Tớ dày gọi xuân
Sương muối sắp vào vụ, những triền sương đã đang chín bói. Mùa vùng cao rét ngọt. Núi rừng Tây Bắc dậm dật thay áo mới, ấy là lúc tớ dày bung biêng thắm đỏ. Tớ dày hiền như môi em. Cháy đượm. Ngọt mềm. Trong sắc nắng thổ cẩm, tôi như mê dại vói mắt theo những 'chùm sơn nữ' tớ dày xúng xính gọi xuân về.
Cuối đông. Chiều đi dần vào bản. Bản đó quần cư, là nơi sinh sống của cả người Kinh, Thái, Dao, Mông… nên giàu bản sắc. Có lẽ, cái bản sắc văn hóa trong trẻo của miền sơn cước đó đã cuốn hút em, đã bỏ bùa em bằng những dấu chân quen, nên năm nào em cũng phải ghé thăm đôi bận. Dù công việc có rộn rịp thế nào, em cũng thu vén để về quê những ngày trước Tết cổ truyền, đặng còn rúc rích vào bản kiếm tìm những đôi má phơn phớt lạ quen, kiếm tìm những ánh mắt long lanh như sương non ngủ nhờ trên lá cỏ.
Đến hẹn, hình ảnh chiều đông đó lại nhộn nhạo trong tôi. Hình ảnh quá ư dung dị, hai chị em xúng xính áo ấm lớp trong lớp ngoài ghé bên vệ đường mót chút lửa thừa. Người hí húi gom lá khô, người nhặt nhạnh vài cành củi lạc rồi cùng chu miệng phập phù để đốt gốc đào, món quà của bản. Tôi nhíu mày, em líu lo giải thích, đốt gốc là làm theo kinh nghiệm dân gian, để diệt khuẩn và hạn chế nhựa cây chảy ra, giúp cho cành đào được tươi lâu và trổ nhiều hoa đón Tết.
Đó là hoa đào phai, cánh hoa mỏng có sắc hồng dịu nhẹ, mang một vẻ đẹp thanh lịch như người con gái tích cóp đủ đầy công dung ngôn hạnh. Nói đến hoa đào ngày Tết, còn phải kể đến đào Nhật Tân, bích đào, bạch đào, đào thất thốn, đào đá, đào cổ thụ, đào má hồng Đà Lạt…
Riêng tớ dày là loài hoa đặc trưng của mùa đông Mù Cang Chải. Địa danh này là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn vòi vọi đỉnh trời, cách thủ đô Hà Nội hơn 300 cây số về phía Tây Bắc. Tớ dày thuộc họ hoa đào, người Mông nơi đây quen gọi là "pằng tớ dày", dịch ra tiếng Việt là hoa đào rừng. Loại cây thân gỗ này ưa vươn cao, có tán rộng, chỉ mọc và đơm hoa ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, hoa có năm cánh phớt hồng, nhụy đỏ, kết thành chùm lớn. Hoa tớ dày thường nở vào dịp cuối đông, là lúc người Mông ở Mù Cang Chải đã tươm tất mùa vàng trên ruộng bậc thang, rậm rịch soạn ra váy áo cùng với quả pao, tiếng khèn, tiếng sáo để đón Tết của đồng bào mình.
Ở Mù Cang Chải mùa sương muối hát, hoa tớ dày nhuộm hồng khắp các sườn đồi đỉnh núi thuộc vùng Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Lao Chải, Khao Mang và nhiều nhất là ở La Pán Tẩn. Hoa tớ dày bắt đầu bung biêng từ Tết của đồng bào Mông và có năm kéo dài đến hết Tết Nguyên đán miền xuôi.
Trên các nẻo đường núi rừng Tây Bắc mùa này, thảng hoặc, lữ khách lại gặp những đụn lửa thều thào với gió bấc. Hôm nào bấc chướng bầm hơi thở, những đụn lửa lại to hơn, mọc dày hơn. Đụn lửa thừa này, hình như ai đó gầy lên để hơ tay trong chiều rét ngọt.
Nghe em kể về quê, về bản, rồi dông dài bổn quán xa xăm mà tôi được vui lây, phấn chấn miên man theo những bước chân đầu rừng cuối phố. Để rồi lặng thầm nhớ, lặng thầm thương. Niềm thương hoang dại như lửa tớ dày, thắp lên giữa sương mù gió bấc để con người nhìn thấy mà hy vọng, mà bấu mà víu, như bấu víu vào đức tin trong cuộc tồn sinh có lắm gian truân.
Hai chị em vẫn cứ miệt mài với hoa với lá, thỏa thích cười đùa cùng những đứa trẻ phúng phính hây hây. Ừ thì "gái rượu" mà. Cuối năm, tranh thủ về nhà sớm là vui rồi. Mặc kệ chúng bay, bố đang mải loay hoay đụng lợn với trai bản, mẹ thì "cong đít" gom chút thời gian rơi vãi cho buổi chợ chiều ba mươi Tết.
Chợ quê mà, nên chỗ nào có khoảng trống thuận tiện thì cứ bày biện ra, nào hoa nào quả, nào bánh nào mứt, nào vịt nào gà, xanh đỏ tím vàng chen nhau mặc cả. Người qua kẻ lại, người mua kẻ bán, hối hả rộn ràng. Trên chiếc cầu bê tông rì rào cờ phướn là chỗ của những người muôn năm cũ, các bà "cổ lai hy" mở hội cau trầu, bao lì xì, vàng mã… tíu tít kháo chuyện, rạng ngời cả những vết chân chim chằng chịt đang phòng thủ trước gió đông.
Nơi đây là lũng gió, liên hồi vi vút giữa mênh mông, gió xanh tươi như lá dong lá chuối, tỉ mẩn gói đùm bánh chưng bánh tét. Phải rồi, mùa Tết năm nào nhà em cũng quây quần gói bánh. Nếp thơm, dưa hành thịt mỡ, đỗ xanh gạn vỏ vàng ươm quyện hòa thành hương vị đoàn viên. Góc sân đã chờ sẵn củi, toàn là củi "nạc" to cỡ cổ tay phô phang những búi cơ lực sĩ, củi đó bố đã dụm dành từng que từng lẻ từ đầu xuân cho đến cuối đông mới mang ra nấu bánh. Thứ củi này cháy lên ngọn lửa phớt xanh, nóng giòn và lâu tàn, cháy hết lửa thì còn than, than vẫn rực hồng mãnh liệt.
Em ngồi canh bếp như một đặc ân. Đôi má ánh hồng như tớ dày bung nở vì than lửa hay vì một nghĩ suy nào đó, tôi nào biết được. Bất chợt, tôi ghen với chiếc áo em đang mặc, ghen lan sang cả ông bếp đang hì hụi nấu bánh. Tôi có lý do để ghen đấy, vì tôi không được cạnh kề đặng còn sưởi ấm em, hoặc chí ít cũng được cùng em co ro trong gió đông sương muối, như thể đang vỗ về nhau, và cái rét sẽ dịu lại.
Gì thì gì, ngày Tết không thể thiếu hoa. Tớ dày là hoa của rừng, hoa của đại ngàn ưu ái dành riêng cho Mù Cang Chải. Còn đây là những loài hoa quẩn quanh vườn nhà, quyến thuộc với em. Này là thược dược, này là vàng anh, này là ly trắng ly hồng chúm chím với gió đông. Con gái mà, ai chẳng thích hoa.
Tự bao đời, quê em cứ xanh tươi hiền hòa bên dòng Ngòi Lâu. Mùa này, trên cầu thông thống gió, dưới cầu rúc rích nước, xôn xao nói cười, thơm tho áo mới. Tôi ước được một lần cùng em đường quê chợ Tết. Thập thò quãng vắng để nắm tay em đi vào giấc mơ bềnh bồng hoa dại. Giấc mơ mà em đã kể tôi nghe trong thời khắc se sắt năm tàn tháng tận, giấc mơ vẫn chưa kết thúc, phải không. Liệu tôi có ngờ nghệch không khi sống cùng với giấc mơ của người con gái khác, người mà tôi khó có thể dùng ngôn từ để gọi tên cho tròn đầy, chỉ biết hướng về phía ấy với thật nhiều mến thương, thật nhiều chân thành nồng đượm, mặc cho miên mật thời gian.
Chiều ba mươi năm nào, mọi thứ đã tươm tất, Tết đã thành hình trong nhà ngoài ngõ. Vậy mà trời xui đất khiến, em còn ra chợ làm gì để gieo khổ vào tôi. Mắt môi ấy như hương như hoa, rực lên như thể dẫn đường cho mùa xuân đến. Dẫn đường để hình bóng đó đi vào trú ngụ tim tôi. Em đã ở đó bao nhiêu mùa, bao nhiêu đận gió đông rồi nhỉ?
Thông tin này chắc em vui, vì em vẫn thường đau đáu với quê hương và rấm rứt thương núi. Người ta nhận thấy giá trị độc đáo của tớ dày, không chỉ là loài hoa mọc hoang trên núi cao. Nên cuối năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ hội hoa tớ dày Mù Cang Chải ngay tại địa danh mà nó mọc lên, là hướng đi đầy triển vọng để khai thác thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc bên cạnh Lễ hội mùa nước đổ, Lễ hội mùa vàng, Festival khèn Mông… Biết đâu, hương sắc tớ dày sẽ nối gót di tích quốc gia "ruộng bậc thang" mà vang danh ra ngoài Tây Bắc, ra ngoài nước Việt, âu cũng góp phần xua đi cái nghèo cái đói đằng đẵng đeo bám núi rừng.
Tôi tự tin rằng mình có thể hiểu sâu, hiểu thấu về em. Nên ở khía cạnh nào đó, nhìn em khiến tôi liên tưởng đến tớ dày, ăn gió uống sương giữa mùa đông mướt giá để bung nở thành những chiếc chuông hồng bé xinh và bừng lên sức sống xuân thì nơi hoang vắng rẻo cao. Lúc tớ dày nở hoa cũng là mùa trai gái Mông khoác áo mới, ném pao, múa khèn giao duyên. Sắc hồng tươi vươn lên mãnh liệt giữa núi đồi báo hiệu một năm mới ấm no, tròn đầy hạnh phúc.
Về những điều bỏ ngỏ, chắc em biết tôi đau. Nỗi đau khiêm cung lặng thầm lên xanh trên bóng núi. Nỗi đau lung linh quyện vào những tia nắng thổ cẩm ghé ngang vườn nhà. Nỗi đau ẩn ức như chàng trai bị dây rừng trói chân nơi cột cái, trói mắt nơi bậu cửa trình tường mà đôi tai sung mãn phải nghe tiếng páo dung của người thương đang gọi tìm mình trong nỗi lẻ loi. Tôi cam tâm tình nguyện để sống cùng những nỗi đau đó, ai bảo trời đày ra giống loài thi sĩ mà chi.
Và em, cớ sao lại thục nữ như một câu thơ xuất thần chứa cả thanh âm và sắc màu hây hẩy. Nàng thơ của núi, nàng thơ của tôi, cứ mãi trinh nguyên và hoang dại như những cánh tớ dày lúng liếng rải vào gió hồng để vẫy gọi mùa xuân.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/to-day-goi-xuan-i722028/