chân thành, hợp tác, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và cam kết cao của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của công dân. Đoàn Việt Nam đã cung cấp thông tin cập nhật về những bước tiến trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin, quyền tín ngưỡng tôn giáo và quyền tham gia quản lý xã hội.

Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam, trong đó nổi bật là việc Việt Nam đã phê chuẩn 7 trong số 9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người, tích cực hoàn thiện thể chế để phòng ngừa phân biệt đối xử, đẩy mạnh bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình và phòng chống tham nhũng.

Tinh thần đối thoại thẳng thắn, cởi mở và cầu thị của Việt Nam không chỉ được thể hiện tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc mà còn trong hàng loạt các đối thoại song phương với những đối tác có quan tâm tới quyền con người. Đến hết năm 2024, Việt Nam đã có 26 vòng đối thoại nhân quyền với Mỹ, 19 vòng với Australia, 17 vòng với Thụy Sĩ, 14 vòng với Na Uy và 12 vòng với Liên minh châu Âu (EU). Các cuộc đối thoại này đều được tiến hành trên tinh thần hợp tác, thẳng thắn, không né tránh kể cả những vấn đề nhạy cảm.

Tại các phiên đối thoại, Việt Nam không chỉ chia sẻ thành tựu, chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người mà còn sẵn sàng giải đáp, làm rõ những thông tin sai lệch, chưa chính xác. Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng khác biệt và khẳng định rằng không có một mô hình duy nhất để bảo đảm quyền con người, bởi mỗi quốc gia có đặc thù lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển riêng.

Góp phần thiết thực thúc đẩy quyền con người và phát triển bền vững

Có thể khẳng định, Việt Nam không hề né tránh mà trái lại luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại thẳng thắn, cởi mở cầu thị trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau và mang tính xây dựng về vấn đề quyền con người. Trong đó, tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người.

Từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977 tới nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết vào các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam được xem là một điểm sáng, tiên phong trong thực hiện cam kết về quyền con người.

Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên hoặc tham gia. Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan công ước quốc tế về quyền con người. Ngoài các tổ chức quốc tế, Việt Nam đối thoại thẳng thắn về vấn đề quyền con người, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo với các quốc gia như Mỹ, các quốc gia châu Âu…

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo hồi tháng 10-2023, phía Mỹ đã ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua. Đại diện Tòa thánh Vatican tại Liên hợp quốc, Tổng Giám mục Gabriele Caccia cũng đã bày tỏ quan điểm ghi nhận những thành tựu về đảm bảo quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, chia sẻ về kết quả tiến triển trong quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican gần đây.

Đặc biệt, những ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền được thể hiện qua việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu ủng hộ rất cao. Đây chính là minh chứng sống động về sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên hợp quốc, trong đó có cơ quan chuyên trách về quyền con người.

Không dừng lại ở các tuyên bố, Việt Nam cũng đã và đang thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình. Việt Nam đã trình và bảo vệ đầy đủ các báo cáo quốc gia liên quan đến các công ước quốc tế về quyền con người, từ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR0 đến các công ước chống tra tấn, chống phân biệt đối xử, quyền trẻ em, quyền phụ nữ…

Việc Việt Nam chủ động và sẵn sàng đối thoại về quyền con người là thông điệp mạnh mẽ về một quốc gia trách nhiệm, cầu thị và tự tin. Thay vì khép mình trước các chỉ trích thiếu thiện chí, Việt Nam đã chọn cách tiếp cận tích cực là lắng nghe, giải thích, cung cấp thông tin xác thực, tiếp thu các khuyến nghị hợp lý, đồng thời khẳng định quyền được lựa chọn con đường phát triển phù hợp với hoàn cảnh riêng.

Việt Nam không chỉ đang nỗ lực hành động vì người dân của mình, mà còn đóng góp thiết thực vào nỗ lực toàn cầu thúc đẩy quyền con người, công bằng và phát triển bền vững trên thế giới. Việc sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần tôn trọng và xây dựng. Đó tiếp tục là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, phát triển vững chắc hơn trong thế giới ngày nay.

(Còn nữa)

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-1-viet-nam-san-sang-doi-thoai-thang-than-coi-mo-ve-quyen-con-nguoi-post617640.antd