Tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trồng đặc sản
Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt các tổ viên góp vốn mua thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trong chăm sóc cây trồng. Tổ hợp tác còn tổ chức làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho các nhà vườn tại địa phương để nhân rộng hiệu quả của mô hình ứng dụng công nghệ cao này.
Tổ hợp tác này đang tích cực triển khai làm mã số vùng trồng để xuất khẩu trái sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, làm sản phẩm sạch gắn với du lịch vườn để nâng cao thu nhập cho nông dân.
* Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao
Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức Trần Văn Đức chia sẻ: “Nghe giới thiệu và tham quan thực tế thấy việc sử dụng máy bay không người lái trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho vườn cây ăn trái mang lại nhiều lợi ích, tôi vận động các tổ viên trong tổ hợp tác đóng góp mua thiết bị này về sử dụng. Nhưng nhiều tổ viên còn e ngại về chi phí đầu tư nên cuối cùng có 4 tổ viên góp vốn đầu tư vừa sử dụng cho vườn nhà, vừa làm dịch vụ cho nông dân tại địa phương”.
Ông Đức giới thiệu về những lợi ích khi ứng dụng thiết bị công nghệ cao này vào sản xuất, thiết bị máy bay không người lái giúp tiết kiệm chi phí phân, thuốc, công lao động. Cây sầu riêng phải thường xuyên xịt phân dưỡng lá, thuốc xử lý sâu bệnh nhiều nên so với việc xịt thuốc bằng hệ thống tưới hoặc thủ công bằng tay thì việc sử dụng máy bay không người lái trong việc phun thuốc tiết kiệm hơn nhiều.
Ông Đức so sánh: “Một hécta sầu riêng, 2 lao động cần nửa ngày xịt cật lực mới xong, còn chiếc máy bay không người lái này chỉ mất khoảng 20 phút là hoàn thành, đồng thời tiết kiệm hơn nhiều về sử dụng lượng nước, phân, thuốc so với cách làm truyền thống”. Với tình hình lao động nông thôn ngày càng khan hiếm như hiện nay, ứng dụng công nghệ cao thiết bị máy bay không người lái vào sản xuất càng có nhiều lợi thế, nhất là đảm bảo tính kịp thời trong xử lý sâu bệnh trên cây trồng.
Ông Nguyễn Hữu Trung, tổ viên của Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức, một trong những người góp vốn đầu tư thiết bị máy bay không người lái, cho biết thêm thiết bị này rất dễ sử dụng, để nắm vững kỹ thuật điều khiển, người làm chỉ cần một vài buổi được hướng dẫn và thực hành là làm tốt. Khi đưa vào sử dụng cũng chỉ cần có 2 lao động là có thể vận hành thiết bị hoạt động.
“Tổ hợp tác có tổ chức dịch vụ phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái. Chúng tôi không quá chú trọng đến lợi nhuận nên đưa ra mức giá dịch vụ phù hợp để phục vụ tổ viên và nông dân tại địa phương” - ông Trung nói.
Theo ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray), vụ thu hoạch vừa qua, cây sầu riêng cho lợi nhuận cao nên các tổ viên trong tổ hợp tác rất ủng hộ việc đăng ký làm mã số vùng trồng, quan tâm ứng dụng quy trình sản xuất an toàn để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Hiện Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức đang làm chứng nhận VietGAP cho sản phẩm sầu riêng và đăng ký làm mã số vùng trồng cho 15 hécta sầu riêng đang cho thu hoạch để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
* Nhân rộng diện tích trồng đặc sản sạch
Ông Trần Văn Đức cho biết thêm, Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức có 23 thành viên với hơn 40 hécta sầu riêng. Toàn bộ diện tích này được các tổ viên làm theo hướng hữu cơ, chuộng sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học để cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn. Riêng gia đình ông Đức có khoảng 5 hécta trồng cây ăn trái, trong đó có 3 hécta trồng sầu riêng, còn lại ông trồng mít ruột đỏ, bưởi…
Thời gian qua, nhiều nông dân ứng dụng mô hình sử dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải hữu cơ trong sinh hoạt cũng như phế, phụ phẩm trong trồng trọt, chất thải chăn nuôi…
Ông Nguyễn Hữu Trung, tổ viên của Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức, cho hay gia đình ông có hơn 10 hécta trồng các cây ăn trái gồm: sầu riêng, cam sành, bưởi da xanh, bơ, táo, nhãn... Một số vườn cây của ông Trung được lắp hệ thống tưới nước tự động sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới hoạt động từ xa.
Ông Trung cho biết: “Tôi đang cải tạo lại vườn cây, làm thêm cảnh quan để đưa vào khai thác dịch vụ du lịch vườn với mong muốn có thêm kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ với giá tốt”.
Gia đình ông Trung rất quan tâm ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, trong đó có ứng dụng IMO vào sản xuất vì mô hình này giúp giảm chi phí đầu vào. Nhưng quan trọng nhất là cây trồng theo hướng hữu cơ cho sản phẩm ngon, sạch để người tiêu dùng về vườn vui chơi, yên tâm thưởng thức và mua trái cây vì tin tưởng vào sự an toàn của sản phẩm.
Trong phát triển nông nghiệp xanh thì ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp giúp ngành nông nghiệp tăng năng suất, chất lượng, giảm công lao động. Đồng thời, sản phẩm làm ra có thể đưa xuất khẩu chính ngạch. Do đó, nhiều năm nay, Đồng Nai luôn khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi, trồng trọt.