Tổ hòa giải 5 tốt - Cách làm hay

Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được Ngành Tư pháp và các địa phương trên cả nước quan tâm, từ chủ trương, chính sách đến những biện pháp, hình thức cụ thể, sinh động. Một trong những cách làm hay, có hiệu quả là hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở.

Huyện Gia Lâm, TP Hà Nội có mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” hoạt động tích cực và đem lại kết quả thiết thực. Gần 200 “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn huyện huy động được gần 1.300 hòa giải viên, đã tham gia hòa giải đến gần 90% số vụ việc, mâu thuẫn, va chạm xảy ra trong nội bộ nhân dân trên địa bàn. Nhiều gia đình phát sinh mâu thuẫn, nhưng nhờ sự vào cuộc hòa giải tận tình, tích cực của các hòa giải viên là hàng xóm, láng giềng mà giữ được sự bình yên, giữ được tình cảm vợ chồng, tình cảm bố, mẹ, con cái…

Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều địa phương chưa đầu tư thỏa đáng cho hoạt động hòa giải. Vẫn tồn tại không ít địa bàn tổ hòa giải còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng hoạt động. Nhìn chung nhiều hòa giải viên chưa được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kinh nghiệm hòa giải dẫn đến kết quả hòa giải còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều, càng phức tạp những mâu thuẫn, va chạm trong nội bộ nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, đoàn thể mà công tác hòa giải cần phải được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.

Vì vậy, Ngành Tư pháp cùng các địa phương cần tăng cường xây dựng mô hình tổ hòa giải cả về số lượng và chất lượng. Chú trọng bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, làm tốt công tác biểu dương khen thưởng đối với các hòa giải viên và các tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả. Hằng năm, cần tổ chức rút kinh nghiệm, trao đổi phương thức, cách làm hay giữa các tổ hòa giải để cùng nhau xây dựng những điểm sáng trong lĩnh vực hoạt động này.

VŨ HẢI (Huyện Gia Lâm, TP Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/to-hoa-giai-5-tot-cach-lam-hay-619614