Tô Hiến Thành - 'Người phò tá có công lao tài đức'
Có một nhân vật lịch sử đặc biệt làm quan dưới thời các vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) và Lý Cao Tông (1276 - 1210) mà người đời và lịch sử nhắc tên ông không chỉ vì tài năng, đức độ và những cống hiến to lớn mà còn vì một lý do khác. Đó là sự lựa chọn, hay là lời can gián của ông không được chấp nhận đã mở đầu cho sự sụp đổ của vương triều Lý. Đó là Thái úy Tô Hiến Thành.
“Người phò tá có công lao tài đức”
Đó là nhận xét và tôn vinh xác đáng của sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí về Tô Hiến Thành.
Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (11/2/1102) và mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (17/ 7/1179) ở quê xóm Lẻ, làng Hạ Mỗ, nay thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tương truyền, cha ông là Tô Trung Công là người học rộng, đỗ cao, được bổ làm quan ở phủ Hà Trung, Thanh Hóa, sau đó lại ra làm quan ở phủ Trường An, tỉnh Ninh Bình. Mẹ ông là Nguyễn Thị Đoan, cùng quê.
Lại có thần tích đền Chính từ ở Cẩm Đới (Hà Trung, Thanh Hóa) chép cha Tô Hiến Thành là Tô Hiến Tín thi đỗ khoa Hiền lương, được bổ làm quan ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay), vợ là Lê Thị Vi Tố. Tại đây bà đã sinh ra Tô Hiến Thành - một cậu bé có diện mạo khôi ngô, dáng điệu phong nhã, thân hình chắc khỏe giống như tiên đồng trong mộng.
Năm Mậu Ngọ (1138), Tô Hiến Thành đỗ Thái học sinh rồi được giao chức Thái phó, coi dự việc binh, chính thức bước vào đời quan trường dài hơn 40 năm.
Năm 1140, lợi dụng Lý Thần Tông qua đời, vua kế vị là Anh Tông mới 3 tuổi, triều đình do Lê Thái Hậu và ngoại thích chấp chính, Thân Lợi tự xưng là con của Lý Nhân Tông, khởi binh, tự xưng là Bình Vương, làm loạn hòng tranh ngôi của Anh Tông. Triều đình cử Đỗ Anh Vũ đem quân đi đánh. Thân Lợi đại bại phải chạy thoát về châu Lục Lệnh. Quân triều đình truy đuổi.
Đại Việt sử ký toàn thư (bản Kỷ, quyển IV - ĐVSKTT) chép: “Mùa Đông, tháng 10, ngày mồng 1, lại sai Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn 2.000 người. Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, vua ngự điện Thiên khánh xử tội Lợi và bọn đồng mưu 20 người đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo. Các quan dâng biểu mừng”.
Năm Kỷ Mão (1159), Tô Hiến Thành lại lập công lớn, được phong Thái úy. Sách Lịch triều hiến chương loại chí (Chính biên, quyển V- LTHCLC) chép: “Tháng 5, mùa Hạ. Ngưu Hống và Ai Lao vào cướp. Nhà vua sai Hiến Thành đi đánh bại được quân địch”. “Hiến Thành, trước kia, làm Thái phó, tham dự việc giữ binh quyền; đến đây, vì có công được làm Thái úy”.
Năm Tân Tỵ (1161), “Tháng 11, vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về” (ĐVSKTT).
Năm Bính Tuất (1166), “Mùa Xuân, tháng 3, sứ Chiêm Thành đi đến miền Ô Lý, dùng quân phong thủy (ma thuật của thầy tăng) mà vượt biển, cướp bóc Nhân dân ven biển nước ta rồi về...” (ĐVSKTT).
Năm Đinh Hợi (1167), “Mùa Thu, tháng 7, sai Thái úy Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành. Mùa Đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hòa. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu. Đóng thuyền Nhật Long”. (ĐVSKTT).
Năm 1175, ông được phong chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, gia phong tước vương, là chức tể tướng đứng đầu triều vua Lý Anh Tông. Tháng Tư, nhà vua “Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành giúp Thái tử tạm quyền coi giữ chính sự”; “Tháng 7, mùa Thu. Nhà vua mất, để tờ di chiếu cho Tô Hiến Thành làm phụ chính”.
Quyền cao chức trọng nhưng ông thanh liêm, cương trực, một lòng phò vua Lý Cao Tông khi ấy còn ấu thơ, dựng xây triều chính. Ông nổi tiếng bởi sự trung thành, lấy quốc gia đại sự lên hàng đầu.
LTHCLC chép: “Mùa Thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thụy Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: "Làm con bất hiếu còn trị dân sao được". Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp lập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ Thị.
Hiến Thành nói: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp lập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?". Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu".
Lý Cao Tông lên ngôi, Tô Hiến Thành làm Thái úy.
Kỷ Hợi, năm thứ 4 [1179], “Mùa hạ, tháng 6, Thái úy Tô Hiến Thành chết. Vua bớt ăn ba ngày, nghĩ thiết triều 6 ngày. Trước đây khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng: "Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?".
Hiến Thành trả lời: "Trung Tá có thể thay được". Thái hậu nói: "Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?". Hiến Thành trả lời: "Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?". Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy. Lấy Đỗ An Di làm phụ chính”.
Tôi trung phải có vua sáng
Đỗ thái hậu (Chiêu Thiên Chí Lý Hoàng thái hậu) không dùng Trần Trung Tá như lời khuyên của Tô Hiến Thành mà để em trai là Đỗ An Di làm phụ chính cho Cao tông. Đó là mầm họa cho nhà Lý. Đỗ An Di bất tài, kém đức đã không dạy dỗ, rèn cặp được vua nhỏ. Càng lớn vua càng hư đốn về trí tuệ và nhân cách. Không ai khác, chính Cao Tông đã đập nhát búa đầu tiên vào cơ đồ nhà Lý.
Bàn về việc này, Ngô Sĩ Liên viết: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”(ĐVSKTT).
Không hề ngẫu nhiên khi kế tiếp hai đời vua Thần Tông và Anh Tông đều tin tưởng và gửi gắm thái tử cho Tô Hiến Thành. Ông đã thành công trong việc giáo dưỡng, rèn cặp để vua Anh Tông nối được nghiệp lớn của tiên tổ. Cũng trong đời vua này, ông đã được tin tưởng giao phó nhiều việc lớn, cả văn và võ, và ông đều lập công trạng lớn. Điều đó chứng tỏ các vua Thần Tông, Anh Tông biết nhận ra và tin dùng người có tài, có tâm, có trí, có dũng khi giao phó việc phò vua trẻ cho Trần Trung Tá. Ngược lại, Đỗ Hoàng thái hậu, do tầm nhìn hẹp, chỉ biết lợi riêng của quốc thích mà quên lợi ích chung của vương triều, quốc gia. Tiếc thay, thời nào cũng có những hạng người này.
TÔI TRUNG phải có VUA SÁNG, vua sáng phải có tôi trung mới nên sự nghiệp lớn. Đời xưa nay đều vậy.
Không chỉ giỏi cầm quân dẹp giặc, Tô Hiến Thành còn giỏi quản lý, thống lĩnh quân sĩ, giúp dân khẩn hoang ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Hiện nay miền duyên hải ven biển các tỉnh này đều có đền thờ ông.