Tô Hoài - nhà văn trọng ngòi bút, trọng nghề văn

Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp và độ tuổi khác nhau.

Nhà văn Tô Hoài cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Để tri ân và tưởng nhớ một nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài (1920-2020), Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tọa đàm “Tô Hoài, nhà văn của mọi lứa tuổi” vào sáng 25-9, tại Hà Nội.

Cuộc tọa đàm góp phần để bạn đọc hiểu rõ hơn về chân dung của một nhà văn cùng hành trình sáng tác không mệt mỏi trong cả cuộc đời.

 Hình ảnh nhà văn Tô Hoài trong một tác phẩm của ông.

Hình ảnh nhà văn Tô Hoài trong một tác phẩm của ông.

Dấu ấn tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” trong lòng độc giả

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27-9-1920, tại làng Nghĩa Đô, Hoài Đức, Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Những sáng tác đầu tay của nhà văn Tô Hoài đã được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị thế của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thề, Nhà nghèo… Từ những tác phẩm này, người đọc nhận thấy sức sáng tạo dồi dào của cây bút với hai chủ đề chính là chuyện về loài vật. Qua những tác phẩm tiêu biểu như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Gã chuột bạch, Tuổi trẻ, Đôi ri đá, Một cuộc bể dâuthế giới loài vật của Tô Hoài thật độc đáo, gợi lên sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Có lẽ, từ trước đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài.

Đã từng được gặp nhà văn Tô Hoài và nhiều lần trao đổi về văn học thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên khẳng định: Nhà văn Tô Hoài cả đời đau đáu với sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” ra đời năm 1941 của Tô Hoài được coi là tác phẩm mở đầu cho dòng văn học thiếu nhi Việt Nam. Những năm qua, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đã xuất hiện, vậy mà“Dế Mèn phiêu lưu ký” dường như vẫn chiếm ngôi đầu bảng trong các cuốn sách được bạn đọc yêu quý. Đây là một tác phẩm đã vươn đến tầm nhân văn của nhân loại bởi sau một câu chuyện phiêu lưu, tranh đấu sôi động, các nhân vật đã đi tới một đoạn kết nhân ái, hòa bình.

 Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 21 ấn phẩm, trong đó có hai ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” được thiết kế công phu, tập hợp đầy đủ cả 3 phiên bản minh họa Dế mèn của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên vẽ minh họa“Dế Mèn phiêu lưu ký” năm 1959 khi đang học họa sĩ-đạo diễn phim hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô. Sau đó, ông cũng vẽ minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” hai lần nữa vào năm 1972 và 1989. Độc giả rất ấn tượng với những hình ảnh sinh động, trong sáng và khoáng đạt về Dế Mèn hiệp nghĩa, phong cảnh thiên nhiên sống động trong tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: Với sự đầu tư công phu cả về hình thức và nội dung, loạt ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài thể hiện sự tri ân sâu sắc của Nhà xuất bản Kim Đồng với một tác giả có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học nghệ thuật nước nhà.

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học khẳng định: “Dế Mèn phiêu lưu ký” là truyện viết cho thiếu nhi nhưng cũng là viết cho người lớn vì ẩn trong tác phẩm này là những bài học nhân sinh sâu sắc. Đọc tác phẩm này, độc giả nhận thấy sự mẫn cảm và óc quan sát tinh tế của Tô Hoài. Ông tả loài vật nào cũng đúng bản chất và đặc điểm của loài vật đó. Với “Dế Mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài thực sự là cây bút hàng đầu về nghệ thuật miêu tả thế giới loài vật. Tài năng của ông xuất phát từ khả năng quan sát sắc sảo và liên tưởng phong phú, cùng với cách tạo hình độc đáo.

Với “Dế Mèn phiêu lưu ký”, nhà văn Tô Hoài đã giúp cho người cầm bút nhận thức đúng đắn hơn về văn học thiếu nhi, đã góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của văn học Việt Nam ra thế giới.

 Một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

Một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

Văn và đời

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã lấy tiêu đề như thế cho tham luận của mình ở cuộc tọa đàm. Ông cho rằng, Tô Hoài là một trong những người có khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất trong các nhà văn Việt Nam. Ông trọng ngòi bút, trọng nghề văn nhưng không coi nó là siêu phàm. Nhà văn Tô Hoài có trí nhớ rất tốt, cùng với sự sáng tạo tinh tế, lối diễn đạt mộc, sắc, hóm hỉnh, đã tạo cho ông có nhiều tác phẩm để đời trong lòng độc giả.

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định: Nói đến Tô Hoài không thể không nói đến tài năng sử dụng ngôn ngữ của ông. Tô Hoài rất ít khi dùng thứ ngôn ngữ óng ả, sặc mùi sách vở. Chữ nghĩa của ông cất lên từ đời sống. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ được chắt lọc kỹ lưỡng. Các chi tiết nghệ thuật trong văn Tô Hoài thường là kết quả của một quá trình quan sát. Điều đáng nói nhất là việc Tô Hoài đã xác lập được một nhãn quan ngôn ngữ tự sự cho chính bản thân ông.

Cả cuộc đời dành cho sự nghiệp cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã có một sự nghiệp văn chương quy mô và giá trị. Ông là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau và đó là lý do những người yêu văn chương luôn nhắc nhớ, tìm đọc tác phẩm của ông.

Nhà văn Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng như: Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A-Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1-1996), giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2010.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/to-hoai-nha-van-trong-ngoi-but-trong-nghe-van-636106