Tổ hợp tác thanh niên sản xuất mắc ca

Mắc ca được nhiều nhà nông tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà trồng thời gian qua. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật chăm sóc hiệu quả cũng như đầu ra chưa ổn định nên cây trồng này vẫn chưa bén rễ bền chặt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Vì vậy, Ðoàn Thanh niên xã Tân Thanh đã thành lập Tổ hợp tác trồng mắc ca để phát triển cây trồng này tại địa phương.

Các tổ viên Tổ hợp tác sản xuất mắc ca Tân Thanh tham quan, chia sẻ kinh nghiệm tại vườn mắc ca trĩu quả của gia đình anh Nông Văn Danh

Các tổ viên Tổ hợp tác sản xuất mắc ca Tân Thanh tham quan, chia sẻ kinh nghiệm tại vườn mắc ca trĩu quả của gia đình anh Nông Văn Danh

Nông dân xã Tân Thanh lâu nay vẫn gắn bó với cây trồng quen thuộc là cà phê và chè. Thời gian gần đây, nhiều nông hộ tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm hướng đi mới để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Trong đó, cây mắc ca được nhiều nhà nông nơi đây lựa chọn. Theo thống kê của UBND xã Tân Thanh, toàn xã hiện có hơn 300 ha cây mắc ca. Diện tích này chủ yếu trồng xen giữa vườn cà phê và chè. Tuy nhiên, cây mắc ca vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân Tân Thanh vẫn chưa yên tâm gắn bó và phát triển cây trồng này.

Xuất phát từ thực trạng đó, Đoàn xã Tân Thanh đã tập hợp thanh niên tại địa phương để thành lập Tổ hợp tác sản xuất mắc ca Tân Thanh (sau đây gọi tắt là Tổ hợp tác). Hiện nay, Tổ hợp tác có 22 tổ viên do anh Ngô Văn An - Bí thư Đoàn xã làm Tổ trưởng. Tổ hợp tác này được thành lập giữa năm 2019 và các thành viên trong tổ gồm các hộ đang trồng, sản xuất mắc ca tại địa phương. Diện tích cây mắc ca hiện nay của các thành viên Tổ hợp tác là hơn 25 ha, trong đó 50% đã có thu.

Theo anh Ngô Văn An, Tổ hợp tác được thành lập nhằm tập hợp những hộ canh tác, sản xuất mắc ca trên địa bàn đoàn kết, giúp đỡ nhau, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức sản xuất mắc ca bền vững. Thông qua Tổ hợp tác cũng sẽ tranh thủ được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh phí của các ngành liên quan. Trong hoạt động, Tổ hợp tác cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao trình độ canh tác, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, nâng cao thu nhập từ cây mắc ca. Bên cạnh đó, Tổ thường xuyên cung cấp cho các tổ viên những thông tin về giá cả thị trường; những chủ trương của địa phương trong phát triển nông nghiệp; tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất; những nguồn giống cây trồng chất lượng… Ngoài ra, Tổ hợp tác tăng cường liên kết, tìm đầu ra ổn định, hiệu quả nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người trồng mắc ca.

Tuy mới thành lập chưa lâu nhưng Tổ hợp tác sản xuất mắc ca Tân Thanh bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định và tạo niềm tin cho các tổ viên. Hiện nay, không chỉ những hộ trồng mắc ca mà nhiều người sản xuất cây giống, ghép chồi, thu mua mắc ca cũng xin tham gia Tổ hợp tác này. Theo những thành viên của Tổ hợp tác, hiện nay do giá cà phê xuống thấp nên cây mắc ca là nguồn thu nhập chính trên diện tích vườn canh tác của gia đình. Trong khi đó, cây mắc ca trồng xen trên vườn cà phê và chè không ảnh hưởng đến sản lượng, sự phát triển của hai loại cây này mà lại không phải chăm sóc, chỉ bón phân cho cà phê, chè là cây mắc ca phát triển tốt. Hơn thế, mắc ca còn là cây che nắng, chắn gió cho cây cà phê và chè. Mặt khác, theo thông tin khoa học, cây mắc ca trồng một lần có thể cho thu hoạch từ 50 - 70 năm, ít bị sâu bệnh, dịch hại nên đỡ tốn kém chi phí đầu tư. Hiện nay, các tổ viên Tổ hợp tác đang trồng mắc ca xen trên vườn cà phê và chè với tỷ lệ khoảng 180 cây trên 1 ha, với sản lượng trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 8 - 10 kg quả một vụ. Người dân địa phương đang bán cho thương lại thu mua tại vườn là từ 100 - 120 ngàn đồng/kg, còn mắc ca sấy khô có giá từ 280 - 300 ngàn đồng/kg. Với giá hiện tại, mỗi ha mắc ca cho thu nhập bình quân khoảng gần 200 triệu đồng.

Anh Nông Văn Danh - tổ viên Tổ hợp tác cho biết, hiện nay gia đình anh đang trồng xen mắc ca trên vườn chè. Từ khi vào Tổ hợp tác, được tham gia tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mắc ca nên vườn nhà anh cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng cao. Anh hy vọng khi tham gia Tổ hợp tác, những người trồng mắc ca tại địa phương có tiếng nói chung, cùng nhau phát triển cây mắc ca bền vững, tìm được đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

“Hiện nay, sản phẩm mắc ca của các thành viên Tổ hợp tác chủ yếu bán cho thương lái, phần còn lại một số hộ sấy khô và bán qua mạng. Bước đầu là thành lập tổ hợp tác, sau khi đi vào hoạt động ổn định và đông thành viên, chúng tôi sẽ tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất mắc ca. Hiện tại, chúng tôi cũng đang tìm hướng liên kết tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mắc ca địa phương. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác cũng mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng nhà máy, đưa công nghệ, thiết bị vào sản xuất, đóng gói tạo thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm mắc ca Tân Thanh. Qua đó tạo điều kiện để cây mắc ca bám rễ phát triển bền vững tại địa phương và nâng cao thu nhập đời sống cho người dân”, anh Ngô Văn An - tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ thêm.

Đồng chí Trần Quang Thân - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, Lâm Hà cho biết, địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập và hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thì người nông dân mới có tiếng nói chung và tạo được sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Với Tổ hợp tác sản xuất mắc ca Tân Thanh do Đoàn Thanh niên xã quản lý, dù mới được thành lập chưa lâu nhưng đã dần đi vào hoạt động ổn định và có nhiều tổ viên đăng ký tham gia. Hy vọng, Tổ hợp tác sản xuất mắc ca thành lập sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng mắc ca tại địa phương. Qua đó, giúp người nông dân tìm được nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn giống đảm bảo, có kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây mắc ca đạt sản lượng cao, tìm được đầu ra ổn định và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

DUY DANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202002/to-hop-tac-thanh-nien-san-xuat-mac-ca-2989716/